Vườn cây, đường hoa biên giới Việt Nam – Campuchia
Biên giới muôn hoa
Đến thăm cột mốc ba biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia tỉnh Kon Tum những ngày cuối năm mọi người thực sự “choáng ngợp” với sắc vàng rực rỡ của hoa dã quỳ dọc theo những bậc thang dẫn lên cột mốc, loài hoa dại mang vẻ đẹp thuần khiết, sức sống mãnh liệt đặc trưng của núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ.
Được biết hoa dã quỳ dọc trên đường dẫn lên Cột mốc ba biên là do lực lượng thanh niên của huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum trồng, chăm sóc.
Say sưa tạo dáng chụp ảnh, sự phấn khích hiện rõ trên nét mặt đang nở nụ cười, anh Nguyễn Bích Hải (Hà Nội) chia sẻ: “Đọc tin tức, tôi nghe đến cụm từ “một tiếng gà gáy ba nước đều nghe” nên cảm thấy rất tò mò, nhiều lần muốn được trải nghiệm. Ấp ủ ý định đã lâu, mãi đến hôm nay tôi mới cùng nhóm bạn thực hiện chuyến du lịch trải nghiệm mảnh đất Tây Nguyên này. Quả thật, khi đặt chân đến ngã ba biên giới, tôi và nhóm bạn cảm thấy thiêng liêng. Chúng tôi bị cuốn hút bởi vẻ đẹp đơn sơ mộc mạc của núi đồi, của loài hoa dã quỳ trải dài vô tận đặc trưng của núi rừng nơi đây”.
Ngoài hoa dã quỳ, nơi đây còn có vườn cây hữu nghị do Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum, Ty Công an tỉnh Rattanakiri, Campuchia và Đại đội 541, thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Attapư, Lào trồng từ năm 2018. Vườn cây tươi tốt gồm các chủng loại: Giáng hương, Sao xanh, Bằng lăng, Xà cừ, Ngọc Lan, Chăm pa… Đến nay, các đơn vị đã trồng hơn 12 nghìn cây tại khu vực này.
Đồn Biên phòng Sông Trăng, tỉnh Long An cùng người dân trồng cây xanh và các loại hoa góp phần bảo vệ môi trường làm đẹp cảnh quan trên tuyến biên giới của huyện. Ảnh: Văn Hội |
Cũng trong thời gian qua, Đồn Biên phòng Sông Trăng, tỉnh Long An đã triển khai nhiều hình thức hiệu quả cùng nhân dân trồng cây xanh và các loại hoa góp phần bảo vệ môi trường làm đẹp cảnh quan trên tuyến biên giới của huyện. Đồn đã phối hợp cùng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện và các ban ngành, đoàn thể ba xã biên giới ra quân thực hiện tuyến “Đường hoa biên giới” vì một biên cương xanh, hòa bình, hữu nghị.
Các chiến sĩ cùng với nhân dân tiến hành trồng 2000 cây hoa bằng lăng dọc theo đường biên giới dài 15.814km đi qua 3 xã Hưng Hà, Hưng Điền B và Hưng Điền. Trồng 100 cây phượng và 80 cây hoàng yến dọc theo đường 831D, từ Nhà văn hóa ấp Sông Trăng đến đường tuần tra biên giới. Ngoài ra, còn trồng thêm 100 góc mai vàng cùng hoa trang, hoa giấy xung quanh các cột mốc.
Tại An Giang, các cơ quan chức năng chức ra quân trồng hơn 200 cây hoa Hoàng yến, Điệp vàng tại xã biên giới An Phú, huyện Tịnh Biên. Tỉnh Kon Tum đã trồng được 291.000 cây xanh sát biên giới với Campuchia. Các Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk trồng 2.000 cây xanh như giáng hương, sao và cây ăn trái tại Tiểu đoàn huấn luyện cơ động (xã biên giới Krông Na, huyện Buôn Đôn) và Đồn biên phòng 741 ((xã Ea Bung, huyện Ea Súp).
Đồng Tháp cũng trồng mới hơn 500 cây dừa giống, 500 cây xanh các loại và trồng 1 nghìn cây tre tại các tuyến đường bảo vệ đường tuần tra biên giới trên địa bàn huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp.
Tại Đồn Biên phòng Lình Huỳnh, BĐBP Kiên Giang, 55 cây xanh được đoàn sĩ quan trẻ Biên phòng Việt Nam và Campuchia trồng kỷ niệm.
Đoàn đại biểu sĩ quan biên phòng Việt Nam - Campuchia trồng cây hữu nghị tại Đồn Biên phòng Lình Huỳnh. Ảnh: Thu Oanh |
Biên cương xanh, hòa bình, hữu nghị
Cuối tháng 8, Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị (tỉnh Lạng Sơn) được trồng cây đa lớn. Đó là cây đa do đích thân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba trồng trong dịp thăm cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị. Cây đa trồng ở vị trí trang trọng, nổi bật trong khuôn viên cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị, cách đường biên giới Việt Nam - Trung Quốc gần 100m, nằm bên phải tuyến Quốc lộ 1A, đối diện cột mốc 1116 bên trái đường. Cây đa vững chãi, sum suê, xanh tươi...
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng Đại sứ Hùng Ba nâng niu cầm xẻng vun trồng và thực hiện nghi thức tưới nước cho cây đa thiêng liêng trên tuyến biên giới Việt- Trung. Tổng Bí thư căn dặn các đơn vị, nhân dân chăm sóc, giữ gìn cây đa và coi đó là biểu tượng của tinh thần hữu nghị, thân thiện, hòa bình…
Thời gian qua, “Cây đa Hữu Nghị” trở thành điểm nhấn mới tại cửa khẩu. Nhiều đoàn khách tới đây đã đề nghị được tham quan, chụp ảnh lưu niệm cùng cây, bên cạnh điểm “check-in” truyền thống là cột mốc chủ quyền quốc gia 1116.
Phong trào trồng cây, đường hoa không chỉ là một nét đẹp văn hóa, mà còn góp phần bảo vệ biên giới, khẳng định chủ quyền lãnh thổ. Đây còn là hoạt động thiết thực giúp đỡ người dân các dân tộc xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế, góp phần xây dựng biên giới vững chắc, bảo vệ môi trường, tăng độ che phủ rừng trên khu vực biên giới.
“Việc trồng hoa trên tuyến đường tại biên giới có ý nghĩa to lớn, mang giá trị nhân văn, tăng cường việc giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho cán bộ, chiến sĩ biên phòng và người dân khu vực biên giới”, Trung tá Nguyễn Văn Hội - Đồn trưởng, Đồn Biên phòng Sông Trăng tỉnh Long An cho biết.
Đại tá Huỳnh Văn Đông, Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang cho biết, thời gian tới, các đơn vị cần chủ động phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương nơi đóng quân thực hiện đồng bộ các giải pháp trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh. Tuyên truyền, vận động nhân dân ở khu vực biên giới tích cực hưởng ứng các hoạt động trồng cây trong xóm ấp, dọc đường giao thông nông thôn, vùng ven biển, biên giới, trên các hải đảo, vùng đất trống, đồi trọc…
Tích cực trồng, quản lý, bảo vệ và chăm sóc rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn, trồng cây xanh tại các cơ quan, đơn vị, địa phương trên khu vực biên giới, bờ biển và địa bàn đóng quân là hoạt động góp phần bảo vệ môi trường, giảm nhẹ thiên tai, làm đẹp cảnh quan, môi trường đơn vị. Trồng cây còn để bảo vệ biên giới, trồng cây để khẳng định chủ quyền lãnh thổ và cũng là hoạt động thiết thực giúp đỡ đồng bào các dân tộc xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế, góp phần quan trọng vào việc xây dựng biên giới lòng dân vững chắc.