Tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam: Sự thật không thể phủ nhận
Công an huyện Bảo Lâm (tỉnh Cao Bằng) tuyên truyền vận động người dân thực hiện lối sống văn minh, tuân thủ pháp luật trong một buổi sinh hoạt tại điểm nhóm Tin lành người H’Mông xóm Nà Ca, thị trấn Pác Miầu. |
Ngay từ đầu năm 2024, nhân Hội nghị Thượng đỉnh Tự do Tôn giáo quốc tế (IRF-hội nghị thường niên của các tổ chức xã hội dân sự) tổ chức ngày 30-31/1 tại thủ đô Washington, Hoa Kỳ, hàng chục cá nhân tự xưng là “nhà hoạt động vì tự do tôn giáo cho Việt Nam” đã tranh thủ tiếp cận, vận động hành lang đối với các nhà lập pháp, hành pháp và các tổ chức quốc tế hòng gây sức ép đến chính quyền Việt Nam.
Như tiết lộ của một trong số các thành viên tham gia Hội nghị đã phần nào cho thấy rõ điều này: “Chúng tôi chia ra rất nhiều nhóm để gặp gỡ các vị dân biểu và các thượng nghị sĩ để nêu các trường hợp tiêu biểu về đàn áp tự do tôn giáo và nhân quyền tại Việt Nam”.
Nổi lên trong số đó không thể không nhắc đến sự xăng xái của BPSOS (Ủy ban cứu người vượt biển, do Nguyễn Đình Thắng làm Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành). Lợi dụng diễn đàn, BPSOS tổ chức hàng loạt cuộc bàn tròn danh nghĩa là bàn về tự do tôn giáo nhưng bản chất là xuyên tạc chính sách tôn giáo ở Việt Nam, đưa thông tin sai sự thật về cái gọi là “các tổ chức tôn giáo bị nhà nước kiểm soát”, “sự đàn áp của Nhà nước với các cộng đồng bản địa ở Việt Nam”. Và như thường lệ, tổ chức này tiếp tục lớn tiếng vận động quốc tế đòi thả tự do cho “tù nhân tôn giáo” ở Việt Nam, kêu gọi sự can thiệp của các tổ chức, chính phủ các nước đối với chính quyền Việt Nam, rắp tâm quốc tế hóa các vấn đề nội bộ của Việt Nam.
Mới đây, vào các ngày 22-23/7, tại Hội nghị Thượng đỉnh về Tự do Tôn giáo quốc tế-Khu vực châu Á (International Religious Freedom Summit-Asia, viết tắt IRF Summit-Asia) diễn ra tại Tokyo, Nhật Bản, BPSOS lại “bổn cũ soạn lại”. Với tư cách thành viên Ban tổ chức, tổ chức này đã tranh thủ đánh bóng tên tuổi cũng như ra sức thể hiện mục đích đen tối của mình.
Người đứng đầu tổ chức Nguyễn Đình Thắng tận dụng cơ hội đăng đàn với tư cách diễn giả. Và không ngạc nhiên khi người này tiếp tục vu khống, bôi nhọ Việt Nam trắng trợn trong vấn đề “kiểm soát tôn giáo”; đồng thời khiến dư luận hết sức phẫn nộ khi xuyên tạc sự phối hợp giữa Ban Tôn giáo Chính phủ và Bộ Công an là “để kìm kẹp và đàn áp tôn giáo”, cũng như đưa thông tin sai sự thật về cái gọi là “các hình thức đàn áp xuyên quốc gia của cộng sản Việt Nam”.
Chưa dừng lại ở đó, Nguyễn Đình Thắng tiếp tục đi Đài Loan (Trung Quốc) để tiếp xúc với một số tổ chức, kêu gọi họ góp sức vào phong trào đấu tranh cho quyền tự do tôn giáo toàn cầu, đồng thời tham gia kêu gọi thành lập nhóm vận động các dân biểu yểm trợ cho Tự do tôn giáo ở Việt Nam tại Hoa Kỳ.
