Nông dân Campuchia đổi đời nhờ cây cao su Việt
Gieo no ấm trên đất Campuchia
Chúng tôi gặp anh Chay Vy Chey (37 tuổi) và chị Vau Srey Da (38 tuổi) trong khu vực dự án cao su thuộc Công ty TNHH Phát triển cao su Tân Biên - Kampong Thom (xã Kroyea, huyện Santuk, tỉnh Kampong Thom, Campuchia). Cửa hàng tạp hóa của anh chị nằm ngay trung tâm khu vực. Trong không gian nhỏ nhưng ngăn nắp, từng kệ hàng đầy ắp bánh kẹo, nhu yếu phẩm và cả những vật dụng sinh hoạt hàng ngày.
Công nhân cao su ghé mua hàng tấp nập khiến anh chị bận luôn tay luôn chân. Vừa thoăn thoắt bê những thùng mì đặt lên kệ, anh Chey vừa kể, trước đây, gia đình anh nghèo đến mức không có nổi những vật dụng đơn giản như chén bát, nồi, chảo nấu ăn. Hai vợ chồng bữa đói bữa no khi nghề chính là làm ruộng và vào rừng lấy củi.
Cuộc sống của anh chị thay đổi từ năm 2010, khi anh Chey vào làm tài xế chở mủ cao su cho công ty. Với khoản thu nhập ổn định, công ty còn chăm lo từ chỗ ở, nhu yếu phẩm hằng tháng, con đi học miễn phí… anh chị dành dụm được tiền mở cửa hàng tạp hóa nhỏ. Sau thời gian tích lũy, cửa hàng dần mở rộng như ngày hôm nay.
Hiện vợ chồng anh đã xây được nhà riêng khang trang và mới sắm một chiếc xe hơi trị giá 7.800 USD. Anh chị đã có 3 con và đều đi học tại trường do công ty đầu tư phục vụ con em công nhân, con lớn nhất hiện đã học lớp 7.
Gia đình anh Chay Vy Chey và chị Vau Srey Da. |
Còn với gia đình ông Loeng Leab (66 tuổi), hiện cả dòng họ ông có đến gần 30 người đang là công nhân cao su tại Nông trường Ou Thum thuộc Công ty CP Cao su Bà Rịa - Kampong Thom (huyện Santuk, tỉnh Kampong Thom, Campuchia). Ông Leab kể, quê nhà ông trong một xóm nhỏ cách nông trường đến 60km. Nhà chỉ có hai công ruộng cha mẹ để lại, hằng ngày ông phải cùng con trai lớn đi đánh bắt cá nuôi cả gia đình sáu người.
Khi nghe xã thông báo công ty cao su Việt Nam tuyển lao động, con trai cả ông bỏ tay lưới, tìm đến nông trường. Tháng sau, con trai về thông báo đã nhận được hơn 400 USD và công ty cũng đang cần người, ông Leab liền theo con. Sau vài tháng làm việc, ông Leab dẫn luôn vợ đến làm công nhân cao su, rồi anh, em, con, cháu ông cũng đưa gia đình đến. Họ ở trong những căn nhà được công ty cấp, quây quần thành xóm nhỏ như lúc còn ở quê.
Người con trai thứ hai của ông Leab là Prom Sok Leang nhờ khéo léo tiếp thu kỹ thuật trồng cao su, khai thác mủ rất nhanh nên chỉ trong 5 năm trở thành tổ trưởng để chấm công, theo dõi kỹ thuật, chăm sóc hàng cây. Anh được cất nhắc lên đội phó, rồi làm đội trưởng, quản lý hơn 400ha cao su.
Anh Prom Sok Leang gặp vợ mình ở nông trường. Sau khi cưới, anh cải tạo lại phần trệt căn nhà sàn được công ty cấp nơi ngã tư đường thành quán tạp hóa để vợ buôn bán. Thêm mức lương công nhân cao su dao động khoảng 300 - 400 USD một tháng, vợ chồng anh tiết kiệm hơn một năm đã mua được chiếc xe hơi bán tải để đi lại. Hai đứa con anh đang học ngay Trường tiểu học hữu nghị Bà Rịa - Kampong Thom do công ty xây dựng. Anh Prom Sok Leang cho biết, với gia đình anh, cuộc sống gần như đã đủ đầy.
