Ngân hàng Nhà nước trả lời kiến nghị cử tri về gỡ khó cho ngư dân đóng "tàu 67"
Cử tri tỉnh Quảng Ngãi vừa có kiến nghị gửi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Theo đó, cử tri kiến nghị các cấp, các ngành quan tâm hỗ trợ đối với trường hợp ngư dân khó khăn, không còn nhà ở sau khi bị kê biên, thu hồi nhà, đất để trả nợ ngân hàng vì không có khả năng trả nợ sau khi vay vốn đóng tàu đánh bắt xa bờ theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Đồng thời, đề nghị có giải pháp khoanh nợ, giãn nợ để giảm bớt khốn khó cho người dân, để ổn định tình hình trật tự của địa phương.
Trả lời vấn đề này, NHNN cho biết, ngày 07/7/2014, Chính phủ ban hành Nghị định 67/2014/NĐ-CP về chính sách phát triển thủy sản, liên quan đến chính sách tín dụng đóng mới, nâng cấp tàu, NHNN đã ban hành Thông tư hướng dẫn triển khai thực hiện. Theo đó, 4 ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước thực hiện cho vay theo cơ chế thương mại thông thường, bằng nguồn vốn tự huy động của các ngân hàng.
Từ năm 2014 đến ngày 31/12/2017 (thời điểm dừng thực hiện ký kết mới hợp đồng cho vay đóng mới, nâng cấp tàu), các ngân hàng đã ký hợp đồng tín dụng đối với ngư dân để cho vay đóng mới, nâng cấp 1.177 tàu (1.031 tàu đóng mới và 146 tàu nâng cấp) với tổng số tiền cam kết cho vay đạt trên 11.700 tỷ đồng. Đến cuối Quý I/2024, tổng dư nợ cho vay theo Chương trình đạt trên 8.660 tỷ đồng của 1.079 tàu, trong đó tỉnh Quảng Ngãi đã cho vay đóng mới, nâng cấp 58 tàu với dư nợ 242 tỷ đồng.
Theo Nhà điều hành, thời gian qua, một số ngư dân vay vốn theo Nghị định 67 gặp khó khăn trong trả nợ vay ngân hàng do nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan. Các tổ chức tín dụng (TCTD) cũng đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ; ưu tiên thu nợ gốc trước, nợ lãi sau; tạo điều kiện hỗ trợ ngư dân có nhu cầu chuyển đổi chủ tàu do không đủ năng lực tiếp tục đánh bắt,…
Tuy nhiên, một số ngư dân vẫn không trả được nợ cho các TCTD theo thoả thuận tại hợp đồng tín dụng đã ký, nên phải thực hiện xử lý nợ theo quy định pháp luật hiện hành (Bộ Luật Tố tụng dân sự, Luật các TCTD, Luật thi hành án).
Về phía các NHTM tham gia cho vay theo chính sách này, hiện cũng gặp khó khăn khi khách hàng không trả nợ vay, ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng rủi ro, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh. Vì vậy, NHNN cho rằng, việc hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho cả ngư dân và NHTM cần phải có sự vào cuộc của các Bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ.
Về đề nghị có giải pháp khoanh nợ, giãn nợ để giảm bớt khó khăn cho người dân, ổn định tình hình trật tự của địa phương, NHNN cho biết, Nghị định 67 và các văn bản sửa đổi Nghị định 67 không có quy định về chính sách khoanh nợ.
Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (đơn vị đầu mối tham mưu trình Chính phủ ban hành, theo dõi việc triển khai Nghị định 67) đang phối hợp với các đơn vị liên quan trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 67 để tháo gỡ khó khăn trong triển khai chính sách.
Về phía NHNN, NHNN cho biết, sẽ tích cực phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong quá trình sửa đổi, bổ sung chính sách theo Nghị định 67. Tuy nhiên, trong trường hợp đặt ra cơ chế khoanh nợ, cần tính đến nguồn ngân sách cấp bù lãi suất cho các ngân hàng trong thời gian khoanh nợ, đồng thời, cũng cần đánh giá khả năng trả nợ của ngư dân sau khi hết thời gian khoanh nợ,...
Về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, Nghị định 67 đã có quy định chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, theo đó, các khoản cho vay đóng mới, nâng cấp tàu bị rủi ro xảy ra do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng được các ngân hàng thương mại xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ và tiếp tục được hưởng hỗ trợ lãi suất theo quy định của Bộ Tài chính tại Thông tư 123/2018/TT-BTC.
Ngoài ra, để hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, NHNN đã ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN và Thông tư 06/2024/TT-NHNN ngày 18/6/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2023/TT-NHNN chỉ đạo các TCTD thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đến hết ngày 31/12/2024.