Trả lời phỏng vấn báo chí, Nguyễn Đình Thắng cho rằng các vị dân biểu thượng nghị sĩ có ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ đặc biệt là liên quan đến vấn đề tự do tôn giáo cần phải lắng nghe tiếng nói của cử tri. Do đó BPSOS đã sắp xếp phái đoàn gồm 7 người đến làm việc tại văn phòng dân biểu Lou Correa ở Quận Cam (Orange County), bang California. Đây cũng là quận đông dân đứng thứ nhì tại tiểu bang và đứng thứ ba của Hoa Kỳ, đặc biệt Quận Cam cũng là nơi tập trung đông người Việt sinh sống.
Thông tin từ BPSOS phát đi cho biết phái đoàn đã đưa ra một số đề nghị và hẹn gặp gỡ thường xuyên với văn phòng dân biểu Correa ở địa phương và ở Quốc hội để phối hợp hành động. Từ đây có ý kiến cho rằng liệu có phải Nguyễn Đình Thắng đang mưu đồ dùng chiêu bài “tiếng nói cử tri” để gây sức ép đối với các dân biểu Hoa Kỳ hay không?
Thời gian qua, dưới sự điều hành của Nguyễn Đình Thắng, BPSOS không ngừng đẩy mạnh thực hiện cái gọi là “Đề án dân quyền Việt Nam”, hô hào “Bảo đảm sự thực thi đúng đắn các điều khoản bảo vệ dân quyền trong luật quốc gia và thúc đẩy sự tuân thủ các tiêu chuẩn nhân quyền theo luật quốc tế”.
Song trên thực tế tổ chức này thường xuyên đưa những thông tin sai sự thật, bịa đặt về các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về vấn đề tôn giáo, kích động, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, làm suy giảm lòng tin của quần chúng nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, cản trở con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, hạ thấp vai trò, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Như ngày 20/6/2024 BPSOS đã phát đi bản thông báo xuyên tạc Giáo hội Phật giáo Việt Nam là tổ chức “ngụy tôn giáo”, từ đó kích động người dân “dùng quyền công dân của mình tố giác những việc làm trái pháp luật tới các cơ quan chức năng và yêu cầu các cơ quan này phải xử lý theo đúng quy định của pháp luật”. Ngông cuồng hơn, “Đề án dân quyền Việt Nam” của BPSOS soạn sẵn hai mẫu đơn (Đơn yêu cầu, Đơn tố giác tội phạm) kêu gọi người dân điền thông tin cá nhân và ký tên, đồng thời tuyên bố “Chúng tôi (tức BPSOS) và các tổ chức nhân quyền quốc tế sẽ dành sự quan tâm thích đáng để theo dõi và bảo vệ bất cứ ai thực hiện các hành vi pháp lý chính đáng này”.
Điều đáng nói là trong hai mẫu đơn được phát ra, BPSOS đã cố tình chuẩn bị sẵn những nội dung sai trái nhằm chỉ trích, công kích Giáo hội Phật giáo Việt Nam và đưa ra đòi hỏi ngông cuồng “yêu cầu Ban Tôn giáo Chính phủ cần thực hiện chức năng của mình phải ra văn bản chấn chỉnh các hành vi vi phạm pháp luật của tổ chức và các cá nhân nói trên.
Trong quá trình thực hiện chức năng của mình, nếu xét thấy các hành vi trên có dấu hiệu của tội phạm thì cần phải chuyển ngay thông tin đó cho cơ quan điều tra hình sự theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự”. BPSOS ngang nhiên đưa ra thông điệp hàm ý đe dọa rằng: “Nếu Chính phủ Việt Nam tuân thủ luật pháp và xử trị những kẻ vi phạm thì là điều tốt, còn như bao che cho tổ chức ngụy tôn giáo mà chính họ đã tạo tác nên thì sẽ là căn cứ để chúng tôi huy động quốc tế quan tâm và hành động”.
Những việc làm của BPSOS không gây bất ngờ cho những người am hiểu vấn đề, bởi lâu nay họ không còn lạ về cách thức hoạt động của tổ chức này. Bản chất BPSOS là một tổ chức phản động lưu vong với phương thức và thủ đoạn chống đối quyết liệt cả ở trong và ngoài nước, xâm phạm trực tiếp đến an ninh quốc gia của Việt Nam.
