Việt Nam - Ma-rốc: Đẩy mạnh hợp tác thương mại và đầu tư
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Kỳ họp. Cùng tham dự có Đại sứ Việt Nam tại Ma-rốc Đặng Thị Thu Hà, đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Công Thương (Cục Hóa chất, Cục Xuất nhập khẩu, Vụ Thị trường châu Á – châu Phi) và Chủ tịch Tập đoàn Hoá chất Việt Nam.
Quang cảnh Kỳ họp lần thứ nhất Tiểu ban Hợp tác về Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – Ma-rốc. |
Tại Kỳ họp, hai bên đã kiểm điểm lại tình hình và đánh giá những kết quả đạt được trong hợp tác thương mại và công nghiệp giữa hai nước kể từ năm 2019, đồng thời xác định một số lĩnh vực hợp tác chiến lược của hai bên. Các mặt hàng tiềm năng của Ma-rốc gồm: phân bón, phốt phát và các sản phẩm từ phốt phát, hóa chất, máy móc, dụng cụ, thiết bị điện và linh kiện, gạch men, các loại bột mì, bột và bột nén dạng viên, cá, các sản phẩm từ quả ô-liu…; phía Việt Nam xác định các mặt hàng nhiều tiềm năng gồm cà phê, hạt tiêu, hàng hải sản, hàng dệt may, giày dép, sợi, máy móc và thiết bị điện, sản phẩm cơ khí và thực phẩm chế biến, sắt thép và các sản phẩm từ sắt thép, gạch men...
Ông MOUCHARRAF Taoufiq, Tổng Thư ký Bộ Công Thương Ma-rốc ghi nhận sự tăng trưởng về trao đổi thương mại giữa hai nước trong những năm gần đây, mặc dù cán cân thương mại đang nghiêng về phía Việt Nam, xuất khẩu của Ma-rốc sang Việt Nam còn hạn chế. Ông MOUCHARRAF Taoufiq đề nghị hai bên cùng phối hợp chặt chẽ để phát triển hơn nữa quan hệ thương mại, hợp tác công nghiệp, xây dựng mối quan hệ đối tác lâu dài trên cơ sở hai bên cùng có lợi.
Hai bên đã thảo luận và thống nhất một số định hướng, giải pháp, kế hoạch hoạt động cho quan hệ hợp tác giữa hai nước trong giai đoạn hậu Covid-19, khuyến khích khai thác các cơ hội hợp tác cả về thương mại và đầu tư trong các ngành sản xuất hóa chất, khai khoáng và sản xuất phân bón, công nghiệp điện tử và cơ khí, ô tô, dệt may, giày dép... Hai bên nhất trí sẽ phối hợp để tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động hợp tác của các doanh nghiệp.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đánh giá cao những tiềm năng, thế mạnh của Ma-rốc, khẳng định mong muốn nhập khẩu nhiều hơn từ Ma-rốc các mặt hàng mà Việt Nam đang có nhu cầu như phốt phát, phân bón, hóa chất, nguyên phụ liệu dệt may, da giày, dầu thực vật… và sẽ tổ chức các đoàn doanh nghiệp sang Ma-rốc để tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư.