Dịch giả Thúy Toàn: Người “hoà nhịp” cho tình yêu văn chương Nga - Việt
Từ trang sách đến tình yêu văn hóa Nga
Năm nay 87 tuổi, Thúy Toàn (tên thật Hoàng Thúy Toàn) là tác giả của hơn 60 tác phẩm dịch thuật, biên soạn và sáng tác. Con đường của ông bắt đầu từ những năm 1950 khi ông được lựa chọn là một trong số 100 học sinh đầu tiên của Việt Nam sang Liên Xô học tập. Sau khi tốt nghiệp Khoa Ngữ văn tại Đại học Sư phạm Quốc gia Moskva mang tên V.I. Lenin vào năm 1961, ông trở về và mở ra một hành trình dài đầy nhiệt huyết với văn học Nga.
Dịch giả Thúy Toàn. (Ảnh: Đinh Hòa) |
Lần đầu Thúy Toàn biết đến nước Nga là qua văn học. Ông kể, trong những ngày tháng ông học tập tại chiến khu Việt Bắc, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã giới thiệu tác phẩm "Thời gian ủng hộ chúng ta" của Ilya Ehrenburg. Những dòng văn mô tả nước Nga giản dị nhưng sống động đã gieo vào lòng Thúy Toàn tình cảm sâu sắc với vùng đất này. Khi chính thức đặt chân đến Nga, ông không chỉ tìm thấy sự tương đồng về cảnh sắc mà còn cảm nhận được chiều sâu của một nền văn hóa đầy tình người.
"Ở Liên Xô, tôi có cơ hội sống và cảm nhận tình yêu thương, sự chân thành từ những con người bình dị nơi đây. Như một lần, trong bữa ăn tại quán tập thể, một thầy giáo đã nhẹ nhàng nhắc tôi về cách ngồi sao cho đúng. Hay một bà lao công, từng là cứu thương trong chiến tranh vệ quốc, đã nhận tôi làm con nuôi. Những câu chuyện về cuộc sống của bà đã để lại dấu ấn sâu đậm trong tôi", ông kể lại.
Những bản dịch Pushkin: tình yêu và sự kiêu hãnh
Trong hơn sáu thập kỷ dịch thuật, Thúy Toàn nổi tiếng nhất với các bản dịch thơ Pushkin, nhà thơ vĩ đại của Nga. Tuy nhiên, hành trình dịch thơ Pushkin không hề dễ dàng. Ông đã dành 30 năm để hoàn thành bản dịch bài thơ "Buổi sáng mùa đông".
"Một buổi sáng mùa đông năm 1957, tôi cùng các bạn được cô giáo đưa ra ngoại ô Moskva. Giữa khung cảnh tuyết trắng xóa trải dài bất tận, cô giáo đã đọc bài thơ "Buổi sáng mùa đông" bằng giọng truyền cảm. Ngay tối hôm đó, tôi bắt đầu tra từ điển để dịch bài thơ nhưng chỉ dịch được duy nhất một câu: "Băng giá và mặt trời, ngày tuyệt đẹp". Việc tìm từ ngữ để truyền tải đúng cái hồn của Pushkin là một thách thức lớn và phải đến 30 năm sau tôi mới hoàn thành bản dịch này", dịch giả Thúy Toàn chia sẻ.
Dịch giả Thúy Tòan biết đến bài thơ “Tôi yêu em” của đại thi hào Pushkin vào thời điểm ông mới sang Nga học và biết người bạn gái, sau này trở thành người vợ đồng hành cùng ông đến bây giờ. (Ảnh: Sputnik) |
Dù không phải là người dịch nhiều nhất thơ Pushkin, nhưng các bản dịch của Thúy Toàn luôn được yêu thích nhờ phong cách dịch thoát ý, kết hợp hài hòa giữa sự tôn trọng nguyên tác và sự gần gũi với độc giả Việt. Điển hình là bản dịch bài thơ "Tôi yêu em" - một trong những bản dịch thơ Pushkin nổi tiếng nhất và được đưa vào chương trình giáo dục Ngữ văn tại Việt Nam:
"Tôi yêu em: Đến nay chừng có thể
Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai..."
