Việt Nam sẵn sàng chuyển giao kỹ thuật trồng lúa cho các nước châu Phi
Trong một cuộc hội thảo quốc tế trực tuyến về an ninh lương thực và dinh dưỡng tổ chức vào cuối tháng 5 vừa qua, ông Rémi Nono Womdim, Trưởng đại diện Tổ chức Lương thực và nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) tại Việt Nam cho biết, thế giới đang phải chứng kiến giá lương thực tăng cao, đói nghèo đang quay trở lại và trầm trọng hơn ở châu Phi. Thống kê của FAO cho thấy, năm 2020 có 282 triệu người châu Phi rơi vào cảnh thiếu lương thực, tăng 89 triệu người so với năm 2014.
Tình trạng mất an ninh lương thực gia tăng được chỉ ra do nhiều yếu tố kết hợp như: tác động của đại dịch COVID-19; xung đột và các vấn đề nhân đạo khẩn cấp khác; bệnh dịch trên cây trồng và vật nuôi; tác động của biến đổi khí hậu...
Đáng lưu ý, Đông Phi hiện đang phải đối mặt với tình trạng hạn hán nghiêm trọng nhất trong vòng 40 năm qua. Từ năm 1981 nhiệt độ tại khu vực này ngày càng gia tăng và đang cao chưa từng có trong khi lượng mưa rất thấp. Hậu quả đối với người dân vốn đã trầm trọng lại càng trầm trọng hơn.
Ông Kaloyan Kolev, đại diện Tổ chức Pháp ngữ tại châu Á - Thái Bình Dương (OIF) nhận định, vấn đề mất an ninh lương thực đang đe dọa đến việc thực hiện mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của châu Phi.
"Việt Nam là một hình mẫu mà châu Phi đang học hỏi để phát triển, đặc biệt là trong cuộc chiến xóa đói giảm nghèo và phát triển nông nghiệp. Với những chính sách của chính phủ qua các thời kỳ, Việt Nam hiện nay đã trở thành một trong những nước xuất khẩu lớn về các sản phẩm nông sản như gạo, tiêu, điều... và vẫn còn nhiều lĩnh vực tiềm năng để có thể phát triển hợp tác với châu Phi", ông Kaloyan Kolev nói.
GS.TS Võ Tòng Xuân - người được mệnh danh là "Doctor Rice" vì những đóng góp của ông trong phát triển ngành lúa gạo, từng tiên phong đưa nông dân Đồng bằng sông Cửu Long sang "cầm tay chỉ việc" hướng dẫn nông dân một số nước châu Phi trồng lúa. Ông cho biết, ở châu Phi, lương thực nằm chính ở trong đất, lại có sẵn nguồn nhân lực dồi dào, đặc biệt là những người trẻ rất mong được làm việc, chỉ cần trang bị cho họ kỹ năng, công cụ, công nghệ để sản xuất.
GS.TS Võ Tòng Xuân phát biểu tại hội thảo. |
Vị chuyên gia kể: "Chúng tôi đã chuyển giao nhiều giống lúa khác nhau từ Việt Nam cho một số nước châu Phi. Ở Mozambique, nông dân bản địa nói với chúng tôi rằng đất của họ phải bỏ hoang vì không biết khai thác thế nào. Nhưng nhờ các kỹ thuật viên, chuyên gia Việt Nam sang hướng dẫn, họ trồng được giống lúa cho năng suất cao, mẫu mã đẹp.
Thách thức lớn nhất cho sản xuất nông nghiệp ở châu Phi chính là nước. Châu Phi không có hệ thống tưới tiêu mà chỉ trông chờ vào nước mưa. Năm 2012, chúng tôi đến Cameroon, có rất nhiều diện tích đất nông nghiệp bị bỏ hoang vì không có nước tưới tiêu. Chúng tôi nói sẽ chuyển giao kiến thức, kỹ thuật để các bạn có nước tưới tiêu. Tương tự, ở Sudan, khi có nước có thể trồng được nhiều loại lúa đẹp, năng suất 8,5 tấn/ha".
GS.TS Võ Tòng Xuân trao đổi với nông dân Sierra Leone. Ảnh: SGTT |
Từ những chuyến đi châu Phi, GS.TS Võ Tòng Xuân kết luận, nếu được chỉ dạy, nông dân châu Phi có thể làm nông nghiệp rất tốt. Điều đáng tiếc là ông không thể mở rộng được những hợp tác như trên vì chưa có cơ chế, mà yếu tố tiên quyết là ý chí chính trị.
"Sử dụng giống lúa ngắn ngày, năng suất cao, có hệ thống thủy lợi tưới tiêu, chúng ta hoàn toàn có thể làm được 3 vụ trong một năm ở châu Phi. Như thế sẽ đóng góp tích cực vào an ninh lương thực ở châu Phi và trên khắp thế giới.
Chúng ta không có tiền để viện trợ cho các nước châu Phi, nhưng chúng ta có kinh nghiệm, công nghệ, kỹ thuật trồng lúa có thể chuyển giao. Tôi rất mong các tổ chức quốc tế như OIF và các tổ chức khác cùng chung tay để hỗ trợ các nước châu Phi. Nếu có thêm một bên nữa tham gia để hỗ trợ cho châu Phi, nhất là về tài chính, thì chúng ta hoàn toàn có thể hiện thực hóa tất cả những nỗ lực này", GS.TS Võ Tòng Xuân kết luận.
Theo số liệu của Viện Nghiên cứu châu Phi và Trung Đông, trong 20 năm qua, Việt Nam đã cử hơn 2.000 chuyên gia nông nghiệp sang giúp các nước châu Phi trồng lúa, ngô và nuôi cá dưới hình thức hợp tác ba bên như: FAO-châu Phi-Việt Nam, IFAD-châu Phi-Việt Nam hoặc JICA-châu Phi-Việt Nam… Các chương trình hợp tác đã gặt hái được một số thành công nhất định, giúp năng suất trồng lúa và nuôi cá của một số nước châu Phi tăng lên đáng kể.
PGS. TS. Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS): Một trong những tài sản quan trọng của châu Phi là dân số trẻ, năng động và chăm chỉ, nhiều người trong số họ sống bên ngoài khu vực đô thị, trên đất nông nghiệp màu mỡ và có nguồn tài nguyên thiên nhiên giàu có. Do đó các khoản đầu tư của châu Phi cần được điều chỉnh cho phù hợp với chăn nuôi gia đình quy mô nhỏ và hệ thống nông sản, thực phẩm phải bảo vệ được sức khỏe con người và môi trường. Đồng thời châu Phi cần cải thiện an ninh lương thực và dinh dưỡng, giảm thiểu tác hại của môi trường đối với nông nghiệp. Người châu Phi được giáo dục tốt thì sẽ giống như hàng chục nghìn nhà nông học, họ cần được tôn trọng hơn, có công việc phù hợp với năng lực của mình, thu nhập cao hơn và cần phải được "cầm lái'. Họ có những hiểu biết độc đáo về điểm mạnh và điểm yếu của nông nghiệp địa phương và hoàn toàn có thể góp phần vào xây dựng chính sách nông nghiệp của quốc gia. |