“Hạt giống” tình hữu nghị Việt Nam - Campuchia
Thấu hiểu văn hóa thông qua ngôn ngữ
Một chiều cuối thu Hà Nội, tôi gặp Dương Đức Anh - chàng trai sinh năm 1999 mang trong mình niềm đam mê đặc biệt với ngôn ngữ và văn hóa Khmer. Sau 5 năm học tập và trải nghiệm tại Campuchia, Đức Anh trở về gắn bó với công việc dịch thuật tiếng Việt - Khmer tại một cơ quan báo chí trong lĩnh vực đối ngoại.
Anh Dương Đức Anh (bên trái) tham gia Lễ đón Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia năm 2021. |
Năm 2017, Đức Anh quyết định đăng ký du học ngành Văn học Khmer tại Đại học Hoàng gia Phnom Penh (Campuchia). Những ngày đầu trên đất Campuchia là thử thách lớn đối với Đức Anh. Vốn tiếng Khmer còn hạn chế khiến anh gặp khó khăn trong giao tiếp hàng ngày. Anh phải tận dụng mọi cơ hội để học tiếng, từ việc xem các chương trình truyền hình Campuchia, nghe nhạc Khmer, cho đến giao tiếp với người bản địa.
“Tôi thường ra chợ truyền thống để vừa học cách giao tiếp, vừa cảm nhận nhịp sống của người dân. Những người bán hàng rất kiên nhẫn lắng nghe và giúp tôi sửa lỗi phát âm. Những người bạn Campuchia cùng lớp cũng trở thành “giáo viên” bất đắc dĩ của tôi. Họ thường dạy tôi các cụm từ thông dụng trong cuộc sống hàng ngày”, Đức Anh chia sẻ.
Sau khoảng 6 tháng, Đức Anh bắt đầu hòa nhập với cuộc sống ở Campuchia. Từ những câu chào hỏi đơn giản như "Suosdey" (xin chào) hay "Orkun" (cảm ơn), dần dần Đức Anh đã có thể hiểu và sử dụng ngôn ngữ này một cách thành thạo.
“Tôi nhận ra rằng, ngôn ngữ không chỉ là công cụ giao tiếp mà còn là cánh cửa mở ra thế giới của một dân tộc. Mỗi từ vựng, mỗi cách diễn đạt đều phản ánh cách họ sống và suy nghĩ. Khi bắt đầu hiểu được ngôn ngữ, tôi cảm nhận rõ hơn về cuộc sống xung quanh, từ những câu nói đùa trong lớp học, những lời rao ở chợ cho đến những câu chuyện kể về lịch sử hay tín ngưỡng”, Đức Anh nói.
Chính những trải nghiệm trong thời gian này đã gieo mầm cho lựa chọn nghề nghiệp của Đức Anh sau này. Khi trở về Việt Nam, anh quyết định làm công việc dịch thuật tiếng Việt - Khmer. Đối với Đức Anh, dịch thuật không chỉ là việc chuyển đổi ngôn ngữ, mà còn là truyền tải tinh thần, văn hóa và giá trị của mỗi bên đến với nhau.
Anh kể: "Khi dịch một bài viết, tôi luôn nghĩ đến việc làm sao để người đọc cảm nhận được đúng tinh thần của tác giả, cảm nhận được cái hồn của câu chuyện. Đó là cách tôi giữ sợi dây kết nối con người Việt Nam và Campuchia".
Góp những nhịp cầu gắn kết quan hệ Việt Nam - Campuchia
Giống với Đức Anh, anh Lê Thanh Hợp (sinh năm 1998) cũng từng có khoảng thời gian học tập tại Campuchia. Anh đặc biệt yêu thích sự chân thành, hiếu khách của người dân nơi đây. Anh cho biết đã nhiều lần được mời đến gia đình một người bạn Campuchia ăn Tết Chol Chnam Thmay - dịp lễ lớn nhất trong năm tương tự như Tết Nguyên Đán ở Việt Nam.
Trong dịp lễ này, người dân Campuchia thường quây quần bên gia đình, chuẩn bị mâm lễ để cúng tổ tiên và lễ chùa. Đặc biệt, người Campuchia có tục tắm cho bố mẹ, ông bà nhằm cầu xin tha thứ cho những lỗi lầm trong năm cũ, cầu chúc sức khỏe cho đấng sinh thành. Được tham gia lễ tắm ông bà ở Campuchia, anh Hợp cảm nhận đây là phong tục rất có ý nghĩa, giúp gắn kết các thành viên trong gia đình.
