Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Cà Mau
Đây cũng là diễn đàn quan trọng, mở ra cơ hội thuận lợi để các đối tác, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước trực tiếp đối thoại với lãnh đạo tỉnh nhằm tìm hiểu, nắm bắt tư duy, tầm nhìn, không gian phát triển mới, những tiềm năng, thế mạnh, cơ hội, các dự án cụ thể của Cà Mau. Đồng thời lắng nghe lãnh đạo các bộ, ngành trung ương có ý kiến, gợi mở về định hướng phát triển, các giải pháp thúc đẩy hợp tác, tăng cường thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Các đại biểu tham dự hội nghị. |
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Cà Mau hội tụ nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, tạo động lực phát triển không chỉ cho Cà Mau mà còn lan tỏa cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Đặc biệt, quy hoạch tỉnh Cà Mau được công bố lần này có tầm quan trọng đặc biệt, tạo không gian phát triển mới, thúc đẩy các ngành, lĩnh vực phát triển bền vững, hiệu quả; giúp khai thác, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. |
Tin tưởng hội nghị sẽ góp phần khơi thông, huy động các nguồn lực đầu tư lớn từ trong và ngoài nước vào Cà Mau, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị tỉnh Cà Mau cần tập trung tổ chức triển khai Quy hoạch tỉnh Cà Mau giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 gắn với việc thực hiện Nghị quyết của Trung ương, nhất là Nghị quyết 13 ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế- xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2023, tầm nhìn đến 2045; các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Cà Mau lần thứ XVI, chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của Trung ương và địa phương.
Cùng với đó, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, trọng tâm là tạo đột phá cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục xây dựng chính quyền điện tử, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bình đẳng…
Thủ tướng cũng đề nghị các Bộ, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với tỉnh Cà Mau đánh giá thực trạng, có các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi tiết giảm chi phí cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư. Ngoài ra, sớm xem xét, giải quyết các kiến nghị của tỉnh Cà Mau như cần có cơ chế ưu tiên đầu tư và hỗ trợ đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng của vùng bán đảo Cà Mau; nghiên cứu, sớm nâng cấp Cảng hàng không Cà Mau; xem xét, bổ sung quy hoạch cao tốc từ thành phố Cà Mau đến Mũi Cà Mau và ưu tiên cân đối nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để sớm thực hiện các dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh… Ngoài ra, sớm hỗ trợ tỉnh Cà Mau xây dựng Đề án phát triển vùng Đất Mũi để tạo động lực mới phát triển cho tỉnh.
Ông Nguyễn Tiến Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau phát biểu tại hội nghị. |
Theo Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải, Cà Mau có vị trí địa lý thuận lợi trong giao lưu phát triển kinh tế với các nước Đông Nam Á; là tỉnh duy nhất có 3 mặt giáp biển với chiều dài bờ biển 254 km; có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển thành trung tâm chế biến thủy sản, thực phẩm của vùng và cả nước, phát triển năng lượng tái tạo, du lịch sinh thái, du lịch biển, đảo, du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng.
Bên cạnh đó, ngành công nghiệp nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy hải sản, việc kết hợp phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như: điện gió trên bờ, gần bờ, ngoài khơi, điện mặt trời kết hợp trên đất nuôi trông thủy sản, điện sinh khối… giàu tiềm năng, cơ hội cho Cà Mau xuất khẩu điện sang nhiều nước trong khu vực như: Singapore, Thái Lan, Campuchia … đang có nhu cầu lớn nhập khẩu điện, đặc biệt là Singapore.
Cũng theo ông Nguyễn Tiến Hải, thời gian qua tỉnh luôn xác định công tác lập quy hoạch là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là cơ sở pháp lý vững chắc để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, hoạch định chính sách, quản lý, điều hành thống nhất, xuyên suốt trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội, phát triển từng ngành, lĩnh vực, cũng như huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của tỉnh.
Trao chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trao chủ trương tiếp cận, nghiên cứu, khảo sát dự án cho các nhà đầu tư. |
Tỉnh Cà Mau xác định đến năm 2030 sẽ trở thành tỉnh phát triển khá của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại; có nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển; hệ sinh thái được bảo tồn, thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt trên 7,5%/năm. Quy mô GRDP năm 2030 gấp 2 - 2,5 lần so với năm 2020. GRDP bình quân đầu người đạt trên 146 triệu đồng. Tỷ trọng khu vực ngư, nông, lâm nghiệp chiếm khoảng 23%; công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 36,5%; dịch vụ chiếm khoảng 37%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm khoảng 3,5%. Tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia đạt trên 80%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 65%, trong đó tỷ lệ lao động đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt trên 30%...
Tại hội nghị, UBND tỉnh Cà Mau đã trao chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trao chủ trương tiếp cận, nghiên cứu, khảo sát dự án cho các nhà đầu tư.
Cà Mau tổ chức ngày hội ẩm thực, quảng bá tinh hoa ẩm thực Việt 2023 Trung tâm Xúc tiến Đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Cà Mau vừa có kế hoạch tổ chức Ngày hội “Ẩm thực thủy sản Cà Mau” kết hợp quảng diễn tinh hoa ẩm thực Việt năm 2023. |
Nâng tầm tôm Việt - Cùng phát triển sản phẩm OCOP Đó là chủ đề Festival tôm Cà Mau và Diễn đàn OCOP Đồng bằng sông Cửu Long 2023, do UBND tỉnh Cà Mau tổ chức sẽ diễn ra từ ngày 13 - 16/12 tại TP Cà Mau. |
Festival Tôm Cà Mau 2023 sẽ diễn ra từ ngày 10 - 13/12 Chiều ngày 21/11, UBND tỉnh Cà Mau tổ chức họp báo thông tin về sự kiện Festival Tôm Cà Mau và Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP Đồng bằng sông Cửu Long 2023 lần đầu tiên tại địa phương. |