Thúy Toàn cho biết: "Trong nguyên bản không có từ "lửa", nhưng có động từ "tắt", ám chỉ sự kết thúc. Tôi đã chọn cách dịch thoát ý, thêm vào hình ảnh "ngọn lửa tình", để bài thơ trở nên ấm áp và gần gũi hơn với độc giả Việt".
Quá trình dịch bài thơ "Tôi yêu em" cũng gắn liền với câu chuyện tình yêu của Thúy Toàn. Ông kể: "Khi dịch bài thơ, tôi có cảm tình với một người bạn cùng học tiếng Nga. Tôi nhận thấy cảm xúc mà Pushkin thể hiện trong bài thơ rất giống hoàn cảnh của tôi lúc bấy giờ - đơn phương trong tình yêu - nhưng tôi có tự trọng của mình. Chính Puskin giáo dục cho tôi lòng tự trọng ấy và sự kiêu hãnh ấy. Tôi đã gửi gắm tình cảm của mình vào từng câu chữ. Tình yêu đã giúp tôi thấm nhuần cái đẹp trong thơ ca của Pushkin và cũng là niềm tự hào và kiêu hãnh mà nhà thơ đã truyền dạy".
Thúy Toàn cũng thảo luận với Olga Ulyanova, cháu gái của Lenin, để hoàn thiện các bản dịch thơ Pushkin. Những năm tháng làm việc với các nhà văn, dịch giả Nga đã giúp ông hiểu sâu hơn về văn hóa và văn học Nga, đồng thời truyền tải chân thực cái hồn của các tác phẩm này đến độc giả Việt Nam.
Người xây dựng nhịp cầu văn hóa Việt - Nga
Ngay từ thời sinh viên, Thúy Toàn đã gửi các bản dịch thơ của mình đến các tờ báo như Thiếu niên Tiền Phong, Giáo dục và Văn Nghệ, giúp ông nhanh chóng trở thành một tên tuổi quen thuộc trong giới dịch thuật Việt Nam. Ông vinh dự được làm việc cùng các nhà thơ lớn như Xuân Diệu, Tế Hanh và Xuân Sanh. Khi nhà thơ Xuân Sanh làm tập thơ Liên Xô đầu tiên vào năm 1962, Thúy Toàn đã được mời tham gia dịch.
Một góc Nhà lưu niệm văn học Nga do dịch giả Thúy Toàn xây dựng tại thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. (Ảnh: Đinh Hòa) |
Không dừng lại ở thơ Pushkin, Thúy Toàn còn phổ biến văn học Nga qua những tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng như Dostoevsky, Lermontov, Esenhin, Raxul Gamzatov, Ivan Bunin...
Vào năm 1991, khi nước Nga trải qua những biến động lớn về chính trị và kinh tế, Thúy Toàn đã tự bỏ tiền túi để in tập thơ "Nước Nga quê hương tôi" như một lời tri ân sâu sắc đối với đất nước và con người Nga.
"Đó là tất cả những gì tôi có thể làm để nói với lòng mình rằng tôi đã hiểu đúng và yêu nước Nga như những gì nó có. Tôi cũng mong muốn mọi người khác hiểu và chia sẻ những điều ấy", ông nói.
Không dừng lại ở việc dịch thuật, Thúy Toàn còn góp phần vào việc bảo tồn và phát triển văn hóa Nga tại Việt Nam. Năm 2015, ông thành lập Nhà lưu niệm văn học Nga ở làng Phù Lưu, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Nhà lưu niệm này trưng bày hơn 3.000 hiện vật liên quan đến văn hóa Nga và quan hệ Việt - Nga qua nhiều giai đoạn lịch sử. Ông mong muốn đây không chỉ là nơi lưu giữ kỷ vật mà còn là một không gian văn hóa, giúp thế hệ trẻ Việt Nam hiểu sâu hơn về tình hữu nghị giữa hai quốc gia.
Những nỗ lực không ngừng nghỉ của ông đã được ghi nhận vào năm 2010 khi ông vinh dự được Tổng thống Nga Dmitry Medvedev trao tặng Huân chương Hữu nghị. Đó là phần thưởng cho người đã dành cả cuộc đời mình để làm nhịp cầu văn hóa giữa Việt Nam và Nga.