Doanh nghiệp Việt - Mỹ rộng mở cơ hội hợp tác, phát triển
Đây là nhận định của Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên khi trao đổi với báo chí về triển vọng phát triển, hợp tác kinh tế Việt Nam và Mỹ khi hai nước nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện.
Theo ông Diên, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng trưởng trở lại trong những tháng gần đây. Các mặt hàng xuất khẩu truyền thống và có thế mạnh của Việt Nam như dệt may, đồ gỗ, da giày, điện tử… được đánh giá sẽ tiếp tục hồi phục với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tích cực.
Điểm thuận lợi là Việt Nam đang chuyển mình trở thành một trung tâm sản xuất lớn toàn cầu. Các doanh nghiệp Việt Nam đã sản xuất ra nhiều mặt hàng phong phú về chủng loại, cạnh tranh về giá cả và chất lượng ngày càng được cải thiện.
Bộ trưởng Bộ Công thương chỉ ra những lĩnh vực hợp tác triển vọng giữa hai nước như: năng lượng, hàng không, phát triển cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyển đổi năng lượng, kinh tế số, sản xuất xanh...
Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mỹ (Ảnh: KT) |
Riêng với lĩnh vực năng lượng, ông Diên cho hay Mỹ và Việt Nam đã triển khai nhiều hợp tác, từ thăm dò, khai thác dầu khí, dịch vụ dầu khí, xây dựng và cung cấp các thiết bị nhà máy nhiệt điện, đến phát triển điện gió, hợp tác kỹ thuật trong các lĩnh vực chuyên sâu…
Hai bên cũng thiết lập cơ chế Đối thoại an ninh năng lượng Việt Nam - Mỹ. Việt Nam đề nghị Mỹ hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng, bao gồm tư vấn chính sách, đào tạo nhân lực, hỗ trợ hợp tác giữa các doanh nghiệp trong tiếp cận công nghệ mới, làm chủ công nghệ sản xuất thiết bị…
Ông Nguyễn Hồng Diên lưu ý, doanh nghiệp phải nhanh chóng thích ứng, đáp ứng các yêu cầu, đòi hỏi mới về giá cả, chất lượng và các yêu cầu liên quan tới bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, tiêu chuẩn "sản xuất xanh", chuỗi cung ứng "sạch và bền vững".
"Các doanh nghiệp khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ cần xác định rõ chiến lược sản phẩm, đối tác, kênh phân phối; tìm hiểu kỹ các quy định, rào cản xuất khẩu, khả năng liên quan tới các vụ việc phòng vệ thương mại; đảm bảo nguyên vật liệu đầu vào có nguồn gốc rõ ràng, không ảnh hưởng tới môi trường hay sử dụng lao động cưỡng bức; đồng thời từng bước nghiên cứu nâng cấp cơ sở sản xuất, nhà máy theo các "tiêu chuẩn sản xuất xanh".
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tích cực tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm, kết nối với các cơ quan liên quan, tạo uy tín và gây dựng niềm tin với khách hàng Hoa Kỳ. Để phát triển thị trường, ngoài việc hợp tác với các nhà nhập khẩu, kênh phân phối lớn, doanh nghiệp cũng cần áp dụng chiến lược đa dạng hóa khách hàng và tích cực tìm kiếm các thị trường ngách, để giảm thiểu rủi ro", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.
Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mỹ, trong khi Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất hàng hóa, dệt may, da giày, điện tử của Việt Nam. Năm 2022, tổng kim ngạch thương mại hai chiều là 138 tỉ USD, các công ty Mỹ đầu tư hơn 11 tỉ USD tại Việt Nam. |