Hàng năm, cứ đến ngày 3 tháng 3 âm lịch, người dân thôn Thái Sơn (xã Sơn Lai, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình) lại tổ chức lễ húy nhật công chúa Lào Nhồi Hoa tưởng nhớ nghĩa tình và công ơn nàng cũng như của dân tộc Lào anh em. Năm nay lễ húy nhật công chúa Nhồi Hoa được tổ chức bài bản, trọng thể hơn so với những năm trước. Buổi lễ có sự tham dự của Đại sứ Sengphet Houngboungnuang cùng cán bộ, nhân viên Đại sứ quán nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào tại Việt Nam, đại diện lãnh đạo tỉnh Ninh Bình, các em lưu học sinh Lào đang theo học tại trường Đại học Hoa Lư, đặc biệt là đông đảo bà con thôn Thái Sơn cùng du khách gần xa.
Trong tâm niệm người dân địa phương, đền Thượng Thái Sơn ở thôn Thái Sơn là nơi linh thiêng thờ vị công chúa nước Lào có công giúp Đại Việt chống giặc ngoại xâm. Công chúa được thờ với nghi thức thờ thánh Mẫu. Tại các di tích thờ Mẫu, lễ hội thường được tổ chức vào đầu tháng 3 âm lịch với các nghi lễ như: rước kiệu, tế nữ quan...
Lễ húy nhật công chúa nước Lào cũng được bắt đầu với nghi thức rước kiệu. Từ sáng sớm ngày 3 tháng 3 năm Quý Mão, bà con thôn Thái Sơn cùng du khách gần xa bắt đầu đổ về khu vực đền Thượng Thái Sơn chiêm bái, chứng kiến những nghi lễ truyền thống này.
Đoàn rước kiệu khởi hành từ đền Thượng Thái Sơn (nơi thờ công chúa Lào Nhồi Hoa) xuống khu vực đền Hạ Thái Sơn (nơi thờ Thành hoàng làng). Dẫn đầu đoàn rước kiệu là đội trống chiêng, tiếp đó là đội cờ, chủ tế, quan viên, các cụ cao tuổi và đông đảo người dân địa phương cùng du khách thập phương. Điểm đặc biệt trong lễ rước kiệu đền Thượng Thái Sơn là ngoài cờ thần, cờ Tổ quốc còn có thêm cờ Lào, đại diện cho quê hương công chúa Nhồi Hoa.
|
Đoàn rước kiệu men theo con đường gạch nhỏ từ đền Thượng Thái Sơn xuống khu vực đền Hạ nhận các đạo sắc phong được các triều vua ban cho công chúa. Quãng đường rước kiệu dài khoảng 300-400m (Ảnh: Mai Anh) |
|
Thủ nhang thực hiện nghi thức xin sắc từ đền thờ Thành hoàng làng (Ảnh: Mai Anh). |
|
Các đạo sắc phong được đặt trang trọng trên kiệu rước (Ảnh: Mai Anh). |
Sau khi nhận sắc, đoàn rước kiệu quay về khu vực đền Thượng Thái Sơn, chuẩn bị cho lễ tế nữ quan. Đây là nghi thức cung thỉnh công chúa về dự lễ, hưởng lễ vật, đồng thời bày tỏ lòng tưởng nhớ, tri ân công lao công chúa. Tế nữ quan gồm các bước như dâng hương, dâng rượu, đọc văn, chiếu sắc, hóa văn...
|
Mâm lễ có đầy đủ rượu, trà, hoa quả, trầu cau, hương hoa, xôi gấc, chè hoa cau, bánh trôi... được bà con trong thôn chuẩn bị và du khách dâng tiến bày tỏ tình cảm, tấm lòng đối với công chúa (Ảnh: Mai Anh). |
|
Chủ tế cùng thành viên đội hành lễ bắt đầu lễ tế với nghi thức dâng hương trầm. Đội tế gồm 17 thành viên, gồm chủ tế, hai phó tế, mười hành lễ, một thông xướng, một diễn xướng và hai bồi tế. Do là lễ tế nữ quan nên thành viên đội tế là nữ giới. Đây là những người có kinh nghiệm, nhiệt tình với việc của làng, của thôn. Thành viên đội mặc trang phục áo dài, đầu đội khăn kim tuyến, thắt lưng dải lụa, chân đi hài thêu. Thông xướng, diễn xướng mặc áo dài xanh, bồi tế áo dài vàng. Chủ tế và đội hành lễ mặc lễ phục màu đỏ. Lễ phục của chủ tế có thêu hình rồng. (Ảnh: Mai Anh). |
|
Đội tế thực hiện nghi thức dâng rượu. Không khí thành kính, trang nghiêm của buổi lễ kết hợp với khói nhang, tiếng trống, tiếng chiêng, phường bát âm tạo nên một không gian vừa linh thiêng vừa trang nghiêm, thành kính (Ảnh: Mai Anh). |
