NIM giảm, lợi nhuận ngân hàng vẫn có thể tăng 15,3% trong năm nay
Tăng trưởng tín dụng có thể đạt 14% cho cả năm
Theo cập nhật mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tăng trưởng tín dụng đạt 6,25% vào ngày 16/8/2024, cách xa so với mục tiêu 14-15% trong năm 2024.
Trong Báo cáo ngành Ngân hàng mới công bố, các chuyên gia phân tích tại công ty chứng khoán MB (MBS) kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ đạt 14% trong năm 2024 với kịch bản tăng trưởng GDP là 6,5% cho cả năm.
Nguồn: NHNN, MBS
Cho vay bán lẻ dự kiến sẽ phục hồi mạnh hơn trong 6 tháng cuối năm 2024 dẫn dắt bởi tài chính tiêu dùng, thẻ tín dụng và cho vay mua ô tô nhờ hiệu ứng từ lãi suất cho vay thấp.
Tính đến 7 tháng đầu năm 2024, tổng doanh số bán lẻ ghi nhận mức tăng trưởng 8,7% so với cùng kỳ. Các chuyên gia tin rằng hoạt động cho vay mua nhà sẽ giữ tốc độ tăng trưởng tương tự như trong 6 tháng cuối năm 2024 chủ yếu nhờ sự phục hồi của giao dịch bất động sản thứ cấp.
Đối với mảng khách hàng doanh nghiệp, chuyên gia MBS dự báo hoạt động nhập khẩu và xây dựng hạ tầng sẽ là động lực chính cho tăng trưởng tín dụng trong nửa cuối năm 2024. Đầu tư công và tư nhân nhích lên 2,3% trong 7 tháng đầu năm và 6,7% trong nửa đầu năm 2024. Bộ Kế hoạch và Đầu tư được kỳ vọng sẽ tăng cường giải ngân các dự án đầu tư công trong nửa cuối 2024 như sân bay Long Thành và cao tốc Bắc Nam để hoàn thành 95% kế hoạch Thủ tướng giao.
Các chuyên gia cũng kỳ vọng hoạt động nhập khẩu sẽ tăng 15-16% vào năm 2024, nhờ mức tăng trưởng 18,5% đạt được trong 7 tháng đầu năm 24. Trong khi đó, bất động sản đang phục hồi thấp hơn dự kiến dù đã xuất hiện một số dấu hiệu phục hồi tích cực như tỷ lệ hàng tồn kho trên tài sản của các công ty bất động sản tăng nhẹ trong 6 tháng đầu năm 2024 và doanh thu thuế liên quan đến đất đai tăng cao được ghi nhận trong 6 tháng so với cùng kỳ.
Theo MBS, một số ngân hàng có thể đạt được mức tăng trưởng tín dụng cao hơn trong thời gian còn lại của năm 2024 nhờ một số đặc điểm cụ thể.
Theo đó, một số ngân hàng có NIM cao hơn có thể có thể hy sinh (NIM) bằng cách giảm lãi suất cho vay, bao gồm VPBank, MBBank, Techcombank và HDBank.
Bên cạnh đó, các ngân hàng có chất lượng tài sản đã được kiểm chứng trong thời kỳ đại dịch Covid-19 (tính đến thời điểm hiện tại) sẽ có vị thế tốt hơn. Các ngân hàng này như ACB, Vietcombank, Techcombank có thể vượt qua áp lực trích lập dự phòng trong các quý tới khi tín dụng tiếp tục tăng trưởng.
Ngoài ra, các ngân hàng có tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ trong lịch sử cũng có lợi thế lớn. Các ngân hàng chứng tỏ được khả năng hấp thụ tín dụng trong bối cảnh áp lực trả trước cao trong năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024 có khả năng duy trì tăng trưởng. Khả năng phục hồi này đặc biệt có giá trị do nhu cầu yếu đã trải qua từ nửa cuối năm 2023 đến nay.
NIM dự kiến sẽ giảm, lợi nhuận tăng khoảng 15,3% trong năm 2024
Lãi suất huy động duy trì ở mức thấp và nhu cầu tín dụng yếu đã khuyến khích các ngân hàng giảm lãi suất cho vay và sẽ làm giảm NIM của hầu hết các ngân hàng. Số liệu của MBS cho biết, NIM cho 6 tháng đầu năm 2024 của các ngân hàng niêm yết giảm 18 điểm cơ bản so với cùng kỳ và 7 điểm cơ bản vào năm 2023, đạt 3,87%.
Nguồn: NHTM, MBS
Theo quan sát của MBS, chi phí vốn (COF) của các ngân hàng đang theo dõi đã giảm đáng kể trong 6 tháng đầu năm 2024 nhưng vẫn nhỏ hơn mức giảm của lợi suất tài sản (EAY).
“Chúng tôi kỳ vọng lãi suất huy động sẽ tăng nhẹ trong nửa cuối năm 2024, trong khi lãi suất cho vay sẽ giữ nguyên hoặc giảm nhẹ trong nửa cuối năm 2024 để thu hút khách hàng. Nhìn chung, mức giảm của COF vẫn sẽ nhỏ hơn mức giảm của EAY khiến NIM của hầu hết các ngân hàng đều giảm trong năm 2024”, chuyên gia MBS dự báo.
Năm 2025, giả định nhu cầu tín dụng cao hơn dẫn đến lãi suất cho vay cao hơn sẽ gúp phục hồi NIM của các ngân hàng trong khi COF sẽ được duy trì ở mức tương tự như năm 2024.
Chất lượng tài sản của các ngân hàng niêm yết suy giảm nhẹ trong quý II/2024 so với quý trước. Nợ xấu và nợ nhóm 2 đạt lần lượt 2,21% và 1,81%, lần lượt tăng 4 điểm cơ bản và giảm 29 điểm cơ bản so với quý trước. So với cuối 2023, mức này lần lượt tăng 28 điểm cơ bản và giảm 13 điểm cơ bản.
Tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) tại cuối quý II/2024 đạt 81,5%, giảm 6% so với quý trước và 13,2% so với cuối 2023. Nợ nhóm 2 suy giảm đi cùng với LLR giảm theo nhưng tỷ lệ nợ xấu vẫn đang trong xu hướng tăng cho thấy áp lực gia tăng nợ xấu trong những quý tới là vẫn còn lớn. Ngoài ra, tăng trưởng tín dụng yếu trong 6 tháng đầu năm 2024 (đạt 6.0% so với cuối 2023 toàn hệ thống) cũng đóng góp đáng kể vào sự suy giảm chất lượng tài sản.
Mặc dù NIM được kỳ vọng sẽ giảm nhẹ trong năm 2024 nhưng chuyên gia MBS vẫn duy trì dự báo lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng theo dõi sẽ tăng trưởng 15,3% so với cùng kỳ.
Lý giải về kỳ vọng này, chuyên gia cho rằng, việc giảm nhẹ chi phí trích lập cùng với CIR trong nửa cuối năm 2024 so với đầu năm sẽ bù đắp sự sụt giảm từ NIM, giúp tốc độ tăng trưởng lợi nhuận sau thuế được duy trì tương đương với nửa đầu năm.