Anh Lê Thanh Hợp (thứ 3 từ trái sang) cùng bạn bè thăm đền Angkor Wat dịp Tết Chol Chnam Thmay. |
Những trải nghiệm giá trị tại Campuchia đã thôi thúc anh Hợp sau khi ra trường tiếp tục đóng góp sức mình vào việc thúc đẩy giao lưu, hợp tác giữa hai nước. Hiện anh Hợp đang làm việc tại Phòng Quản trị tín dụng, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Campuchia (BIDC), trực thuộc Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).
Theo tờ KhmerTimes: Ngân hàng BIDC có nhiệm vụ cung cấp vốn đầu tư, đặc biệt là những khoản đầu tư từ các tổ chức Việt Nam vào Campuchia. Những khoản đầu tư thông qua BIDC là một phần đáng kể trong số khoản đầu tư của Việt Nam dành cho Campuchia.
“Lựa chọn làm việc tại BIDC không đơn thuần là một bước tiến trong sự nghiệp, mà còn là cách tôi tiếp tục gắn bó với đất nước và con người Campuchia, đóng góp vào quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước”, anh Hợp nói.
Câu chuyện của Đức Anh và Thanh Hợp là minh chứng cho thấy, mỗi sinh viên Việt Nam sau thời gian học tập tại Campuchia đều mang trong mình một phần văn hóa, tinh thần của đất nước này. Sau khi trở về quê hương, họ không chỉ phát triển bản thân mà còn trở thành cầu nối trong việc thúc đẩy tình hữu nghị giữa hai quốc gia.
Theo Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia, hàng năm, Chính phủ Hoàng gia Campuchia dành cho Việt Nam khoảng 35 suất học bổng, trong đó 15 suất học bổng cho cán bộ, sinh viên Việt Nam theo học tại các trường đại học của Campuchia bậc đại học và sau đại học và 20 suất học bổng ngắn hạn học tiếng Khmer trong vòng 2 năm tại Campuchia. Sinh viên sẽ được cấp học bổng bao gồm phí đào tạo, bố trí chỗ ở trong ký túc xá, sinh hoạt phí hàng tháng, phí đi đường, lệ phí làm hộ chiếu, visa, bảo hiểm y tế...
Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Nguyễn Huy Tăng cho biết, những cơ hội học tập này không chỉ là phần thưởng mà còn là trách nhiệm của từng sinh viên trong việc nâng cao tri thức và xây dựng quan hệ bền vững giữa hai quốc gia. Đại sứ mong muốn những sinh viên này sẽ không ngừng nỗ lực học tập, rèn luyện để trở thành những công dân toàn diện, không chỉ hiểu biết sâu sắc về chuyên môn mà còn am hiểu văn hóa, con người Campuchia.
Đại sứ kỳ vọng, sau khi hoàn thành chương trình học, các lưu học sinh sẽ tiếp tục đóng góp vào sự phát triển của hai đất nước, trở thành cầu nối vững chắc trong việc xây dựng và phát triển quan hệ Việt Nam - Campuchia. Đại sứ quán cam kết sẽ luôn hỗ trợ, đồng hành cùng lưu học sinh trong suốt thời gian học tập tại Campuchia, để các bạn có thể an tâm học tập và phát huy tối đa năng lực của mình.
[Ảnh] Quốc vương Campuchia thưởng trà ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, dâng hương tại chùa Quán Sứ Thăm Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) ngày 29/11, Quốc vương Campuchia Preah Bat Samdech Preah Boromneat Norodom Sihamoni cùng Chủ tịch nước Lương Cường thưởng trà và trao đổi về nghệ thuật uống trà của người Việt. Trước đó, Quốc vương đã đến dâng hương tại chùa Quán Sứ, cổ tự có lịch sử từ thế kỷ 15 tại Hà Nội. |
Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia tỉnh Thái Nguyên tổ chức Đại hội nhiệm kỳ 2024-2029 Ngày 29/11 tại tỉnh Thái Nguyên, Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia tỉnh (Hội) tổ chức Đại hội lần thứ III, nhiệm kỳ 2024 - 2029. Ông Nguyễn Duy Quyết, Chủ tịch Hội khóa II, tái đắc cử Chủ tịch Hội khóa III. |