Khuyến khích, đẩy mạnh thông thương qua các cửa khẩu Việt – Lào; Việt Nam – Campuchia
Việt Nam nỗ lực thúc đẩy sự phát triển của các tiểu vùng trong ASEAN Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng SOM ASEAN của Việt Nam, trả lời phỏng vấn về kết quả Diễn đàn Cấp cao ASEAN về Hợp tác tiểu vùng vì Phát triển bền vững và Tăng trưởng bao trùm. |
Thăm và tặng quà các cô giáo dạy tiếng Việt tại tỉnh Preah Sihanouk (Campuchia) Nhân Ngày Hiến chương Nhà giáo Việt Nam, chiều 19/11/2021, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam cùng Ban Chấp hành Hội Khmer-Việt Nam tỉnh Preah Sihanouk (Campuchia) và đại diện nhà tài trợ đã đến thăm lớp học tiếng Việt/Khmer tại trụ sở Ban Chấp hành Hội Khmer-Việt Nam tỉnh Preah Sihanouk. |
Phát triển mạng lưới giao thương vùng biên
Việt Nam và Lào có chung đường biên giới với tổng chiều dài hơn 2.300km, đi qua 10 tỉnh biên giới của Việt Nam là Điện Biên, Sơn La, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam và Kon Tum; tiếp giáp với 10 tỉnh biên giới của Lào là Phongsaly, LuanPrabang, Huaphanh, Xiengkhuang, Bolykhamxay, Khammuan, Savannakhet, Salavane, Sekong và Attapeu.
Chợ biên giới Việt - Lào. Ảnh: Khiếu Tư |
Theo báo cáo của Bộ Công thương, về đầu tư của Việt Nam tại Lào, tính đến nay Việt Nam có trên 400 dự án với tổng vốn đầu tư đạt 4,22 tỷ USD. Một số dự án lớn đã hoàn thành, phát huy hiệu quả, sản xuất kinh doanh có lãi, tạo công ăn việc làm cho người dân Lào, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển của hai nước.
Việt Nam và Lào cũng đã đàm phán, ký kết nhiều văn kiện góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý trong lĩnh vực này (Hiệp định thương mại song phương mới, Hiệp định thương mại biên giới, Nghị định thư sửa đổi Hiệp định quá cảnh hàng hóa Việt Nam - Lào,…).
Đặc biệt, hai bên đã chủ động, tích cực triển khai các văn kiện đã ký kết và cơ chế “một cửa, một lần dừng” tại cặp cửa khẩu quốc tế Lao Bảo - Densavan, tăng cường các biện pháp xúc tiến thương mại như: tổ chức Hội nghị xúc tiến thương mại, hội chợ nhằm tạo điều kiện cho thương mại song phương phát triển bền vững.
Báo cáo hàng năm cho thấy, lĩnh vực phát triển mạng lưới giao thương vùng biên, hiện có tổng cộng 36 chợ biên giới Lào-Việt Nam. Hai bên cũng có 8 cặp cửa khẩu quốc tế, 7 cửa khẩu quốc gia, 18 lối mở biên giới và 8 khu kinh tế đặc thù.
Các chuyên gia kinh tế, ngoại giao đánh giá: các thành tựu này đạt được từ tình hữu nghị, đoàn kết và hợp tác trên tinh thần đôi bên cùng có lợi, phản ánh mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Lào-Việt Nam.
Khuyến khích các tỉnh biên giới tiếp tục hợp tác trong các lĩnh vực
Không chỉ với Lào, Việt Nam cũng chung đường biên giới dài với Campuchia và hệ thống cửa khẩu, chợ thương mại vùng biên phát triển. Cụ thể, Việt Nam có 10 tỉnh giáp biên với Campuchia, Campuchia có 11 tỉnh giáp biên với Việt Nam.
Thủ tướng Hun Sen từng đã kêu gọi bổ sung các Khu kinh tế đặc biệt (SEZ) dọc biên giới Việt Nam – Campuchia và lên kế hoạch thu hút đầu tư. "Tôi muốn có nhiều Khu kinh tế đặc biệt hơn nữa được thành lập dọc biên giới với Việt Nam để thu hút các nhà đầu tư Việt và góp phần hỗ trợ thị trường xuất khẩu. Nếu phát triển thêm các khu kinh tế này, chúng tôi sẽ có thể đẩy mạnh khâu chế biến nông sản thành các loại thành phẩm chất lượng để xuất khẩu".
Hiện này, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư hai nước tiếp tục tăng trưởng khả quan, kim ngạch thương mại hai chiều năm 2020 đạt 5,32 tỷ USD và 9 tháng đầu năm 2021 đạt 7,24 tỷ USD, tăng 92,3% so với cùng kỳ năm trước. Các bộ, ngành hai nước duy trì hợp tác chặt chẽ, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt, hai bên đã phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau kịp thời và hiệu quả trong công tác phòng chống dịch Covid-19.
Kiểm điểm tình hình thực hiện các thỏa thuận đạt được tại Hội nghị lần thứ 10 (Tp. Hồ Chí Minh, tháng 01/2019) đến nay, lãnh đạo hai nước đánh giá cao nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương liên quan hai nước trong việc xây dựng khuôn khổ pháp lý và cơ chế hợp tác nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác giữa các tỉnh giáp biên. Hai bên đánh giá việc triển khai hợp tác cụ thể giữa các cơ quan Trung ương và chính quyền các tỉnh giáp biên hai nước trong gần 3 năm qua đạt nhiều kết quả tích cực, nhất là trong công tác phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền, quản lý biên giới và cửa khẩu, giữ gìn an ninh và trật tự khu vực biên giới; cũng như trên các lĩnh vực thương mại biên giới, giao thông vận tải, mua bán điện, nông, lâm và ngư nghiệp, giáo dục và đào tạo, văn hóa, thể thao và du lịch, y tế, thông tin, pháp luật và tư pháp… Hai bên cũng bày tỏ hài lòng và đánh giá cao hợp tác giữa các tổ chức đoàn thể và giao lưu nhân dân giữa các các tỉnh giáp biên hai nước...
Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài trên biên giới Việt Nam - Campuchia. Ảnh: Kim Phương |
Nói về phương hướng hợp tác giữa các tỉnh biên giới Việt Nam - Campuchia trong thời gian tới, hai bên nhất trí nỗ lực nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp trong ứng phó với dịch Covid-19, đóng góp tích cực vào công tác kiểm soát dịch bệnh cũng như thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh Capuchia cho tế - xã hội của hai nước nói chung và các tỉnh giáp biên nói riêng.
Việt Nam và Campuchia cũng nhất trí phối hợp chặt chẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả các văn bản pháp lý liên quan đến công tác biên giới đất liền nhằm luôn đảm bảo một đường biên giới hữu nghị, hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững; đồng thời quyết tâm duy trì tốc độ tăng trưởng kim ngạch thương mại song phương thông qua việc hài hòa giữa các biện pháp thuận lợi hóa thương mại với các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.
Đặc biệt, hai nước cũng khuyến khích các tỉnh biên giới tiếp tục hợp tác trong các lĩnh vực khác như giáo dục, văn hóa, thể thao, du lịch, tư pháp, công nghiệp, công nghệ đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo nghề, thông tin, bưu chính, viễn thông; duy trì liên lạc, trao đổi thông tin kịp thời; tiếp tục hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau và ngày càng gắn bó.
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