Đã thành lời hẹn, trước ngày húy nhật công chúa Nhồi Hoa (mùng 3 tháng 3 âm lịch hàng năm) một hôm, bà con thôn Thái Sơn (xã Sơn Lai, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình) lại cùng nhau quây quần chỉnh trang khu di tích đền thờ công chúa. Người dọn cỏ, người cắm hoa, người sửa soạn mâm lễ, người chăng đèn, người kéo cờ... Con cháu bốn phương cùng du khách xa gần cũng rủ nhau tụ hội về đây chiêm bái, thực hành tín ngưỡng và chứng kiến những nghi lễ của lễ hội văn hóa truyền thống đền Thượng Thái Sơn.
|
Bà con dọn cỏ, phát quang hai bên con đường dẫn lên khu đền thờ công chúa Nhồi Hoa. Theo người dân Thái Sơn, năm nay thời tiết khô ráo, thuận lợi cho việc chỉnh trang khu đền thờ. |
|
Cụ Đinh Thị Liên (79 tuổi) tham gia dọn cỏ cùng bà con trong thôn. Cụ kể: các dịp mười tư, rằm, mồng một hàng tháng cụ lại lên khu đền thờ công chúa dọn dẹp. |
|
Bà Bùi Thị Sau quét dọn quanh khu vực lăng công chúa. Lăng công chúa Nhồi Hoa hướng mặt về phía Tây - nơi quê hương Ai Lao (Lào) của công chúa… Phía trên, mặt trước của lăng khắc 3 chữ cổ “Phấn Đại Hương”, tạm dịch là “tiếng thơm thờ kính - lưu danh muôn đời...”. |
|
Cô Nguyễn Thị Xuân và cô Đinh Thị Oanh thu dọn rác sau khi thu gom. |
|
Ông Đinh Công Việt, trưởng thôn Thái Sơn (áo xanh) cùng bà con trong thôn chọn những cây nứa dài, thẳng để làm cán treo cờ. |
|
Thanh niên trong thôn tập trung vào việc dựng rạp. |
|
Ông Đinh Xuân Quỳ, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Sơn Lai tra các lá cờ vào cán. Năm nay thôn Thái Sơn sắm mới thêm 80 lá cờ gồm cờ Tổ quốc, cờ Lào và cờ chuồn phục vụ cho lễ hội văn hoá đền Thượng Thái Sơn. |
|
Ông Đinh Thế Đoan (bên trái), người thủ nhang đã hơn 20 năm coi sóc, khói hương cho công chúa cùng người dân trong thôn chuẩn bị cho lễ rước kiệu vào ngày 3 tháng 3 âm lịch năm Quý Mão. |
|
Theo nghi thức truyền thống, để chuẩn bị cho lễ rước kiệu và tế nữ quan, Ban phụng sự tế lễ của đền phải chuẩn bị chu đáo mọi công việc, chúc văn, lễ vật dâng cúng; sắp xếp, bày biện đồ thờ cúng, làm sạch kiệu rước… cho đến việc làm sạch các tòa đền và sân hành lễ. Năm nay từ nguồn đóng góp của bà con, thôn đã sắm sửa được kiệu rước, bộ bát biểu, lọng mới... |
|
Cô Đinh Thị Oanh làm sạch giá văn. Đây là dụng cụ được dùng để đặt bản văn do người chủ tế đọc trong Lễ tế. |
|
Bà con thôn Thái Sơn hạnh phúc khi được tham gia công tác hậu cần cho lễ hội văn hóa truyền thống đền Thượng Thái Sơn. |
|
|
Chị Đinh Thị Hồng (sinh năm 1992) cắm hoa cho lễ hội văn hóa truyền thống đền Thượng Thái Sơn. Kể về lý do chọn những loại hoa này, chị Hồng cho biết hoa cúc dâng Quan, hoa hồng dâng Mẫu đã trở thành truyền thống hơn 20 năm nay của người dân nơi đây. |
|
21h30 ngày 21/4/2023 (tức ngày mùng 2 tháng 3 năm Quý Mão), đội múa của thôn vẫn đang miệt mài tập luyện. Đội múa với sự tham gia của 12 người, người trẻ nhất khoảng 30 tuổi, người lớn tuổi nhất cũng đã gần 70. |
|
Hàng trăm năm qua, công chúa Lào Nhồi Hoa đã được thờ kính chu đáo bởi lòng tín mộ của người dân. Theo lời kể của bà con trong thôn, hiện đền Thượng Thái Sơn được thờ với nghi thức thờ thánh Mẫu. Các ngày rằm, mùng một hằng tháng, người dân trong làng đến thắp hương, nguyện nàng phù hộ cho dân làng mạnh khỏe, bình an, mưa thuận gió hòa... |
Trong tâm niệm người dân địa phương, đền Thượng Thái Sơn là nơi linh thiêng thờ vị công chúa nước Lào có công giúp Đại Việt chống giặc ngoại xâm. Tương truyền, cách đây 6 thế kỷ, khi nước Việt phải đương đầu với nguy cơ giặc ngoại xâm, đất nước Lào anh em đã cử một nàng công chúa xinh đẹp và dũng lược dẫn theo đội tượng binh (voi chiến) hùng mạnh sang giúp sức. Sau khi cùng Đại Việt hoàn thành sứ mệnh kiêu dũng và đại nghĩa đó, công chúa đã ốm bệnh, qua đời trên đất Việt. Tưởng nhớ nghĩa tình và công ơn nàng cũng như của đất nước Lào anh em, triều đình và nhân dân Đại Việt đã lập đền thờ tại thôn Thái Sơn, xã Sơn Lai, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình - nơi công chúa qua đời. Công chúa được dân gian đặt tên Việt thành kính và thân thương: Công chúa Nhồi Hoa! |
Hải An - Mai Anh
Nguồn: