Bài 2: Khái niệm lãnh thổ, biên giới quốc gia
Lãnh thổ Việt Nam: Lịch sử và hiện tại 30 năm gắn bó với công tác biên giới lãnh thổ quốc gia, trong đó có 10 năm làm Trưởng ban Biên giới Chính phủ, ... |
Nepal muốn đối thoại song phương về tranh chấp biên giới với Trung Quốc Theo Nepal times, tờ Annapurna Post tiết lộ rằng một số làng ở Nepal thực sự nằm trong lãnh thổ Trung Quốc. Nepal cho rằng ... |
Ngoại trưởng Ấn Độ cáo buộc Trung Quốc trong vụ đụng độ biên giới Ngoại trưởng Ấn Độ cho biết Trung Quốc đã "lên kế hoạch từ trước" vụ đụng độ biên giới hai quốc gia và phải chịu ... |
Lãnh thổ quốc gia
Lãnh thổ quốc gia là phạm vi không gian được giới hạn bởi biên giới quốc gia. Trong phạm vi lãnh thổ đó, Nhà nước của Quốc gia sở hữu, có quyền tối cao về lập pháp, hành pháp và tư pháp. Quyền tối cao đó chính là chủ quyền quốc gia mà nội hàm của nó là: mọi vấn đề chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội của quốc gia phải do quốc gia đó quyết định, các quốc gia khác, cũng như các tổ chức quốc tế không có quyền can thiệp. Mọi tổ chức, cá nhân cư trú trên lãnh thổ của quốc gia đó phải tuân thủ pháp luật của quốc gia, nếu điều ước quốc tế mà quốc gia đã ký kết không có quy định khác.
Ngoải ra, đối với các bộ phận lãnh thổ đặc biệt, như: vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, tàu quân sự, tàu nhà nước thực thi công vụ, Cơ quan Đại sứ, Lãnh sự… các quốc gia sở hữu chỉ được thực hiện “chủ quyền hạn chế”. Nghĩa là, khi thực hiện “chủ quyền hạn chế” của mình, quốc gia sở hữu phải tuân thủ luật pháp của quốc gia sở tại và phải tuân thủ các quy định của cac điều ước quốc tế có liên quan mà quốc gia đó đã ký kết hoặc tham gia. Chẳng hạn, quốc gia ven biển chỉ thực hiện quyền chủ quyền (quyền mang tính chất chủ quyền) và quyền tài phán đối với vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa…
Lãnh thổ quốc gia là một trong 3 yếu tố cơ bản hợp thành không thể thiếu của Quốc gia; đó là: Lãnh thổ, Dân cư, Nhà nước, thiếu yếu tố lãnh thổ thì không thể có Quốc gia theo đúng nghĩa của nó.
Lãnh thổ quốc gia là nền tảng vật chất,là môi trường cho mỗi Quốc gia tồn tại và phát triển trong mối quan hệ tất yếu trên nhiều phương diện với các quốc gia láng giềng, khu vực và quốc tế.
Biên giới quốc gia
Biên giới quốc gia là hàng rào pháp lý xác định giới hạn vùng đất, vùng nước, vùng trời và lòng đất nằm trong lãnh thổ của một quốc gia; là nơi phân định phạm vi lãnh thổ thuộc chủ quyền của một quốc gia này với một quốc gia khác hoặc với các vùng biển thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia đó. Cần phân biệt 2 thuật ngữ: Đường biên giới và Biên giới:
Đường biên giới quốc gia là một đường cụ thể được vạch rõ ràng trên mặt đất, mặt nước, và được đánh dấu trên thực địa bằng hệ thông mốc và/hoặc các dấu hiệu khác,được vẽ trên các bản đồ và được ghi trong các Hiệp ước, Hiệp định, Nghi định thư biên giới.
Biên giới quốc gia thực chất là sự liên kết nhiều bề mặt để tạo nên một hình khối, trong đó chứa đựng vùng đất, vùng nước, vùng trời, lòng đất thuộc lãnh thổ quốc gia. Các bề măt này có phương thẳng đứng đi từ tâm trái đất, qua đường biên giới, rồi lên không trung, bao gồm: mặt phẳng, mặt cong và một mặt cầu (giới hạn độ cao vùng trời thuộc lãnh thổ quốc gia).
Mốc 1378 là cột mốc cuối cùng của biên giới Việt – Trung nằm ở cửa sông Bắc Luân trên hòn Dậu Gót, Móng Cái, Quảng Ninh. Xung quanh là nước, mốc được xây thành hình trụ khá cao để khi có thủy triều lên xuống vẫn nhìn thấy cột phân chia cửa sông giữa 2 nước. Ảnh: Nguyễn Tiến Hùng |
Cần lưu ý các mặt biên giới quốc gia chỉ là tưởng tượng được suy ra từ đường biên giới quốc gia. Xét về điều kiện tiên quyết để hình thành biên giới quốc gia thì đường biên giới quốc gia quyết định trực tiếp đến việc xác lập biên giới quốc gia.
