Australia phát hiện hóa thạch của loài thằn lằn bay lớn nhất, sải cánh ước tính rộng tới 7m
Thằn lằn bay hay dực long (pterosaur) là một nhóm bò sát rất thành công trong lịch sử, sống cách đây từ 65 đến tận 210 triệu năm. Một số đại diện như Azhdarchidae còn lớn hơn cả hươu cao cổ với sải cánh rộng hơn 9 m, khiến nó trở thành động vật bay lớn nhất từng tồn tại trên Trái Đất.
Ở Australia, hóa thạch dực long đặc biệt hiếm. Đến nay, có chưa tới 20 mẫu vật được tìm thấy ở các bang Queensland, New South Wales, Victoria và West Australia, trong đó chủ yếu là các mảnh xương rời rạc và bị cô lập từ kỷ Phấn Trắng.
Mô phỏng dực long Thapunngaka shawi. Ảnh: Richards et al |
Liên quan một mẫu vật mới được khai quật tại lưu vực Eromanga ở Queensland, trong báo cáo trên tạp chí Vertebrate Paleontology hôm 9/8, các nhà cổ sinh vật học từ Đại học Queensland nhấn mạnh nó thuộc về một loài dực long hoàn toàn mới, lớn chưa từng thấy ở Australia, được đặt tên là Thapunngaka shawi.
Theo đó, sinh vật sở hữu sải cánh rộng tới 7 m và có khả năng ăn thịt những con khủng long chưa trưởng thành. Toàn bộ hộp sọ của loài rồng ngoài đời thực này có thể dài hơn 1m và chứa 40 chiếc răng. Loài mới được phát hiện là một phần trong nhóm các loài ăn thịt được đặt tên là Anhanguera. Những con dực long này đã từng bay qua mọi lục địa.
Phát hiện mới nhất đánh dấu loài dực long Anhanguera thứ 3 được tìm thấy ở Australia. Tất cả hóa thạch dực long ở Australia đều được khai quật tại phía tây Queensland. Hóa thạch được trưng bày tại bảo tàng Kronosaurus Korner ở Richmond.
Thapunngaka shawi được cho là đã thống trị bầu trời Australia trong kỷ Phấn Trắng từ 100 đến 110 triệu năm trước.
Hóa thạch Thapunngaka shawi hiện được trưng bày tại bảo tàng Kronosaurus Korner ở thị trấn Richmond, bang Queensland, Australia.