Người dân tại quốc gia hạnh phúc nhất thế giới không thấy “hạnh phúc”
Lòng tin vào xã hội cao là một trong những lý do khiến Phần Lan được chọn là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới suốt 6 năm liên tiếp theo Báo cáo Hạnh phúc Thế giới. Hầu hết, người dân ở Phần Lan đều tin rằng họ sẽ sớm nhận lại được ví tiền nếu chẳng may đánh mất.
Cô Jennifer De Paola đã chuyển đến Phần Lan sinh sống khi mới 25 tuổi và trở thành một nhà tâm lý học xã hội và một chuyên gia nghiên cứu về hạnh phúc ở Phần Lan. Cô kể: "Ở Helsinki, người dân toàn để em bé tắm nắng ngoài trời, tất nhiên là có camera và ngay bên cửa sổ nếu có thể. Do đó bạn có thể thấy xe đẩy em bé bên ngoài khi bạn đi mua sắm hoặc đi mua cà phê”.
Phần Lan được biết đến là một quốc gia rất chú trọng vào cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Họ tin vào những người hàng xóm, sống hạnh phúc với thiên nhiên và tan làm đúng giờ. Nhưng nếu bạn hỏi họ nghĩ gì về kết quả báo cáo hạnh phúc, bạn sẽ thấy ngạc nhiên. Thực tế là hầu hết người dân địa phương đều thấy bất bình bởi bản khảo sát hạnh phúc và khó chịu vì cái nhìn của thế giới về họ là hạnh phúc.
Phần Lan được chọn là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới. |
“Chúng tôi rất sốc vì lúc nào mình cũng ở đầu bảng. Năm nào chúng tôi cũng tranh cãi nhau kiểu ‘Sao điều này lại có thể xảy ra’”, Meri Larivaara, một người ủng hộ cuộc sống sức khỏe tâm thần tích cực ở Phần Lan kể.
Hài lòng có lẽ mới là từ ngữ chính xác để mô tả về trạng thái của người Phần Lan. Người dân ở đây cho biết hài lòng với cuộc sống của mình.
Bản khảo sát về hạnh phúc do Mạng Lưới Giải Pháp Phát Triển Bền Vững Của Liên Hợp Quốc xuất bản và do một nhóm các chuyên gia độc lập thực hiện. Dữ liệu xếp hạng được lấy từ trang Gallup World Poll, một trang khảo sát toàn cầu yêu cầu người tham gia đánh giá cuộc sống của họ trên một thang điểm tưởng tượng. Trong đó 0 là điểm cho cuộc sống tồi tệ nhất và 10 là điểm cho cuộc sống tốt nhất có thể.
“Câu hỏi được đặt ra cho người tham gia là bạn có hài lòng với cuộc sống hiện tại không chứ không hề đề cập đến hạnh phúc. Hạnh phúc lại liên quan nhiều đến cảm xúc và cách truyền đạt cảm xúc. Do đó việc mỉm cười, vui vẻ, hân hoan thường gắn chặt với hạnh phúc hơn là khái niệm hài lòng với cuộc sống. Tuy nhiên cái tên Báo cáo Hạnh phúc Thế giới bắt tai hơn nhiều là báo cáo hài lòng với cuộc sống”, Jennifer De Paola cho biết.
Người Phần Lan không tự coi bản thân là người đặc biệt hạnh phúc. Thậm chí, quốc gia này còn có thể khá bi quan. Người dân ở đây thường được gắn mác là người hướng nội. Mỗi khi hè đến, người có tiền đều trốn về quê đi nghỉ tại các ngôi nhà gỗ tư nhân.
Jennifer De Paola kể mãi khi cô được người bạn đời đưa đi nghỉ tại “ngôi nhà gỗ mùa hè”, hay còn được gọi là mökki, cô mới để ý thấy nhiều ngôi nhà như vậy không hề lắp điện và nhiều nhà còn không có cả nước máy. Người dân ở đây có sở thích tắm sông hồ, một trong những điều kỳ lạ làm người Phần Lan thấy hạnh phúc.
Chính phủ Phần Lan đảm trách một hệ thống phúc lợi mạnh mẽ nhất thế giới. Vào năm 2021, quốc gia này chi đến 24% GPD của mình cho các vấn đề bảo trợ xã hội - mức chi cao nhất trong các nước OECD vào năm đó. Tuy tiền thuế cao nhưng lợi ích cho người dân cũng rất nhiều.