Quá trình hình thành và những nguyên tắc xác định biên giới quốc gia
Biên giới quốc gia hình thành và phát triển luôn luôn gắn liền với sự hình thành các quốc gia trải qua quá trình lịch sử mở mang và định hình phạm vi lãnh thổ giữa các quốc gia đã diễn ra trong lịch sử phát triển của nhân loại kể từ thời cổ đại, qua trung đai, đến cận đại và hiện đại, theo những phương thức thụ đắc lãnh thổ phổ biến và được thừa nhận có hiệu lực cho từng thời kỳ lịch sử đó.
Bước vào thời đại văn minh, cùng với sự xác lập tình trạng xã hội có giai cấp, nhà nước xuất hiện để quản lý lãnh thổ, dân cư sống trong phạm vi lãnh thổ của mình và cùng với sự ra đời đó, biên giới quốc gia cũng được hình thành và ngày càng hoàn thiện. Lúc sơ khai, khi các quốc gia cổ đại đầu tiên ra đời, giữa các quốc gia còn có nhiều vùng đất, vùng nước vô chủ; đó là những địa hình, địa vật tự nhiên, như vùng rừng núi, sông ngòi, sa mạc, biển cả… các lãnh thổ vô chủ đó được coi là “vùng biên cương”, “miền biên thùy”, là hình thức sơ khai của biên giới quốc gia.
Đến thời kỳ đầu của giai đoạn lịch sử cận đại (từ năm 1640 đến năm 1917), do một loạt các nhà nước đã ra đời trên phạm vi toàn thế giới và, do trình độ kỹ thuật và khả năng quản lý nhà nước ngày càng phát triển, lãnh thổ vô chủ dần dần bị thu hẹp lại, phạm vi lãnh thổ của các quốc gia xích lại, tiếp giáp nhau hơn, dẫn tới đường biên giới xuất hiện. Lúc đầu chỉ là đường biên giới trên đất liền và về sau, do sự phát triển không ngừng của xã hội, sự tác động mạnh mẽ của khoa học, công nghệ, lãnh thổ quốc gia đã mở rộng ra phía biển, lên không trung, xuống lòng đất…theo đó, biên giới quốc gia cũng được mở rộng và tồn tại dưới các hình thức như sau: Biên giới đất liền, Biên giới biển, Biên giới trong lòng đất, Biên giới trên không.
Để giải quyết các tranh chấp biên giới, lãnh thổ giữa các quốc gia, Luật pháp và thực tiễn quốc tế đã áp dụng các nguyên tắc phổ biến, chủ yếu là:
-Nguyên tắc kế thừa các hiệp ước quốc tế về biên giới lãnh thổ.
- Nguyên tắc dùng các đường biên giới đã có.
-Nguyên tắc xác định các đoạn biên giới mới.
Phương thức giải quyết tranh chấp biên giới đất liền gữa các quốc gia
Tranh chấp biên giới đất liền giữa các quốc gia là một loại tranh chấp quốc tế phổ biến thường được ưu tiên giải quyết giữa các quốc gia láng giềng sau khi quan hệ ngoại giao đã được thiết lập. Nguy cơ xung đột quân sự và chiến tranh có thể xẩy ra khi tranh chấp quốc tế này không được giải quyết tận gốc. Ngoài ra, giải quyết tranh chấp còn góp phần thúc đầy các quốc gia tuân thủ và thực hiện luật quốc tế triệt để hơn. Việc giải quyết này phải được thông qua các biện pháp hòa bình phù hợp với luật quốc tế, trên cơ sở điều ước quốc tế hoặc tập quán quốc tế đã được các bên tranh chấp thừa nhận áp dụng để giải quyết tranh chấp theo Khoản 1 Điều 38 Quy chế Tòa án công lý quốc tế:
“a. Các điều ước quốc tế, chung hoặc riêng, đã quy định về những nguyên tắc được các bên đang tranh chấp thừa nhận;
b. Các tập quán quốc tế như những chứng cứ thực tiễn chung, được thừa nhận như những quy phạm pháp luật;
c. Nguyên tắc chung của luật được các quốc gia văn minh thừa nhận.
d. Với những điều kiện nêu ở điều 59, các án lệ và các học thuyết của các chuyên gia có chuyên môn cao nhất về luật quốc tế của các quốc gia khác nhau được coi là phương tiện để xác định các quy phạm pháp luật.”
