Bát nước dừa ngọt mát ân tình của người mẹ Campuchia
Câu chuyện được thương binh Nguyễn Huy Phú - nguyên trung đội phó thuộc Đại đội 3, tiểu đoàn 7, Trung đoàn 429, Sư đoàn 302, Mặt trận 479 quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia chia sẻ tại chương trình "Thắm mãi nghĩa tình đồng đội" do Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia cựu quân tình nguyện Mặt trận 479 khu vực Hà Nội tổ chức ngày 24/7.
Ông Phú kể: Ngày 15/2/1979, Đại đội tôi nhận nhiệm vụ truy quét tàn quân Polpot ở hướng tây tỉnh Kampong Thom. Trong trận chiến quyết liệt với địch ngày hôm ấy, tôi bị thương, dính gần chục mảnh đạn M79. Toàn thân đau nhức, vết thương ở bụng chảy máu bên trong, phù nề và bí đại tiểu tiện, bụng trướng như người đàn bà chửa.
Tôi cùng nhiều thương binh khác được chuyển viện từ Campuchia về biên giới. Khi đến tỉnh Kongpong Cham, xe dừng trên một quốc lộ, mọi người xuống uống nước. Riêng tôi do bị thương ở bụng nên nằm im lìm trên cáng trong thùng xe. Lúc này, một bà mẹ Campuchia, dáng người gầy yếu mang đến cho tôi một bát nước dừa.
Bà một tay đỡ đầu tôi dậy, một tay bê bát nước kề sát miệng tôi, cẩn thận cho tôi uống từng ngụm nhỏ. Vị nước dừa ngọt mát giúp tôi giải cơn khát và tỉnh táo đôi phần. Sau khi tôi uống xong bà lại ân cần đỡ tôi nằm xuống rồi hướng mắt về phía xa nơi thấp thoáng mái chùa lầm rầm khấn vái. Do không biết tiếng Campuchia tôi không hiểu được mẹ đang khấn nguyện điều gì, chỉ đoán có lẽ mẹ cầu mong cho tôi và đồng đội sớm tai qua nạn khỏi. Cầu nguyện xong bà quay lại nhìn tôi lần nữa, hai giọt nước mắt rơi trên gò má nhăn nheo.
Thương binh Nguyễn Huy Phú xúc động chia sẻ câu chuyện về bát nước dừa ân tình của người mẹ Campuchia năm xưa (Ảnh: Thành Luân). |
“Tôi không biết bà mẹ ấy là ai, cũng không biết tiếng Campuchia để nói lời cảm ơn với bà, chỉ biết bà đã đem đến tôi ngụm nước mát vào lúc tôi cần nhất và dành nhiều sự thương cảm cho tôi. Tình cảm, sự quan tâm, chăm sóc của bà giống như tình thương của mẹ tôi nơi quê nhà", ông Phú nói.
Về nước, phục viên và chuyển ngành, đến nay thương binh Nguyễn Huy Phú đã nghỉ hưu. Những ngày tháng sống, chiến đấu ở đất nước Campuchia và câu chuyện về người mẹ Campuchia năm xưa vẫn luôn trở đi trở lại, sống động trong tâm trí ông.
"Thời điểm bị thương tôi mới sang Campuchia được chừng 6 tháng, đời lính chiến chủ yếu hành quân chiến đấu, không thể nhớ hết các địa danh, chỉ biết nơi tôi gặp người mẹ Campuchia ấy thuộc tỉnh Kongpong Cham.
Gần 30 năm sau, tôi có quay lại Campuchia hai lần để thắp hương cho đồng đội và thăm lại chiến trường xưa nhưng không thể nhớ địa điểm cũng như tìm được thông tin về người mẹ năm xưa. Cảnh vật thay đổi không nhận ra, người mẹ ấy có thể cũng không còn nữa...", ông Phú chia sẻ.
Ông nhấn mạnh, máu của những người lính tình nguyện Việt Nam đã giúp "nở hoa" trên đất nước Chùa Tháp, vun đắp tình hữu nghị giữa hai nước Việt Nam - Campuchia thêm tươi thắm và bền chặt. Góp phần quan trọng vào chiến thắng ấy là những người dân đã che chở, cưu mang quân tình nguyện Việt Nam trong những năm tháng làm nhiệm vụ quốc tế, nhất là những bà mẹ Campuchia hết lòng thương yêu "coong-top (bộ đội) Việt Nam".
"Trên đất nước Campuchia có biết bao người như bà mẹ đã cho tôi bát nước dừa ân tình, như mẹ Phiu Maly... đã giúp đỡ chiến sĩ Việt Nam trên chiến trường Campuchia năm xưa. Tôi mong muốn được tri ân những người dân Campuchia đã giúp mình những ngày làm nghĩa vụ quốc tế song khả năng có hạn, chỉ có thể góp phần nhỏ bé giúp đỡ đồng đội có hoàn cảnh khó khăn.
Điều an ủi là sau những chuyến thăm chiến trường xưa, cựu chiến binh Sư đoàn 302 đã ủng hộ, đóng góp xây dựng các miếu thờ liệt sĩ ở Phum Trặc Krlanh và miếu thờ liệt sĩ 429 ở Osamech để hương khói cho các anh em, đồng đội hy sinh ở Campuchia", thương binh Nguyễn Huy Phú nói.