5 đặc sản Bình Định gây thương nhớ cho thực khách
Mắm nhum Mỹ An
Trải dọc các vùng biển Việt Nam, nơi đâu cũng có nhum. Tuy nhiên, chỉ có món mắm nhum được làm từ loại nhum ta màu đen ở xã Mỹ An, Phù Mỹ, Bình Định được chọn làm sản vật dùng để tiến vua.
Nhum (hay còn gọi là nhím biển hay cầu gai) thường sống theo nhóm trong hốc đá lẫn rong rêu dọc vùng biển miền Trung. (Ảnh: KT) |
Để làm món mắm nhum người ta lấy phần thịt nhum cho vào chum sành, rắc một ít muối hạt lên trên, rồi đem vùi vào bếp tro hoặc "giang" ngoài nắng từ 10 đến 15 ngày. Mắm nhum khi chín nhuyễn tan, sền sệt và có màu đỏ đục tỏa hương thơm quyến rũ.
Mắm nhum có thể được ăn bằng nhiều cách nhưng người dân vùng biển thích nhất ăn chung với bún tươi hoặc để chấm bánh tráng cuốn thịt heo, rau sống. Món mắm hảo hạng này có thể làm vừa lòng cả những thực khách khó tính nhất trong giới sành ăn.
Mắm nhum thường được ăn với bún tươi hoặc để chấm bánh tráng cuốn thịt heo. (Ảnh: KT). |
Tré rơm Bình Định
Tré là một loại món ăn gần giống với các loại nem bì miền Bắc nhưng thành phần nguyên liệu có phần khác biệt khi được thay thế bằng: tai heo, lỗ mũi heo, da heo hoặc có thể là thịt ba chỉ...
Tré Bình Định gần giống với nem bì miền Bắc. (Ảnh: KT) |
Các loại nguyên liệu sau khi được thái nhỏ thành các lát thì sẽ được đem đi ướp cùng các loại gia vị như tiêu, tỏi, ớt, nước mắm và thính (bột giã nhỏ từ gạo rang). Chờ cho gia vị hòa quyện vào thịt thì mang đi gói. Tré sẽ được gói bằng lá khế hoặc lá ổi non, lớp ngoài cùng là rơm sau đó đem đi bảo quản trong khoảng 2 đến 3 ngày là có thể thưởng thức.
Bánh ít lá gai
Bánh ít lá gai là món ăn đặc sản nổi tiếng của Bình Định với lớp vỏ nếp mềm dẻo kết hợp cùng vị ngọt thơm của nhân đậu xanh hoặc nhân dừa.
Bánh ít lá gai Bình Định. (Ảnh: KT) |
Để tạo ra được chiếc bánh ít thơm ngon, người làm bánh cần lựa chọ tỉ mỉ các nguyên liệu như gạo, đỗ xanh, dừa, lá gai… Sau một quá trình xay bột, làm nhân, gói và hấp, những chiếc bánh ít được ra đời trở thành món đặc sản ai cũng nên thử ít nhất một lần.
Gié bò Tây Sơn
Gié bò là món ăn được chế biến khá cầu kỳ tuy nhiên lại không phải một món dễ ăn. Nếu lần đầu thưởng thức, có thể bạn sẽ thấy không quen miệng nhưng một khi đã quen du khách sẽ rất khó để cưỡng lại vị ngon của món ăn này.
Gié là chất dịch màu xanh ở phần ruột non nhất của con bò. Gié bò sau khi được lấy ra phải được chế biến luôn nếu không để lâu sẽ bị hôi và không dùng được nữa. Gié được đem đi ướp gia vị cùng tiêu, tỏi, ớt, xả, gừng… để ngấm vị.
Gié bò Tây Sơn. (Ảnh: KT) |
Phần ruột non, tiết và gan bò được sắt thành những miếng vuông nấu chung với nồi gié bò. Khi ăn, người ta thường thưởng thức chung với bánh đa và rau sống để làm nổi bật lên hương vị thơm ngon đậm đà của món ăn này.
Rượu Bầu đá Bình Định
Rượu Bầu đá là đặc sản nổi tiếng chỉ có ở Bình Định bởi rượu được nấu từ gạo lứt và chỉ khi sử dụng nguồn nước ở làng Cù Lâm, tỉnh Bình Định mới có thể đạt đến độ thượng hạng nhất, trở thành thức uống tiến cung cho vua hàng năm.
Rượu Bầu đá Cù Lâm. (Ảnh: KT) |
Rượu Bầu đá nổi tiếng dễ say vì có độ cồn rất cao, lên đến 50 độ. Tuy nhiên khi uống, rượu lại có vị thanh mát đến lạnh người, chỉ cần uống một ngụm là cả người sẽ thấy khoan khoái, mát lạnh và dễ chịu.
Ba món ăn Việt Nam lọt top 100 món cơm ngon nhất châu Á Cơm tấm, xôi gà, cơm chiên kiểu Việt Nam là ba món ăn Việt Nam lọt top 100 món cơm ngon nhất châu Á 2023 của chuyên trang ẩm thực Taste Atlas. |
15 món Việt được bình chọn trong top ngon nhất Đông Nam Á TasteAtlas đã công bố bình chọn của độc giả về 100 món ngon nhất Đông Nam Á, trong đó có 15 món Việt Nam. |