Lãnh thổ Việt Nam: Lịch sử và hiện tại
Trung Quốc đặt tên cho 50 thực thể địa lý dưới biển Hoa Đông Trung Quốc đặt tên cho 50 thực thể địa chất dưới biển Hoa Đông, gia tăng thêm căng thẳng trong mối quan hệ giữa hai ... |
Bộ Ngoại giao xác nhận tàu Hải Dương 8 rút khỏi EEZ Việt Nam Bộ Ngoại giao ngày 25/10 chính thức lên tiếng về việc nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc rút khỏi vùng đặc ... |
Thủ tướng: Không bao giờ nhân nhượng những gì thuộc về độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Thủ tưởng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Đảng và Nhà nước ta đã nhất ... |
Chủ quyền lãnh thổ là ưu tiên số một qua các triều đại lịch sử
Tháng 1/1077, Anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt chỉ huy đánh chặn giặc trên suốt dọc phòng tuyến sông Cầu. Tương truyền, hàng đêm ông sai người tâm phúc lẻn vào đền thờ Trương Hống, Trương Hát nằm trong trận địa bên sông Như Nguyệt (tức khúc sông Cầu chảy qua huyện Yên Phong, lộ Bắc Giang) đọc vang bài thơ:
“Nam quốc sơn hà Nam Đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm.
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.”
Bài thơ Thần này được xem là bản Tuyên ngôn khẳng định rằng non sông, bờ cõi của vua Nam là do sách Trời đã định, nếu kẻ thù nào xâm phạm sẽ bị thất bại nhục nhã!
Một trong những tượng đài anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt |
Năm 1428, “Bình Ngô đại cáo” Nguyễn Trãi thay lời Bình Định vương Lê Lợi để tuyên cáo kết thúc cuộc kháng chiến chống giặc Minh, giành lại độc lập cho Đại Việt, trong đó Nguyễn Trãi đã khẳng định sự độc lập của nước Việt với nước láng giềng Trung Quốc:
“Núi sông bờ cõi đã chia.
Phong tục Bắc Nam cũng khác
Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương.
Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau
Song hào kiệt thời nào cũng có...”
Năm 1473, vua Lê Thánh Tông dụ cho Thượng thư bộ Binh Lê Cảnh Huy khi xuất hiện tranh chấp biên giới với nhà Minh: “Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại nên vứt bỏ? Ngươi phải kiên quyết tranh biện chớ cho họ lấn dần. Nếu họ không nghe, còn có thể sai sứ sang phương Bắc trình bày rõ điều ngay lẽ gian. Nếu ngươi dám đem một thước một tấc đất của Thái tổ làm mồi cho giặc thì phải tội tru di”…
Những áng văn thơ của các tiền nhân dưới triều Lý và triều Lê đã nói lên quan niệm và ý chí giữ gìn sự toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ nền độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia luôn luôn là ưu tiên số một trong chính sách đối ngoại của các vị quân vương Việt Nam thủa trước. Đồng thời, cũng truyền lại cho muôn đời con cháu truyền thống kiên cường bất khuất của những con dân Đất Việt trong lịch sử dựng Nước và giữ Nước bằng mồ hôi, xương máu của biết bao thế hệ…
Nhận thức về lãnh thổ quốc gia trong thời kỳ mới
Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, theo Hiệp định Giơnevơ (năm 1954) về đình chiến ở Đông Dương, Hồ Chủ tịch và Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận và các đoàn thể từ “Thủ đô gió ngàn” Việt Bắc trở về tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Trên đường về tiếp quản Thủ đô, Đại đoàn Quân tiên phong - đơn vị chủ lực đầu tiên của quân đội ta, vinh dự được Bác Hồ trực tiếp giao nhiệm vụ. Cuộc gặp gỡ diễn ra vào sáng 19.9.1954, tại Đền Hùng, biểu tượng của cội nguồn dân tộc, Bác Hồ đã có câu nói bất hủ để lại cho muôn đời con cháu mai sau: “… Ngày xưa các Vua Hùng đã có công dựng nước, ngày nay Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Lễ hội đền Hùng trở thành một trong những nghi thức truyền thống văn hóa dân tộc |
Truyền thống đấu tranh không tiếc máu xương để bảo vệ giang sơn gấm vóc nước Việt Nam của các bậc tiền nhân vẫn còn nguyên vẹn trong ý thức và hành động của hậu thế. Nhưng nhận thức về phạm vi lãnh thổ quốc gia trong thời đại mới đã có nhiều thay đổi. Chính vì vậy, ngày 15-3-1961, nhân dịp đến thăm Bộ đội Hải quân lần thứ hai, Chủ tịch Hồ Chi Minh đã chỉ rõ: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”.
Tư tưởng đó của Hồ Chủ tịch đã được pháp điển hóa bằng Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam (sửa đổi) được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 6,ngày 28-11-2013, thông qua:
Điều 1 của Hiến pháp quy định: “Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời.” Theo đó, lãnh thổ Việt Nam bao gồm:
-Phần đất liền hình cong chữ S;
-Hải đảo, trong đó có quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa ở giữa Biển Đông;
-Lãnh thổ biển, bao gồm: Nội thủy, Lãnh hải thuộc chủ quyền quốc gia trên biển và vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán.
- Vùng trời ở trên phần lãnh thổ đất liền, hải đảo và trên lãnh thổ biển (các vùng biển thuộc chủ quyền quốc gia).
Bảo vệ chủ quyền và gìn giữ sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia luôn luôn là trọng trách hàng đầu, rất nặng nề, nhưng vô cùng vẻ vang, thiêng liêng của mọi tầng lớp nhân dân, từ những bậc vĩ nhân, chí nhân quân tử cho đến mỗi người dân, qua nhiều giai đoạn lịch sử đấu tranh dựng và giữ nước của quốc gia, dân tộc… Tuy nhiên, phạm vi lãnh thổ được hình thành ra sao và được xác định cụ thể đến đâu của một quốc gia là cả một vấn đề lịch sử, pháp lý hết sức phức tạp, không chỉ theo sự phát triển của khoa học, kỹ thuật có liên quan, mà còn bằng cả máu, xương, mồ hôi nước mắt của biết bao thế hệ trong các cộng đồng dân cư…
Để góp phần nâng cao nhân thức về non sông đất nước mà mỗi một người Việt Nam dù ở bất kỳ nơi đâu, dù làm bất cứ việc gì, dù quan điểm chính trị như thế nào, đều mong muốn góp sức xây đắp, bảo vệ và lưu giữ cho muôn đời, chúng tôi xin được cung cấp tới bạn đọc những thông tin cơ bản sẽ được đăng trong các bài tiếp theo.
Tài liệu tham khảo:
1. https://trithucvn.net/van-hoa/ly-thuong-kiet-tu-hoan-quan-den-vi-tuong-tai-lung-danh-su-viet.html của Google.
2. TRẬN NHƯ NGUYỆT (18.1 - 28.2.1077): CHIẾN THẮNG NHƯ NGUYỆT MÙA XUÂN NĂM 1077 (Lịch sử Việt Nam).
3. Nguyễn Trãi - anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa (1380 - 1442) - Đinh Quỳnh Hoa (phòng QLHV) BẢO TÀNG LỊCH SỬ QUỐC GIA (VIETNAM NATIONAL MUSEUM OF HISTORY)
4. "Các Vua Hùng dựng nước, bác cháu ta giữ nước" Tuổi trẻ, 12/04/2008 16:43 GMT+7
5. Trò chuyện đầu xuân: Những câu chuyện về biển, đảo mang tầm nhìn chiến lược thiên tài của Bác Hồ; Hải Quân Việt Nam- Thứ ba, ngày 30 tháng 06 năm 2020 Tòa soạn: Số 3B Trần Hưng Đạo, Hồng Bàng, Hải Phòng Email: bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
6. Cổng thông tin điện tử Chính phủ CHXHCN Việt Nam