Thầu 300 ngàn tấn gạo Bulog: Doanh nghiệp Việt Nam chào giá thấp so với các nước
Ảnh minh họa |
Ngày 21/5, Cơ quan Hậu cần Nhà nước (Bulog) công bố giá chào thầu của doanh nghiệp các nước. Trước đó, vào ngày 08/5, Bulog phát đi thư mời doanh nghiệp các nước tham dự thầu 300 ngàn tấn gạo loại 5% tấm, của vụ mùa 2023-2024 và thu hoạch không quá 6 tháng.
Trong 11 lô gạo tương đương 300 ngàn tấn gạo Bulog gọi thầu, mức giá chào thấp nhất 564,5 USD/tấn do doanh nghiệp Việt Nam chào thầu, và cao nhất là 658,5 USD/tấn đến từ các doanh nghiệp Thái Lan. Trong khi, giá chào thầu của các doanh nghiệp Myanmar và Pakistan là 621,5 USD/tấn, 633 USD/tấn...
Riêng đối với các doanh nghiệp Việt Nam, mức giá chào thấp nhất là 564,5 USD/tấn, và giá chào cao hơn là 579 USD/tấn, giá chào cao nhất là 582 USD/tấn. Mặc dù, giá chào thấp nhất của doanh nghiệp Việt Nam là 564,5 USD/tấn, thấp hơn nhiều so với doanh nghiệp các nước nhưng Bulog vẫn đưa mức giá thầu thương lượng là 563 USD/tấn (C&F).
Các thương nhân châu Âu cho biết, giá thấp nhất được đưa ra trên thị trường quốc tế từ gói thầu 300.000 tấn gạo Bulog ước tính ở mức 565,50 USD/tấn, chi phí và cước vận chuyển (C&F) đối với gạo có nguồn gốc từ Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn chưa có giao dịch mua nào được báo cáo và các cuộc đàm phán về giá vẫn đang tiếp tục. Dự kiến sẽ có quyết định trong những ngày tới. Gói thầu dự kiến sẽ đến Indonesia trước ngày 31/7/2024, tiếp tục là nỗ lực của Chính phủ Indonesia nhằm tăng cường nhập khẩu gạo để hạ giá sau vụ thu hoạch trong nước kém.
Theo các doanh nghiệp kinh doanh gạo xuất khẩu ở đồng bằng sông Cửu Long, với việc Bulog công bố giá chào thầu của các doanh nghiệp dự thầu khiến cho mọi người có suy nghĩ “những doanh nghiệp nào chào giá cao cầm chắc bị rớt và không có lý do gì không khiếu nại với họ, còn những doanh nghiệp đưa giá thấp thì chắc chắn trúng thầu nhưng Bulog vẫn đang thương lượng giá để kéo thấp hơn.
Hiện nay, giá lúa thường tại đồng bằng sông Cửu Long đang từ 7.500-7.600 đồng/kg, giá gạo 5% thành phẩm tại kho hiện là 14.000 đồng/kg. Nếu nhận thầu Bulog với giá 563 USD/tấn (C&F), sau khi trừ phí vận chuyển và chi phí giao nhận còn lại 13.200 đồng/kg, doanh nghiệp nào bán 563 USD/tấn sẽ lỗ từ 800 đồng/kg gạo trở lên, bán 2 lô với khối lượng 60.000 tấn sẽ lỗ gần 60 tỷ đồng.
“Giá trúng thầu gạo 5% tấm quy ra giá tại kho chỉ khoảng 13.200 đồng/kg, bán giá này có thể các doanh nghiệp dự thầu Bulog đang đặt cược giá gạo xuất khẩu sẽ giảm lại trong thời gian tới vì có thông tin Ấn Độ sẽ xả bớt kho dự trữ, chứ còn so với mức giá gạo hiện tại trên thị trường thì khi giao hàng họ sẽ phải chịu lỗ”, một doanh nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long nói.
Cùng quan điểm trên, một doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở TP. Hồ Chí Minh cho biết, hiện các thương nhân Philippines đang đẩy mạnh thu mua lúa gạo ở Việt Nam, nếu bán gạo với giá 563 USD/tấn (C&F) thì bán cho Philippines giá 595 USD/tấn (FOB) có lợi hơn nhiều. Đó là chưa kể bán cho gạo cho Bulog thời gian vay tiền ở ngân hàng tương đối dài vì mất 3 tháng chờ đi hàng khiến cho việc trả lãi vay khá cao và “ăn sâu” vào phần lãi của hợp đồng. Đó là trường hợp bán có lời còn bán lỗ hay huề thì sẽ mệt mỏi.
Tuy nhiên, với giá bán này nếu doanh nghiệp trúng thầu đã chân hàng trong kho rồi thì tốt, vì chỉ chờ đến ngày giao thì đưa hàng đi nên không có vấn đề gì, nhưng nếu chưa mua đủ số lượng chờ đến thời điểm giao hàng cho đối tác mới phải đẩy mạnh thu mua chắc chắn sẽ tạo biến động giá trên thị trường.
Ngoài ra, tình trạng các doanh nghiệp bán gạo cho Bulog với giá thấp cũng sẽ gây tâm lý nhất định lên thị trường gạo xuất khẩu. Bởi hiện nay các doanh nghiệp khác trong nước đang bán gạo cho Philippines với mức giá 595 USD/tấn (FOB), khi nhìn vào giá các doanh nghiệp Việt Nam bán cho Bulog các thương nhân Philippines chắc sẽ so sánh và ép giá gạo Việt Nam xuống.
Theo số liệu thống kế từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 4, xuất khẩu gạo sang Indonesia đạt 103.256 tấn, với kim ngạch gần 63,259 triệu USD, tăng 34,61% về lượng nhưng giảm 20,27% về giá trị so với tháng 4/2023. Lũy kế 4 tháng đầu năm xuất khẩu gạo sang nước này đạt 548.582 tấn, trị giá 348,314 triệu USD, tăng 78,98% về lượng và 2,33 lần về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước.