Doanh nghiệp Việt Nam chiếm tỷ lệ áp đảo tại gói thầu quốc tế Bulog
Ảnh minh họa |
Indonesia - nhà nhập khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới giao cho Cơ quan Hậu cần Quốc gia Indonesia (Perum Bulog) phát thư mời đấu thầu quốc tế mua 320.000 tấn gạo loại 5% tấm đến các doanh nghiệp xuất khẩu gạo các nước: Việt Nam, Thái Lan, Myanmar, Campuchia và Pakistan.
Hạn chót nộp báo giá phiên đấu thầu là ngày 31/7. Thời gian giao hàng trong tháng 8 và tháng 9/2024.
Trong số 320 ngàn tấn gạo gọi thầu lần này được Bulog chia ra thành 12 lô. Trong đó, 9 lô có trọng lượng 27 ngàn tấn, 2 lô có trọng lượng 26 ngàn tấn và 1 lô là 25 ngàn tấn.
Nguồn tin thương mại cho biết, tại gói thầu quốc tế mua 320.000 tấn gạo loại 5% tấm của Bulog, Việt Nam đã ký được 07 hợp đồng xuất khẩu 185.000 tấn gạo trắng 5% tấm sang Indonesia, gồm các lô: 2, 3, 5, 7, 8, 9 và lô 12. Các doanh nghiệp Myanmar ký được hợp đồng xuất khẩu 05 lô hàng còn lại với trọng lượng là 135.000 tấn.
Cụ thể, lô 2 (27.000 tấn), do Tổng công ty Lương thực Miền Nam Công ty Cổ phần (VNF2) trúng thầu với giá 563 USD/tấn giá CNF.
Lô 3, 5 (có trọng lượng 26 ngàn tấn) và lô 8, 9 (25.000 và 27.000 tấn), do Tổng công ty Lương thực Miền Bắc (VNF1) trúng với giá chào thầu cũng là 563 USD/tấn.
Lô 7 (27.000 tấn), Công ty Cổ phần Quốc tế Gia trúng thầu cùng với mức giá 563 USD/tấn. Lô 12 (27.000 tấn), Công ty Cổ phần XNK An Vi trúng thầu với mức giá chào 563 USD/tấn.
Với giá bỏ thầu thấp nhất từ những người bán có trụ sở tại Thái Lan là 584,50 USD/tấn (CNF), và từ những người bán có trụ sở tại Pakistan là 588 USD /tấn (CNF). Chính vì vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo từ Thái Lan và Pakistan không thể trúng được bất kỳ lô hàng nào, do giá của họ cao hơn giá bỏ thầu từ các doanh nghiệp Việt Nam và Myanmar.
Nhiều dự đoán cho rằng, Việt Nam sẽ thắng hầu hết các lô trong phiên đấu thầu Bulog mới nhất nhờ giá cả cạnh tranh. Do vậy, thị trường giá gạo trắng Việt Nam sẽ ổn định sau kết quả đấu thầu của Bulog.
Đáng chú ý, hầu hết các lô gạo của gói thầu này từ các doanh nghiệp Việt Nam đến các doanh nghiệp Myanmar đều giá chào thầu chung mức giá là 563 USD/tấn, giá CNF.
“Việt Nam và Myanmar chiếm ưu thế trong cuộc đấu thầu về khối lượng. Giá thầu trúng thầu cho 12 lô thầu Bulog lần này đều là 563 USD/tấn, giá CNF. Trong đó có với 07 lô từ nguồn Việt Nam và 05 lô từ nguồn Myanmar”, nguồn tin nhận định.
Ước tính giá 563 USD/tấn, giá CNF, sau khi trừ chi phí vận chuyển sang Indonesia khoảng 25 USD/tấn, quy ra giá FOB tương đương 538 USD/tấn.
Theo đánh giá của Platts - bộ phận của S&P Global Commodity Insights, vào ngày 01/8/2024, giá gạo trắng 5% tấm của Việt Nam ở mức 540 USD/tấn FOB, tăng 6 USD/tấn so với tuần trước. Giá gạo trắng cùng loại của Myanmar, ở mức 549 USD/tấn (FOB), gần mức thấp nhất trong năm.
Trong khi đó, giá gạo trắng 5% tấm của Thái Lan được giao dịch ở mức 568 USD/tấn (FOB), giảm 2 USD/tấn so với tuần trước. Gạo trắng cùng loại của Pakistan ở mức giá 566 USD/tấn (FOB), đạt mức thấp nhất trong gần tám tháng.
Dẫn nguồn từ Oryza, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, ngày 02/8/2024, gạo xuất khẩu của các nước Thái Lan, Việt Nam, Pakistan, Myanmar như sau: Gạo Thái Lan loại gạo 5% tấm dao động từ 563 – 567 USD/tấn (FOB); loại 25% tấm từ 509 -513 USD/tấn (FOB).
Gạo Việt Nam cùng loại dao động từ 559 – 563 USD/tấn (FOB), loại 25% tấm có giá từ 524 – 528 USD/tấn (FOB).
Gạo Pakistan loại 5% tấn từ 566 – 570 USD/tấn (FOB), loại 25% từ 536 – 540 USD/tấn (FOB). Gạo Myanmar cùng loại giao dịch từ 560 – 564 USD/tấn (FOB).