Vướng Luật Xây dựng, doanh nghiệp ngành yến khó xin xác nhận nguồn gốc nguyên liệu
Hơn 90% nhà yến vướng quy định về xây dựng (Ảnh minh hoạ) |
Hơn 90% nhà yến vướng quy định về xây dựng
Trong khuôn khổ “Buổi gặp gỡ các hiệp hội ngành hàng và báo chí” tại TP. Hồ Chí Minh, do Văn phòng Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn tổ chức, ông Lê Thành Đại - Chủ tịch Hiệp hội Yến sào Việt Nam cho biết, ngành yến mới gia nhập thị trường xuất khẩu gần đây nên toàn ngành hiện chỉ có 9 công ty tham gia cung cấp hàng hóa cho thị trường Trung Quốc với kim ngạch khoảng 140 USD.
Nửa đầu năm nay ngành yến chỉ mới xuất được hơn 2 tấn hàng hàng hóa, nên kim ngạch được đạt được còn rất khiêm tốn, trong tương lai ngành yến sẽ nỗ lực để kim ngạch xuất khẩu đạt mức cao hơn. Tuy nhiên, vì quá mới mẻ nên ngành yến đang gặp phải những khó khăn nhất định, trong đó có việc xin xác nhận nguồn gốc xuất xứ hàng hóa (C/O).
Ngành yến thuộc lĩnh vực nông nghiệp nhưng xây nhà nuôi yến phải tuân thủ Luật Xây dựng, có hơn 90% nhà yến tồn tại trên đất thổ cư hoặc đất nông nghiệp nên chưa được công nhận vì vướng quy định về xây dựng. Trong khi một trong những yêu cầu của nước nhập khẩu là phải xác định C/O.
Dù chính quyền địa phương cấp xã, huyện rất hỗ trợ ngành nhưng việc xác nhận nguồn gốc xuất xứ hàng hóa để hoàn chỉnh bộ hồ sơ xuất khẩu vẫn gặp khó khăn do vướng quy định của Luật. Điều này cũng là lý do mà ngành yến sào chưa thể đẩy mạnh xuất khẩu.
Chưa có hướng dẫn chính thức cấp mã định danh nhà yến
Tổ yến xuất khẩu sang Trung Quốc, việc truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm trong đó thể hiện mã số nhà yến/hang yến là điều bắt buộc cho mỗi lô hàng xuất khẩu. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có hướng dẫn chính thức về việc cấp mã số cho các nhà yến. Các doanh nghiệp đang tự quản lý nhà yến của họ bằng mã số riêng của doanh nghiệp. Các mã số này đã được thông báo tới Tổng cục Hải quan Trung Quốc và được chấp thuận. Với cách làm tạm thời như vậy các mã số này không đồng bộ với nhau và cơ quan quản lý cũng chưa có được cơ sở dữ liệu về nhà yến để quản lý một cách chặt chẽ hơn.
Cả nước hiện có 42/63 tỉnh, thành phố nuôi chim yến với trên 23.000 nhà yến. Sản lượng tổ yến của Việt Nam khoảng 200 tấn, giá trị trên 700 triệu USD. Trung Quốc hiện thị trường tiêu thụ sản phẩm tổ yến lớn nhất thế giới, với nhu cầu hơn 300 tấn/năm, chiếm khoảng 80% thị phần toàn cầu. Việc Trung Quốc chính thức cho phép nhập khẩu sản phẩm tổ yến từ Việt Nam đã tạo ra rất nhiều cơ hội cho ngành yến sào Việt Nam.
Tuy nhiên ngoài Việt Nam, nhiều quốc gia khác cũng đã xuất khẩu tổ yến sang thị trường Trung Quốc như Indonesia, Malaysia, Thái Lan. Trong đó Indonesia và Malaysia là hai nước xuất khẩu chủ lực vào thị trường Trung Quốc với sản lượng áp đảo trong quý I/2024 lần lượt là 105,4 tấn và 39,3 tấn.
Với kinh nghiệm khai thác, chế biến và xuất khẩu lâu năm mặt hàng tổ yến, sản phẩm tổ yến sơ chế của Malaysia và Indonesia rất phong phú về mẫu mã, giá thành cũng hợp lý hơn, tạo sự cạnh tranh gay gắt với không chỉ tại thị trường Trung Quốc, mà còn tại các nước khác như Úc và Hoa Kỳ.
Đây là thách thức to lớn và khó khăn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu nói riêng và ngành yến nói chung trong giai đoạn trước mắt cũng như lâu dài nếu Việt Nam không có chiến lược phát triển ngành yến một cách đồng bộ và mạnh mẽ.