Liên hợp quốc cảnh báo khủng hoảng lương thực toàn cầu nghiêm trọng
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres (Ảnh: Reuters) |
Chiến sự tại Ukraine có thể gây ra tình trạng thiếu hụt lương thực toàn cầu trong những tháng tới và kéo dài nhiều năm, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cảnh báo.
Phát biểu trong cuộc họp báo tại Stockholm, ông Guterres cho rằng cần chấm dứt xung đột ngay bây giờ vì không chỉ gây thiệt hại tại Ukraine mà xung đột còn làm bùng lên một cuộc khủng hoảng đa tầng trên toàn thế giới, trong đó 3 lĩnh vực chịu áp lực chính là lương thực, năng lượng và tài chính, trực tiếp ảnh hưởng tới những người dân, những quốc gia và những nền kinh tế yếu ớt nhất. Ông Guterres nhấn mạnh cần có những hành động nhanh chóng và kiên quyết để đảm bảo nguồn cung ổn định các loại lương thực và năng lượng cho toàn thế giới, thông qua những biện pháp như dỡ bỏ hạn chế xuất khẩu, phân bổ nguồn cung dư thừa và nguồn dự trữ cho những nhóm dân số dễ chịu tổn thương, khắc phục tình trạng tăng giá lương thực để ổn định thị trường.
Theo Tổng thư ký LHQ, không có giải pháp hiệu quả giúp tháo gỡ cuộc khủng hoảng lương thực nếu không đưa ngành sản xuất lương thực của Ukraine hay ngành sản xuất thực phẩm và phân bón Nga trở lại chuỗi cung ứng toàn cầu. Nga và Ukraine là các quốc gia sản xuất ngũ cốc hàng đầu thế giới, đảm đương khoảng 30% nguồn cung lúa mỳ toàn cầu. Ông Guterres cũng bày tỏ hy vọng sẽ đạt được giải pháp để giảm thiểu tác động của cuộc xung đột tại Ukraine tới các nguồn cung lương thực toàn cầu nhưng cho rằng việc tìm được một giải pháp rất phức tạp khi mọi thứ liên kết với nhau.
Trước đó, trong phiên họp ngày 18/5 tại New York, Mỹ; ông Antonio Guterres cho rằng chiến sự tại Ukraine làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực ở các nước nghèo do giá cả leo thang. "Cuộc xung đột có thể đẩy hàng chục triệu người tới bờ vực thiếu hụt lương thực quy mô lớn", ông nhận định, nói thêm rằng nhiều nước sẽ đối mặt nạn đói trong nhiều năm nếu xuất khẩu lương thực của Ukraine không được khôi phục về mức trước chiến sự.
Tổng thư ký Guterres cho rằng giải pháp hữu hiệu cho khủng hoảng lương thực là đưa Ukraine trở lại vào chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu, cũng như khôi phục nguồn cung phân bón của Nga và Belarus với thị trường thế giới. Ông cho biết đang "liên hệ tích cực" với Nga và Ukraine, cũng như Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) nhằm nỗ lực khôi phục hoạt động xuất khẩu lương thực về mức bình thường.
Phát biểu được người đứng đầu LHQ đưa ra cùng ngày Ngân hàng Thế giới (WB) công bố gói viện trợ bổ sung trị giá 12 tỷ USD cho các dự án giải quyết tình trạng lương thực hiện nay, nâng tổng đầu tư cho loạt dự án này lên 37 tỷ USD trong 15 tháng tới.
Xung đột đã làm tê liệt hệ thống cảng biển của Ukraine, nơi từng xuất khẩu lượng lớn dầu hướng dương cũng như các loại ngũ cốc như ngô và lúa mì. Tình trạng này làm giảm nguồn cung và khiến giá các mặt hàng thay thế tăng cao. Theo LHQ, giá lương thực toàn cầu tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nga và Ukraine cung cấp khoảng 30% nhu cầu lúa mì toàn cầu. Ukraine từng được cho là "vựa bánh mì của thế giới" với 4,5 triệu tấn nông sản xuất khẩu mỗi tháng qua các cảng biển.
Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu của Ukraine lao dốc khi chiến sự bùng phát, khiến giá thực phẩm leo thang. Giá lương thực tăng thêm sau khi Ấn Độ tuyên bố ngừng xuất khẩu lúa mì ngày 14/5.
LHQ ước tính khoảng 20 triệu tấn ngũ cốc đang mắc kẹt ở Ukraine từ vụ thu hoạch trước. Nếu được thông quan, số lương thực này có thể giảm bớt áp lực lên thị trường lương thực toàn cầu.