Philippines giảm thuế nhập khẩu gạo xuống còn 15%, gạo Việt sẽ được hưởng lợi
Ảnh minh họa |
Thuế suất mới sẽ được điều chỉnh cho giai đoạn 2024 - 2028
Liên quan đến nhu cầu thực tế và an ninh lương thực quốc gia, Chính phủ Philippines có chủ trương mua gạo để bổ sung tồn kho đệm. Trước đây, giao cho Cơ quan Lương thực quốc gia Philippines (NFA) mở thầu tập trung theo hình thức G2G hoặc G2P, nên mặt hàng gạo không phải chịu thuế nhập khẩu.
Từ năm 2017 đến 2019, hình thức mua gạo này đã kết thúc, Chính phủ Philippines giao cho tư nhân nhập khẩu gạo và quản lý quota. Kể từ đó, gạo nhập khẩu phải chịu mức thuế lên đến 35%, và đã đẩy giá lương thực trong nước tăng cao.
Để kéo giảm giá gạo nội địa, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đã phê duyệt việc giảm thuế đối với gạo, than đá và các mặt hàng cơ bản khác, Thư ký Cơ quan Kinh tế và Phát triển Quốc gia (Neda) Arsenio Balisacan cho biết hôm 04/6/2024.
Ông Balisacan cho biết thêm, Tổng thống và Chủ tịch hội đồng Neda đã phê duyệt Chương trình thuế quan toàn diện mới cho giai đoạn 2024-2028, điều chỉnh thuế suất cho đến năm 2028.
“Đối với gạo, một trong những mặt hàng quan trọng nhất trong giỏ tiêu dùng của các hộ gia đình Philippines, Hội đồng Neda đã đồng ý giảm thuế suất từ 35% xuống 15% đối với cả thuế suất trong và ngoài hạn ngạch cho đến năm 2028. Hội đồng cũng đã phê duyệt khuyến nghị của Ủy ban về thuế quan và các vấn đề liên quan (CTRM) về việc giảm thuế đối với một số hóa chất và than bánh để cải thiện an ninh năng lượng và giảm chi phí đầu vào”, ông Thư ký Neda nói.
Theo ý kiến chuyên gia ngành gạo, Philippines đã duy trì mức thuế 35% khá lâu, bây giờ họ giảm xuống còn 15% sẽ rất có lợi cho những doanh nghiệp xuất khẩu gạo vào thị trường này.
Trong vòng một tháng nay giá gạo Việt Nam đã giảm khoảng 30 - 40 USD/tấn. Philippines giảm thuế, trước mắt sẽ giảm áp lực về giá lương thực, về lâu dài sẽ tạo nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này mà không phải cạnh tranh với gạo sản xuất trong nước.
Trong bối cảnh hai năm nay gạo Việt luôn đứng ở mức giá cao, cộng thuế nhập khẩu 35% nên thị trường Philippines không lấy hàng dồn dập như trước, dẫn đến nhu cầu giãn ra và có tình trạng các thương nhân Philippines liên kết với nhau đồng lòng cùng mua, cùng mua bán, họ luôn cố gắng duy trì mặt bằng giá nhập khẩu chung thấp để đạt được mức giá lợi nhất có thể.
Ví dụ, khi Đồng bằng sông Cửu Long vào vụ thu hoạch, lượng hàng hóa trong nước dồi dào, thương nhân Philippines sẽ sang Việt Nam mua gạo với lượng lớn, vì họ dự đoán sau vụ thu hoạch tồn kho của các doanh nghiệp sẽ giảm thì giá sẽ lên, nên họ ưu tiên lựa chọn thời điểm mua hàng thích hợp nhất.
Giảm thuế nhập khẩu, người tiêu dùng Philippines được hưởng lợi
Vẫn theo chuyên gia này, thuế nhập khẩu giảm sẽ khiến cho bên mua và bên bán nỗ lực cạnh tranh kéo mặt bằng giá ở mức chấp nhận được, đưa giá gạo nhập khẩu về mức phù hợp nhất để giảm giá thành, kích thích tiêu dùng nội địa gia tăng lên. Đây là quyết định đúng đắn của Chính phủ Philippines.