|
Tiếp đó, đại biểu và đông đảo bà con thôn Thái Sơn cùng du khách thập phương đã được nghe chủ tế đọc văn thông báo lý do tổ chức lễ tế, cùng tưởng nhớ, tri ân công chúa Lào Nhồi Hoa đối với người dân Đại Việt (Ảnh: Mai Anh). |
|
Tại di tích đền Thượng Thái Sơn ngoài ban thờ có ảnh công chúa chạm trên gỗ cùng nhiều đồ thờ tự có giá trị còn còn 5 đạo sắc phong triều Nguyễn. Đạo cổ nhất từ thời Tự Đức (1853) phong “Linh quang huyền cảm diễm quyên nhàn uyển Sơn Tinh phu nhân chi thần”. 72 năm sau, năm 1924 (Khải Định) được phong là “Thượng đẳng thần”, “hộ quốc tý dân” (hộ nước giúp dân). Trong ảnh, thành viên đội tế cùng thủ nhang đang thực hiện nghi thức chiếu sắc (Ảnh: Mai Anh). |
Quá trình thực hiện lễ tế, các thành viên đội tế phải tuân thủ theo những quy tắc nhất định như: "Người đi chiếu ngang/Người sang chiếu dọc/ Người đọc văn tế/ Người tế ly hương/Người nghing đài rượu". Các hành động, cử chỉ của các thành viên trong đội tế được thực hiện theo lời tuyên của thông xướng và đối xướng. Các thành viên di chuyển theo hình chữ Thọ. Hai bên hành lễ phải đi ngang và song song với nhau, không được quay lưng về phía ban thờ...
Sau phần hóa văn, các vị quan khách, bà con thôn Thái Sơn cùng khách thập phương bắt đầu vào đền lễ công chúa, dâng hương tỏ lòng thành kính tưởng nhớ nguyện nàng phù hộ cho dân làng mạnh khỏe, bình an, mưa thuận gió hòa...
|
Người dân thôn Thái Sơn cùng du khách thập phương dâng hương tưởng nhớ công chúa Nhồi Hoa (Ảnh: Mai Ảnh). |
Sau khi phần lễ hoàn thành, phần hội sẽ bắt đầu với các tiết mục biểu diễn văn nghệ của người dân thôn Thái Sơn và lưu học sinh Lào, trong đó có màn “Múa - hát Chăm Pa” truyền thống Lào.
|
Màn hát múa của người dân thôn Thái Sơn tại lễ húy nhật công chúa Nhồi Hoa (Ảnh: Mai Anh). |
|
Tiết mục múa hát của các em lưu học sinh Lào trường Đại học Hoa Lư (Ảnh: Mai Anh). |
Dự buổi lễ, Đại sứ Sengphet Houngboungnuang bày tỏ sự xúc động khi được chứng kiến tình cảm, sự thành kính của người dân thôn Thái Sơn cùng du khách thập phương dành cho công chúa Lào Nhồi Hoa. Theo Đại sứ Sengphet Houngboungnuang, câu chuyện công chúa Nhồi Hoa cho thấy quan hệ hữu nghị Việt - Lào đã có lịch sử lâu đời. Trong kháng chiến chống ngoại xâm, nhân dân hai nước đã sát cánh chống kẻ thù chung. Ngày nay, hai nước đều độc lập, hòa bình. Hai bên đều đang xây dựng sự nghiệp phồn vinh, hạnh phúc; xây nền hòa bình, hữu nghị cho khu vực và quốc tế.
|
Đại sứ cùng phu nhân dâng hương tại đền Thượng Thái Sơn, nơi thờ công chúa Lào Nhồi Hoa (Ảnh: Mai Anh). |
"Lễ húy nhật công chúa Nhồi Hoa được chính quyền và người dân địa phương tổ chức trọng thể hàng năm là tiền đề để lưu truyền thông tin về tình nghĩa Việt - Lào đến các thế hệ sau, từ đó góp phần vào việc gìn giữ, vun đắp cho quan hệ hữu nghị đặc biệt hai nước", Đại sứ phát biểu.
|
Các em lưu học sinh Lào, trường Đại học Hoa Lư (Ninh Bình) tham quan khu lăng mộ công chúa Nhồi Hoa (Ảnh: Mai Anh). |
Đại diện các lưu học sinh Lào tham dự buổi lễ cũng bày tỏ sự xúc động khi được nghe thông tin về lịch sử di tích đền Thượng Thái Sơn cùng như câu chuyện về công chúa Lào Nhồi Hoa. "Chúng em mong muốn câu chuyện công chúa Nhồi Hoa sẽ được tuyên truyền rộng rãi để thế hệ trẻ hai nước hiểu hơn về quan hệ Việt Nam - Lào", em Manysone jom, sinh viên lớp D12 khoa Quản trị kinh doanh, trường Đại học Hoa Lư nói.