Việt Nam thắng giải cao nhất tại SIIF 2022
Đoàn Việt Nam tham dự SIIF 2022 (Ảnh: VUSTA). |
SIIF là Triển lãm phát minh sáng chế lớn nhất thế giới, nơi các nhà sáng chế giới thiệu các ý tưởng mới và sản phẩm sáng chế cho các nhà đầu tư, được các luật sư và chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ cung cấp thông tin toàn diện về thương mại hóa các phát minh, được tư vấn về quy trình cấp bằng sáng chế quốc tế và chuyển giao công nghệ, qua đó mở ra nhiều cơ hội cho các nhà sáng chế thương mại hoá các công trình của mình.
SIIF 2022 với sự tham gia của 16 quốc gia và vùng lãnh thổ với gần 500 công trình sáng tạo trên toàn thế giới. Đây là triển lãm có quy mô lớn nhất về Khoa học và Công nghệ của Hàn Quốc. Do Hiệp hội sáng kiến sáng chế Hàn Quốc (KIPA), Tổ chức sở hữu trí tuệ Hàn Quốc (KIPO) và tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) cùng với các bộ ban ngành của Hàn Quốc cùng phối hợp hỗ trợ như Bộ Khoa học, Bộ Thương mại, Liên đoàn Công nghiệp Hàn Quốc, Phòng Thương mại & Công nghiệp Hàn Quốc, Liên đoàn Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hàn Quốc, Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc, Hiệp hội các nhà phát minh phụ nữ Hàn Quốc, Hiệp hội luật sư sáng chế Hàn Quốc phối hợp tổ chức.
Đoàn Việt Nam tham dự tại SIIF 2022 với 06 công trình công trình xuất sắc của Giải thưởng khoa học công nghệ Việt Nam 2020, 2021 và Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc 2019 – 2020, 2020 - 2021 thuộc 6 lĩnh vực : Cơ khí tự động hoá, tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng mới, thông tin điện tử và viễn thông, công nghệ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên, sinh học phục vụ sản xuất và đời sống, công nghệ vật liệu.
Các công trình của Việt Nam đoạt giải thưởng tại SIIF 2022 gồm 1 Cup Grand Prize – Giải cao nhất của triển lãm, 2 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Bạc và 1 Huy chương Đồng. Ngoài ra đoàn còn nhận được 01 giải đặc biệt của Ban tổ chức KIPA, 03 giải quốc tế đặc biệt do các tổ chức của Malaysia, Thái Lan và Ả Rập Xê út bình chọn. Nhìn chung các công trình đoạt giải tại SIIF 2022 đều được ban giám khảo đánh giá cao về tính ứng dụng và khả năng thương mại hoá:
- 02 Huy Chương Vàng thuộc về công trình “Nghiên cứu công nghệ, thiết kế chế tạo hệ thống thiết bị cấp đông nhanh bằng chất tải lạnh lỏng, ứng dụng trong chế biến cá ngừ đại dương xuất khẩu” của tác giả Phạm Anh Tuấn và Nguyễn Thị Minh Nguyệt (Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch – Bộ NN&PTNT (VIAEP) và công trình “Tận dụng đất cứng, đất tầng, phủ để sản xuất ngói chất lượng cao” của nhóm tác giả Nguyễn Quang Mâu, Đồng Đức Cương, Nguyễn Duy Tấn (Công ty CP gạch ngói Đất Việt), công trình này còn đoạt Giải đặc biệt của Thái Lan.
- Cúp Grand Prize thuộc về công trình “Nghiên cứu và áp dụng quy trình sản xuất ngói cao cấp bằng công nghệ nghiền khô” của nhóm tác giả Nguyễn Quang Mâu, Nguyễn Quang Toàn, Nguyễn Duy Tấn (Công ty CP gạch ngói Đất Việt)
- HC Bạc và Giải Đặc biệt của Ả Rập Xê út thuộc về công trình “Nghiên cứu kiến tạo Nam Cầu Kiền thành khu công nghiệp sinh thái với mô hình kinh tế tuần hoàn” của nhóm tác giả: Phạm Hồng Điệp, Nguyễn Anh Minh, Vũ Thị Lan Nhi (Công ty Cổ phần Shinec - KCN Nam Cầu Kiền)
- HC Bạc, Giải đặc biệt của Malaysia thuộc về công trình “Lò đốt chất thải rắn có thu hồi nhiệt để sản xuất hơi nước” của 2 tác giả: Đàm Thị Lan, Nguyễn Đức Quyền (Công ty CP Năng lượng và môi trường Bách Khoa Hà Nội)
- HC Đồng, Giải đặc biệt của KIPA thuộc về công trình “Nghiên cứu, chế tạo thiết bị thi công khoan hạ cọc ống thép phù hợp với điều kiện thi công ở khu vực đảo Trường Sa” của nhóm tác giả: Trần Hữu Lý, Bùi Đức Nho, Đặng Nhật Tân (Viện kỹ thuật Cơ giới quân sự, Bộ Quốc Phòng).