Hậu Covid-19 đối với người lao động trẻ
Theo Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, các hội chứng hậu COVID đang trở thành vấn đề được quan tâm cấp thiết hiện nay. Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, có hơn 200 triệu chứng COVID-19 kéo dài đang gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và khả năng hồi phục về mọi mặt đời sống kinh tế xã hội của người dân.
Cho đến nay, trên thế giới cũng như tại Việt Nam đều chưa có những nghiên cứu hoàn chỉnh, quy mô lớn về hậu Covid-19 và các ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần cũng như mức độ và thời gian của triệu chứng có thể kéo dài.
Người dân tham gia khám bệnh chăm sóc sức khỏe hậu COVID-19 trong Hành trình Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác - Ảnh: VGP/HM |
Hành trình Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác triển khai trong tháng 5 vừa qua là tập trung chăm sóc sức khỏe hậu Covid-19 cho người dân cả nước bằng những hoạt động chính như: khám chữa bệnh tình nguyện trực tiếp cho người dân, đánh giá y tế chuyên sâu hậu Covid-19; khám bệnh và theo dõi sức khỏe qua tổng đài và telehealth, ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo; phát hành bộ cẩm nang điện tử cập nhật thường xuyên về chăm sóc sức khỏe hậu Covid-19.
Tổng số đã có 49.496 người tại 52 tỉnh, thành phố được khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí, tư vấn sức khỏe hậu Covid-19.
Đa phần bệnh nhân có triệu chứng hậu COVID-19 từ 2 - 5 tháng (chiếm gần 68%). Tuy nhiên có đến 17,4% bệnh nhân có triệu chứng hậu COVID-19 nhiều hơn 5 tháng và khoảng gần 5% bệnh nhân vẫn còn những triệu chứng này sau 10 tháng kể từ ngày có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2.
Bệnh nhân thường có từ 2-3 triệu chứng điển hình liên quan đến hậu COVID-19 trong số 203 triệu chứng mà Bộ Y tế đã xác định, chủ yếu tập trung ở nhóm bệnh lý liên quan đến tâm thần (như chóng mặt, đau đầu, khó tập trung, mất ngủ…) và nhóm bệnh lý về hô hấp (ho, khó thở).
Mức độ và thời gian bị triệu chứng COVID-19 kéo dài không liên quan đến thời gian bị nhiễm COVID-19 (chỉ 2% dương tính với SARS-CoV-2 nhiều hơn 14 ngày) hay mức độ nghiêm trọng khi bị nhiễm COVID-19 (có triệu chứng nặng và nhập viện khi bị nhiễm COVID-19 dưới 10%).
Tỷ lệ nữ giới có xu hướng cao hơn nam giới về khả năng bị COVID-19 kéo dài (nữ chiếm 64,63% và nam 35,37%.
Thông qua số đo chiều cao và cân nặng của bệnh nhân, nhóm nghiên cứu sử dụng chỉ số BMI để phân loại và ghi nhận 28,74% bệnh nhân thiếu cân và 8,71% bệnh nhân bị béo phì, cho thấy dinh dưỡng không đầy đủ hoặc béo phì cũng có thể là nguyên nhân khiến người bệnh có nhiều khả năng bị kéo dài triệu chứng COVID-19.
Có tới 70,8% bệnh nhân có ý thức tự rèn luyện sức khỏe (tập thể dục, tập thở) sau khi bị nhiễm COVID-19, đồng thời nghiên cứu cũng cho thấy xu hướng chăm sóc sức khỏe của người dân dịch chuyển dần theo hướng số hóa. Có đến 33% người bệnh có xu hướng chọn việc theo dõi thường xuyên và chăm sóc sức khỏe qua app điện thoại; tỉ lệ người dân lựa chọn biện pháp truyền thống là đến bệnh viện khám chiếm 36,3%. Đây là một tín hiệu đáng mừng đối với ngành y tế khi người dân đã sẵn sàng với các dịch vụ y tế từ xa, giảm tải dần gánh nặng cho tuyến điều trị.
Nghiên cứu cũng chỉ ra đối với nhóm lao động trẻ, bệnh lý nền không phải yếu tố ảnh hưởng đến khả năng bị hội chứng COVID-19 kéo dài (chỉ 3,6% bệnh nhân có bệnh lý nền).
Tuy nhiên, qua phân tích hồi quy, nghiên cứu cho thấy, đối với bệnh nhân giới tính nam, có thời gian mắc COVID-19 trên 14 ngày, hút thuốc lá, uống rượu bia và không tập thể dục đều sẽ làm tăng nguy cơ kéo dài các triệu chứng hậu COVID-19.
Nghiên cứu mở rộng các mô hình dựa vào cộng đồng trong can thiệp hậu COVID-19, tạo phong trào nâng cao sức khỏe, phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe và củng cố các mô hình y tế cơ sở đã có, hướng đến giảm thiểu tác động hậu COVID-19; hỗ trợ chính sách, thúc đẩy xã hội hóa y tế giúp mọi người dân đều có điều kiện kiểm tra chức năng hô hấp và tăng cường hướng dẫn, phổ biến những bài tập phục hồi chức năng hô hấp.
Để bảo đảm sức khỏe cho lực lượng lao động này cũng chính là bảo đảm nguồn lực con người phát triển đất nước, đòi hỏi các ngành, các cấp đều cần có những chính sách phù hợp, hỗ trợ người dân phục hồi hậu Covid-19.