Việt Nam phát triển kinh tế trên nền tảng vững chắc
Với tiêu đề "Phát triển kinh tế trên nền tảng vững chắc," nhà báo Gerhard Feldbauer đã có bài viết trên báo Thế giới trẻ (Junge Welt) của Đức ghi nhận tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của Việt Nam trong 2 năm đại dịch COVID-19, trong khi đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng đang tăng mạnh.
Bài báo dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam công bố tuần trước cho biết có tới 85% số doanh nghiệp được hỏi bày tỏ lạc quan vào quý III/2022, chỉ có 15% thể hiện bi quan trong những tháng tới. Đặc biệt, trong số 6.500 công ty trong lĩnh vực sản xuất và 6.800 công ty xây dựng tham gia khảo sát, có khoảng 20% số công ty cho biết sẽ tăng số nhân viên trong quý hiện nay và chỉ có 9,3% số công ty có ý kiến ngược lại.
Báo Thế giới trẻ (Junge Welt) đăng bài viết đánh giá cao sự phát triển kinh tế của Việt Nam (Ảnh: TTXVN). |
Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, nhu cầu lớn về vật liệu xây dựng trong khi sản lượng thép giảm ở Trung Quốc đã khiến giá thép trong nước tăng mạnh. Giá xăng tăng cao (vốn khiến giá các vật liệu khác tăng theo) càng khiến tình hình "nóng" hơn và đẩy giá xây dựng lên cao. Tuy nhiên, nhiều biện pháp quyết liệt đã được áp dụng nhằm ổn định giá vật liệu, thúc đẩy các dự án xây dựng và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn.
Bài báo nhận định Việt Nam dường như đã vượt qua một cách tốt đẹp những khó khăn của nền kinh tế thế giới do xung đột ở Ukraine gây ra. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý II/2022 đã tăng 7,72% so với cùng kỳ năm 2021, tăng mạnh từ mức 5,05% của quý I/2022. Kết quả khả quan này chủ yếu nhờ vào xuất khẩu tăng mạnh. Trong tháng 6/2022, xuất khẩu của Việt Nam đã tăng 20% so với cùng kỳ năm 2021.
Tuy nhiên, các tổ chức cũng đưa ra cảnh báo rủi ro cho nền kinh tế Việt Nam. Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng, triển vọng tích cực nói trên vẫn phụ thuộc vào những rủi ro đang gia tăng, bao gồm tăng trưởng chậm lại hoặc lạm phát ở những thị trường xuất khẩu chủ lực, cú sốc giá cả hàng hóa thế giới tiếp tục diễn ra, các chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục bị gián đoạn hoặc các biến chủng COVID-19 mới tiếp tục xuất hiện. Bên cạnh đó còn có những thách thức trong nước, bao gồm thiếu hụt lao động, rủi ro lạm phát gia tăng và rủi ro cao hơn trong khu vực tài chính.
Trong bối cảnh quá trình phục hồi trong nước mới chỉ bắt đầu, triển vọng về nhu cầu trên toàn cầu đang yếu đi, rủi ro lạm phát gia tăng, báo cáo của WB khuyến nghị các cấp có thẩm quyền cần chủ động ứng phó.
Trước mắt, liên quan đến chính sách tài khóa, trọng tâm nên nhằm vào tập trung triển khai gói chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế, đồng thời mở rộng mạng lưới an sinh xã hội có mục tiêu nhằm giúp người nghèo và những người dễ tổn thương chống đỡ tác động của cú sốc giá nhiên liệu cũng như lạm phát gia tăng.
Bốc dỡ container tại cảng Hải Phòng (Ảnh: An Đăng/TTXVN). |
Trong khu vực tài chính, WB khuyến nghị cần theo dõi chặt chẽ và tăng cường công tác báo cáo và dự phòng nợ xấu đồng thời ban hành cơ chế xử lý tình trạng mất khả năng trả nợ.
Cũng theo chuyên gia WB, nếu rủi ro lạm phát gia tăng trở thành hiện thực (khi lạm phát cơ bản tăng tốc và chỉ số giá tiêu dùng vượt quá mục tiêu 4% do Chính phủ đặt ra) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nên sẵn sàng chuyển sang thắt chặt tiền tệ nhằm kiềm chế áp lực lạm phát bằng cách tăng lãi suất và thắt chặt cung tiền.
Tờ Thế giới trẻ của Đức cũng cảnh báo, việc giá cả tăng lên có thể dẫn tới nguy cơ kìm hãm đà tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam.
Năm 2030 du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển theo hướng tăng trưởng xanh Đó là khẳng định được rút ra tại Hội thảo “Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045” ngày 9/8 tại TP Hồ Chí Minh. |
Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng - Nền móng vững chắc cho phát triển bền vững Ngày 16/8 tại Buôn Ma Thuột, Tổng cục Phòng, chống thiên tai (VNDMA), Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh Xã hội Việt Nam (AFV) và Văn phòng Đại diện ActionAid Quốc tế tại Việt Nam đã phối hợp tổ chức Hội thảo tham vấn cấp vùng “Hướng dẫn Lồng ghép Quản lý rủi ro thiên tai Dựa vào cộng đồng vào Kế hoạch Phát triển Kinh tế xã hội của địa phương”. |