Rừng cao su xây tình hữu nghị
Trường hợp nhiều người trong cùng dòng họ rủ nhau đến làm việc rồi quây quần ổn định cưới vợ sinh con dưới tán cao su rất phổ biên trên khắp các nông trường cao su của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) ở Campuchia.
Thống kê cho thấy, hiện nay tổng số lao động của 16 công ty thuộc Tập đoàn VGR đang làm việc tại Campuchia là khoảng 17.300 người. Trong đó chỉ có khoảng 10% là người Việt, còn lại là người dân nước bạn. Mức lương bình quân mỗi tháng của một công nhân vào khoảng 350 USD, cao gần gấp đôi mức lương tối thiểu nước này.
Theo ông Hoàng Hữu Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty CP Cao su Bà Rịa - Kampong Thom, trong số công nhân người địa phương làm cao su có đến 25 gia đình có xe hơi các loại. Điểm chung của những gia đình này là khi mới vào làm, họ hầu như không có tài sản, chỉ có sức lao động, nhưng nhờ chăm chỉ, tích lũy và phát triển kinh tế hộ gia đình, đời sống của họ đã cải thiện rõ rệt.
Phát biểu tại buổi gặp gỡ, đối thoại với người dân địa phương hai xã Popok và xã Sakream (tỉnh Kampong Thom, Campuchia) ngày 21/10/2024, ông Nguyễn Tiến Dũng, Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Công ty CP Cao su Chư Sê - Kampong Thom cho biết, các công ty trong Tập đoàn luôn xác định chăm lo tốt cho cuộc sống người lao động thì người lao động mới gắn bó lâu dài. Vì vậy, tất cả lao động đều được thực hiện tốt các chính sách theo quy định pháp luật như ký hợp đồng lao động, đăng ký sổ lao động, mua bảo hiểm, trang bị bảo hộ lao động, hỗ trợ gạo, nhà ở...
Một khu nhà khang trang do Công ty CP Cao su Chư Sê - Kampong Thom xây dựng cho công nhân. |
Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, ngành cao su có một đặc điểm khi đặt chân đến đâu thì điện - đường - trường - trạm cũng phát triển đến đó. Điều này không chỉ phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, mà còn phục vụ cho người lao động, dân cư trong và ngoài vùng dự án. Từ đó gắn kết, ổn định cuộc sống của người dân một cách lâu dài và bền vững.
Người dân địa phương được đi lại trong đường giao thông nội bộ; được chăm sóc y tế và đưa con em đến các trường học hoàn toàn miễn phí trong vùng dự án cao su của doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Campuchia. Đặc biệt, người dân được tư vấn chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc, khai thác cao su nếu có nhu cầu.
Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Nguyễn Huy Tăng cho biết: Hiện các dự án cao su của các công ty Việt chiếm một nửa diện tích cao su tại Campuchia. Nguyên Phó thủ tướng Campuchia Yim Chhay Ly luôn khẳng định việc trồng cao su của Việt Nam đã góp phần phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm, xây dựng cơ sở hạ tầng và xóa đói giảm nghèo cho người dân địa phương.
Đại sứ Nguyễn Huy Tăng mong muốn, thời gian tới, hai bên sẽ tiếp tục phối hợp thực hiện trong công tác giữ gìn an ninh trật tự, phát triển kinh tế - xã hội địa phương và cùng giải quyết các vấn đề có liên quan kịp thời và hiệu quả. Qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế, xây dựng nền tảng vững chắc cho quan hệ hữu nghị lâu dài, vì lợi ích chung của nhân dân hai nước.
Chợ Lê Hồng Phong: Hòa quyện tinh hoa ẩm thực Việt Nam - Campuchia Nằm giữa lòng thành phố Hồ Chí Minh, chợ Lê Hồng Phong là nơi lưu giữ và kết hợp tinh hoa ẩm thực Việt Nam - Campuchia. Những món ăn Campuchia như cá Biển Hồ, bún cá, bún mắm, chè... mang đến trải nghiệm vị giác đậm đà, vừa lạ vừa quen. |
Học bổng từ Việt Nam giúp học sinh nghèo Campuchia hiện thực ước mơ tới trường Trong những năm qua, học bổng của nhà nước, từ bộ đội biên phòng, các doanh nghiệp, mạnh thường quân... của Việt Nam đã góp phần hỗ trợ để học sinh nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại các bản làng, biên giới nước bạn Campuchia đến trường, biến ước mơ của hàng ngàn em nhỏ thành sự thật. |