Bên cạnh việc ghi nhận nguyên tắc giải quyết tranh chấp hòa bình, Hiến chương Liên Hợp quốc cũng đã xây dựng hệ thống các biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp quốc tế tại Điều 33: “Các bên đương sự trong các cuộc tranh chấp, mà việc kéo dài các cuộc tranh chấp ấy có thể đe dọa đến hòa bình và an ninh quốc tế, trước hết, phải cố gắng tìm cách giải quyết tranh chấp bằng con đường đàm phán, điều tra, trung gian, hòa giải, trọng tài, tòa án, sử dụng những tổ chức hoặc những hiệp định khu vực, hoặc bằng các biện pháp hòa bình khác tùy theo sự lựa chọn của mình.”
Một đoạn hàng rào ở biên giới tại bang New Mexico, Mỹ. Ảnh: Reuters. |
Quy trình giaỉ quyết và xác lập biên giới đất liền giữa các nước láng giềng
Để xác lập biên giới đất liền, theo thông lệ quốc tế, các quốc gia hữu quan phải cùng nhau triển khai công việc trọng đại này qua 4 giai đoạn:
-Giai đoạn thứ nhất: Đàm phán ký kết thỏa thuận nguyên tắc mà nội dung chủ yếu là thông nhất những căn cứ pháp lý, chính trị, thủ tục pháp lý, hình thức tổ chức, cơ chế đàm phán. Đây là tiền đề không thể thiếu khi các bên có thiện chí muốn giải quyết dứt điểm các tranh chấp biên giới lãnh thổ.
-Giai đoạn thứ hai: Hoạch định biên giới. Nội dung của giai đoạn này chủ yếu là đàm phán giải quyết các bất đồng, tranh chấp lãnh thổ do nhận thức khác nhau để thống nhất việc mô tả hướng đi của đường biên giới và thể hiện hướng đi đó trên một bộ bản đồ địa hình mà hai bên thống nhất lựa chọn. Tất cả nội dung công việc này được thể hiện rõ ràng, đầy đủ, chính xác trong Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia, gọi tắt là Hiệp ước biên giới. Nội dung của Hiệp ước này là nền tảng, là cơ sở pháp lý duy nhất, làm chỗ dựa để các bên triển khai giai đoạn phân giới cắm mốc.
-Giai đoạn ba: Phân giới, cắm mốc. Đây là giai đoạn chuyển hướng đi của đường biên giới được mô tả bằng lời văn của Hiệp ước hoạch định biên giới và được vẽ trên bản đồ địa hình kèm theo, ra thực địa và cố định bằng một hệ thống mốc quốc giới. Giai đoạn này được thực hiện chủ yếu bằng những giải pháp kỹ thuật đo đạc, bản đồ tại thực địa. Kết quả của giai đoạn này được ghi nhận trong các biên bản phân giới cắm mốc, được thể hiện dưới hình thức là Nghị định thư phân giới cắm mốc, kèm theo bản đồ và các văn kiện có liên quan khác. Trong quá trình phân giới cắm mốc, nếu hai bên phát hiện có nhưng sai sót, khác với nội dung mô tả trong Hiệp ước hoạch định biên giới, lực lượng làm nhiệm vụ phân giới cắm mốc không có quyền quyết định điều chỉnh mà phải báo cáo lên Chính phủ của mình để thống nhất ký Hiệp ước bổ sung vào Hiệp ước hoạch định biên giới đã ký.
-Giai đoạn thứ 4: Cuối cùng là ký kết các thỏa thuận nhằm bảo vệ và quản lý biên giới, mốc quốc giới. Sau khi ký kết được các thỏa thuận về việc phối hợp tuần tra bảo vệ, quản lý mốc giới, biên giới; việc qua lại các cửa khẩu biên giới, sử dụng nước và các tài nguyên trên các sông suối biên giới, hợp tác khai thác các cảnh quan trong khu vực biên giới. Các thỏa thuận này được thể hiện trong các hiệp định, nghị định thư. Đây là căn cứ để các lực lượng, cơ quan quản lý, bảo vệ của các bên liên quan hợp tác cùng nhau xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghi, hợp tác phát triển, ổn định lâu dài.
Tài liệu tham khảo:
1.XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ CHỦ QUYỀN LÃNH THỔ ...
sites.google.com › site › giaoducquocphong0 › bai-11-...
2. Bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia - Google Sites
sites.google.com › site › gdqplop11 › home › bai-1-1
3. BÀI SOẠN GDQP BÀI 3: BẢO VỆ CHỦ QUYỀN...
4. Lãnh thổ quốc gia và những chế định cơ bản trong Công ước ... bienphongvietnam.vn