Thị trường chính Philippines giảm thuế nhập khẩu gạo sẽ rất tốt cho 3 bên: Bán, mua và người sử dụng. Mặt khác, lâu nay người dân Philippines quen ăn gạo Việt Nam nên khi thuế giảm 20%, rõ ràng là có thuận lợi cả trước mắt cũng như lâu dài.
Bởi trong suốt thời gian qua, các thương nhân Philippines luôn giữ mức tồn kho thấp do thuế nhập khẩu cao, bây giờ thuế được điều chỉnh xuống 15%, đến khi thuế mới có hiệu lực họ sẽ tranh thủ bù đắp tồn kho, và tạo ra nhiều cơ hội cho gạo Việt. Xét về lâu dài, vẫn tốt cho cả thị trường Việt Nam, vì thuế nhập khẩu thường được áp trên mức giá C&F.
Ví dụ, năm nay giá FOB quanh mức 600-640 USD/tấn, cộng cước tàu từ 10-20 USD/tấn (tùy cảng giao hàng). Như vậy, gạo Việt Nam bán giá C&F vào Philippines sẽ vào khoảng 630-660 USD/tấn. Giảm 20% thuế đồng nghĩa với việc giảm từ 120-130 USD/tấn, tương đương 3.000 đồng/kg gạo, giúp kéo giá gạo tại thị trường Philippines xuống thấp hơn trước, và kích thích người tiêu dùng sử dụng gạo nhiều hơn.
Trong kinh doanh phải chấp nhận quy luật cung cầu và cạnh tranh
Trao đổi với chúng tôi, một chuyên gia trong lĩnh vực lúa gạo cho biết, khi nước mua gạo giảm thuế nhập khẩu sẽ làm cho tiêu thụ lương thực nước họ cởi mở hơn, tốt cho người bán lẫn người mua. Tuy nhiên, Philippines giảm thuế thì đối thủ cạnh tranh của Việt Nam là Thái Lan cũng được hưởng lợi, nhưng trong kinh doanh chúng ta phải biết chấp nhận quy luật cung, cầu và cạnh tranh.
"Thật ra lâu nay, gạo Việt Nam và Thái Lan cạnh tranh mang tính truyền thống, lợi ích của mỗi bên đều rất ổn vì mùa vụ của Thái Lan và Việt Nam đan xen và không trùng nhau. Khu vực Đông Nam Á, chỉ có Việt Nam và Thái Lan là nguồn cung gạo chính cho Philippines, Indonesia và Malaysia và lâu nay đã có sự phân chia hợp lý", vị chuyên gia cho biết thêm.
Sản xuất lúa gạo của Philippines đạt từ 19 - 20 triệu tấn/năm, tương đương khoảng trên 12,5 triệu tấn gạo, nhưng do nước này thường xuyên hứng chịu nhiều cơn bão lớn, cùng với việc phải cung cấp cho 119 triệu dân khiến sản xuất trong nước không đủ cho tiêu thụ nội địa, bắt buộc phải nhập khẩu thêm.
Hàng năm Philippines nhập khẩu gạo từ Việt Nam khoảng trên, dưới 2,5 triệu tấn gạo, chiếm khoảng 20% so với sản xuất trong nước. Cụ thể, năm 2023, nước này đã chi ra 1,76 tỷ USD để mua 3,135 triệu tấn gạo từ Việt Nam. 4 tháng đầu năm nay cũng đã nhập khẩu 1,49 triệu tấn gạo, trị giá 936 triệu USD. Như vậy, khi giảm thuế nhập khẩu sẽ tạo điều kiện cho gạo Việt thâm nhập sâu hơn và bền vững hơn vào thị trường này. Khi đó gạo Việt không chỉ bổ sung mà trở thành một trong những nguồn cung cấp lương thực chính.
Theo tin mới nhận được, mặc dù “Chương trình thuế quan toàn diện mới cho giai đoạn 2024-2028, điều chỉnh thuế suất cho đến năm 2028” của chính phủ chưa chính thức nhưng phía thương nhân Philippines đã tạm dừng nhận hàng từ Việt Nam để chờ mức thuế mới.