Tất cả người dân đều có quyền nhận dịch vụ y tế và giáo dục miễn phí cho đến khi học bằng tiến sĩ. Quốc gia này cũng hỗ trợ chi phí nuôi con cao cho các gia đình còn người lao động có quyền nghỉ hè bốn tuần và nghỉ động một tuần, chưa kể 13 ngày nghỉ lễ quốc gia.
Người dân Phần Lan được dạy từ nhỏ là không bao giờ được hài lòng với các điều kiện làm việc tồi tệ. “Công việc phải có mức lương, kỳ nghỉ, giờ làm việc và mức độ công việc hợp lý và phù hợp với khả năng của họ - người dân Phần Lan nào cũng có những kỳ vọng này”, Jennifer De Paola cho biết.
Ví dụ, nếu bạn mất việc ở Phần Lan, chính phủ sẽ giúp bạn tìm việc.
“Bạn không phải lo lắng quá nhiều về tiền bạc như ở những nơi khác, ví dụ như Mỹ. Nếu tôi mất việc, việc học hành của các con và dịch vụ chăm sóc sức khoẻ của vợ tôi hay những việc tương tự sẽ không bị ảnh hưởng”, Martela, một triết gia và nhà nghiên cứu tại Đại học Aalto ở Espoo, cho biết.
Ngược lại, người Phần Lan cũng rất thực tế với các ước mơ và tham vọng và thường có các mục tiêu “có thể thực hiện được” về sự hài lòng trong cuộc sống.
Ở đâu cũng có khó khăn và thách thức
Mặc dù những bản khảo sát và xếp hạng có thể rất thú vị, khơi gợi sự tò mò và tạo tranh luận, nhưng chúng cũng có thể làm lu mờ các thách thức và khó khăn một quốc gia đang phải đối mặt, kể cả Phần Lan.
“Nhiều người quên mất rằng quốc gia nào cũng có các vấn đề xã hội. Khó mà tìm được nơi nào không có các vấn đề này”, Meri Larivaara, người ủng hộ cuộc sống sức khỏe tâm thần tích cực ở Phần Lan nói và chỉ ra rằng thanh thiếu niên Phần Lan đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng về sức khoẻ tâm thần.
Thiên nhiên ở Phần Lan. |
Như nhiều quốc gia khác, Phần Lan phải đối đầu với vấn đề sức khoẻ tâm thần trong thanh thiếu niên khi đại dịch diễn ra. So với năm 2019, mức độ hài lòng với cuộc sống ở độ tuổi thanh thiếu niên sụt giảm đáng kể và các cảm xúc khác như lo âu, trầm cảm và cô đơn xuất hiện nhiều vào mùa xuân năm 2021. Đây là kết quả của một nghiên cứu xuất bản trong tạp chí Child and Adolescent Psychiatry and Mental Health. Theo nghiên cứu, thanh thiếu niên Phần Lan đã than phiền nhiều hơn về sức khỏe tâm thần trong hai thập kỷ qua.
Phần Lan cũng phải đối mặt với vấn đề già hoá dân số. Theo Cục Khảo sát Dân số, 21,9% dân số Phần Lan đang ở độ tuổi 65 trở lên. Đất nước này có tỷ lệ người già lớn thứ ba trên thế giới, chỉ sau Nhật Bản và Ý.
Và tất nhiên là họ cũng phải đối mặt với vấn đề phân chia giàu nghèo. Có người cho rằng chỉ có nhà giàu ở thành phố mới “hạnh phúc” vì họ có đủ tiền và có nhà gỗ tư nhân để về quê nghỉ dưỡng trong những ngày hè dài đằng đẵng.
Jennifer De Paola tự thấy bản thân trở nên hài lòng với cuộc sống hơn khi rời khỏi quê hương ở Ý và đến Phần Lan sống. Điều cô trân trọng nhất là cô có thể dừng và thay đổi cuộc sống theo hướng khác do Phần Lan có quan điểm rất thoải mái về các “giai đoạn quan trọng” trong đời. Người Phần Lan thường có những khoảng nghỉ việc để đi học đại học bất kể tuổi tác. “Cuộc sống không hề cứng ngắc”, cô nói.
Sau khi được đào tạo để trở thành một nhà tâm lý học lâm sàng ở Ý, bước tiếp theo thường sẽ là đến trường tâm lý trị liệu và trở thành một nhà trị liệu tâm lý. Nhưng ở Phần Lan, cô có thể tận hưởng một khoảng dừng trong cuộc sống và làm việc lặt vặt trong vài năm để chiêm nghiệm xem mình muốn làm gì.