Bài ca tình hữu nghị Việt Nam - Campuchia
"Có biết bao người con ưu tú Việt Nam/Đã ngã xuống trên chiến trường khốc liệt/Đất các anh nằm không phải Tổ quốc đâu/Nhưng Campuchia là dân tộc anh hùng/Làm hồi sinh điệu múa Lâm Thôn…”.
Đó là những câu hát trong ca khúc “Trước tượng đài hữu nghị Việt Nam - Campuchia" được nhạc sĩ Trần Tấn Ngô – Phó Chủ tịch Trung ương Hội hữu nghị Việt Nam – Campuchia sáng tác trong chuyến đi thực tế Campuchia cách đây hơn 3 năm.
Nhạc sĩ Trần Tấn Ngô chia sẻ: “Bài hát là một bức tranh, hay nói đúng hơn là một bức phù điêu tạc vào năm tháng của giai đoạn lịch sử không bao giờ quên được: gian khổ, oanh liệt, hào hùng... với những chiến sĩ Việt Nam làm nghĩa vụ quốc tế trên đất nước bạn Campuchia. Các anh đã hy sinh trên chiến trường khốc liệt, máu các anh đã đổ cho mối tình hữu nghị Việt Nam - Campuchia nở hoa. Bài hát mãi mãi là kỷ niệm không phai mờ, mãi mãi là ký ức son trong quá trình hoạt động âm nhạc của tôi”.
Ca khúc “Trước tượng đài hữu nghị Việt Nam - Campuchia" được nhạc sĩ Trần Tấn Ngô sáng tác trong chuyến đi thực tế Campuchia (Ảnh: Trần Tấn Ngô). |
Ngoài ca khúc này còn có khoảng 30 ca khúc khác là thành quả các thành viên trong đoàn thu được sau chuyến đi. Các tác phẩm như "Đêm Ăng Kor" (Đỗ Hồng Quân), "Hai người mẹ" (Trần Long Ẩn), "Về Campuchia" (Nguyễn Văn Hiên), "Tình hữu nghị Việt Nam - Campuchia" (Vũ Mão), "Rom vông Xamaki" (Thế Hiển)... thể hiện sự gắn bó, đoàn kết, lòng biết ơn tương thân tương trợ giữa hai dân tộc Việt Nam - Campuchia thiêng liêng và thắm tình hữu nghị.
Chuyến đi kéo dài một tuần, từ 1-7/4/2019, dưới sự phối hợp của Trung ương Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia, Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Thành viên tham gia đoàn các nhạc sĩ, văn nghệ sĩ và cựu quân tình nguyện, cựu chuyên gia giúp bạn Campuchia tiêu biểu, do PGS.TS.Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam và TS Lê Hồng Liêm - Phó Chủ tịch Trung ương Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia đồng trưởng đoàn.
Đoàn đã đi qua nhiều miền quê, tìm hiểu về những đổi thay, phát triển trên đất nước Campuchia; gặp gỡ những nhân vật, sự kiện tiêu biểu của tình đoàn kết, hữu nghị, hợp tác phát triển của mối quan hệ truyền thống Việt Nam - Campuchia, qua đó tạo cảm hứng để sáng tác những tác phẩm về chủ đề tình hữu nghị giữa hai dân tộc anh em Việt Nam - Campuchia trong giai đoạn hồi sinh - phát triển.
Theo lời kể của Phó Chủ tịch Trung ương Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia Trần Tấn Ngô, đoàn khởi hành từ huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước, nơi ghi đậm dấu ấn chuyến đi tìm đường cứu nguy dân tộc, thoát họa diệt chủng của Thủ tướng Hun Sen ngày ấy. Qua cửa khẩu Hữu nghị Hoa Lư, đoàn thẳng đến tỉnh Siem Reap, gặp gỡ các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam, là sứ giả Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia trên lĩnh vực kinh tế; thăm thầy cô giáo và học sinh con em người Campuchia và Việt kiều đang được học và nuôi dưỡng ở Trung tâm giáo dục trẻ em Biển Hồ - Vương quốc Campuchia; giao lưu múa hát đậm đà tình hữu nghị anh em với lãnh đạo Tiểu khu Siem Reap.
Đoàn cũng đến Battambang gặp gỡ giao lưu với các cựu học sinh Campuchia ở TP.HCM được các hội viên Trung ương Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia đỡ đầu, đã tốt nghiệp và về công tác ở Battambang, cùng giao lưu với cán bộ nhân viên Tổng lãnh sự.
Tại thủ đô Phnom Penh, đoàn thăm các bác sĩ là lưu học sinh học ở Việt Nam từng được đỡ đầu bởi Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia cùng cán bộ, nhân viên Bệnh viện Chợ Rẫy - Phnom Penh, một công trình nhân ái mà Việt Nam tặng cho nhân dân Campuchia.
Đoàn Hội Nhạc sĩ Việt Nam gồm 10 nhạc sĩ do Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam Đỗ Hồng Quân dẫn đầu đã đến thăm và làm việc với Hội Nhạc sĩ Campuchia. Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Campuchia và Ban lãnh đạo Hội đã thân mật tiếp đoàn, trao đổi về tình hình âm nhạc của hai đất nước và thống nhất trong tương lai sẽ thường xuyên tổ chức cho các nhạc sĩ hai nước giao lưu và đi thực tế sáng tác để có những tác phẩm mới thể hiện tình hữu nghị Việt Nam - Campuchia cho người dân hai nước thưởng thức…
Ngoài những điểm thăm quan, giao lưu, đoàn đã đến dâng hương, hoa ở Đài hữu nghị Việt Nam - Campuchia, viếng tượng đài Quốc vương Norodom Xihanuc, thăm quan Đài Độc lập, Hoàng Cung, nhà tù Tung Sleng, du thuyền trên dòng Tongle Sap, thăm quan Naga Word, đảo Kim cương, khách sạn Sokha và Tượng đài Thắng - Thắng (Win - Win)…
"Thật khó có thể kể hết những nơi, những con người, những ấn tượng mà đoàn đã đi qua, nhưng chắc chắn những điều đó đã thể hiện tình đoàn kết hữu nghị truyền thống, hợp tác và phát triển Việt Nam – Camphuchia", ông Trần Tấn Ngô chia sẻ.
Điều ông tự hào là những ca khúc được sáng tác trong chuyến đi thực tế này được tuyên truyền mạnh mẽ, thậm chí Đài Phát thanh ở Phnom Penh và một số địa phương phía Nam cũng phát một số ca khúc.
“Những bài hát ấy đi vào lòng người, góp phần tuyên truyền tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai đất nước ngày càng bền chặt, làm cho thế hệ trẻ hiểu được quan hệ truyền thống tốt đẹp của hai quốc gia”, nhạc sĩ Trần Tấn Ngô khẳng định.
Trong lễ báo cáo kết quả đoàn văn nghệ sĩ đi thực tế sáng tác "Bài ca hữu nghị Việt Nam - Campuchia" tại các tỉnh biên giới Tây Nam và Vương quốc Campuchia diễn ra vào tháng 7/2019, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam chia sẻ: "Trong quá trình sáng tác, chúng tôi đã chuẩn bị những đề tài, giai điệu, nhưng khi đi thực tế, đắm mình vào đời sống của nhân dân Campuchia, được tiếp xúc với người dân Campuchia, những nhân chứng lịch sử trong những năm tháng đen tối dưới chế độ Pol Pot Iêng Xari làm chúng tôi có thêm cảm xúc. Những cảm xúc đó nhân lên và rất nhanh các nhạc sĩ, nhà thơ có được tác phẩm của mình”. |