Báo cáo của cơ quan chức năng cho thấy từ năm 2016 đến nay, BPSOS đã tổ chức nhiều khóa huấn luyện cho các đối tượng ở trong nước chủ yếu là số trí thức, thành viên có nhận thức lệch lạc về chính trị, pháp luật, số đối tượng chính trị cực đoan trong tôn giáo, dân tộc.
Qua huấn luyện, BPSOS đã hướng dẫn số đối tượng này viết báo cáo về vấn đề dân chủ, nhân quyền với mục đích tuyên truyền chống Việt Nam. Tổ chức này cũng tích cực kích động, xúi giục một số đối tượng trong nước thành lập các hội nhóm trá hình dưới danh nghĩa hoạt động “dân chủ” “nhân quyền” để tập hợp lực lượng tiến hành các hoạt động chống phá Việt Nam.
Chính BPSOS từng tuyên bố rằng đã liên kết với các hội nhóm chống đối trong nước, để thu thập thông tin, xây dựng báo cáo xuyên tạc về tình hình Việt Nam nhằm đưa vấn đề này ra các cuộc họp; hội thảo do các cơ quan có thẩm quyền đứng ra tổ chức. Quá trình hoạt động của tổ chức này cho thấy dù mượn danh nghĩa “hỗ trợ tị nạn” song thực chất BPSOS đã triệt để lợi dụng vấn đề người tị nạn để tuyên truyền, chống phá Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế cũng như gây phức tạp tình hình an ninh trật tự tại một số địa phương trong nước.
Cần khẳng định Việt Nam luôn thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Báo cáo tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai công tác 6 tháng cuối năm 2024 về công tác tôn giáo tổ chức ngày 18/7/2024 tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh nêu rõ:
Trong 6 tháng đầu năm 2024, ngành quản lý nhà nước về tôn giáo bám sát chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Bộ Nội vụ; thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật hành chính và hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước giao; tham mưu với Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Bộ Nội vụ nhiều chủ trương công tác lớn trong quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; kịp thời phát hiện và tham mưu xử lý đối với các hoạt động vi phạm pháp luật liên quan đến tôn giáo, tạo sự đồng thuận trong chức sắc, tín đồ và quần chúng nhân dân.
Công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả, góp phần ổn định tình hình tín ngưỡng, tôn giáo trong cả nước. Chính quyền các cấp quan tâm hướng dẫn, giúp đỡ các tổ chức tôn giáo hoạt động theo quy định của pháp luật; bảo đảm sinh hoạt tôn giáo ổn định, tuân thủ pháp luật, gắn bó với dân tộc.
Công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo được triển khai theo đúng quy định của pháp luật. Công tác đối ngoại tôn giáo và đấu tranh nhân quyền tiếp tục được duy trì và phát huy; chủ động cung cấp thông tin và phản bác luận điệu xuyên tạc của thế lực thù địch, đóng góp tích cực vào đường lối đối ngoại rộng mở của Đảng, Nhà nước ta.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn cả nước diễn ra sôi động, cơ bản tuân thủ pháp luật. Niềm tin của chức sắc, tín đồ các tôn giáo đối với Đảng, Nhà nước được củng cố. Các tổ chức tôn giáo hợp pháp tiếp tục xác định đường hướng hoạt động gắn bó, đồng hành cùng dân tộc; phát huy nguồn lực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Những kết quả trên đây tiếp tục cho thấy những chính sách đúng đắn và hiệu quả của Đảng, Nhà nước ta đã góp phần thiết thực để bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam mà không một thế lực nào có thể xuyên tạc, bôi nhọ.
Theo Thành Sơn/ Báo Nhân Dân
https://nhandan.vn/tu-do-tin-nguong-ton-giao-o-viet-nam-su-that-khong-the-phu-nhan-post822835.html
Ra mắt sách trắng "Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam" Sáng 9/3, Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tôn giáo Chính phủ đã ra mắt Sách trắng “Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam”. |
Tự do tôn giáo ở Việt Nam qua góc nhìn lễ hội Theo Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), hằng năm tại nước ta diễn ra 7.966 lễ hội. |