Việt kiều ở Pháp -"Binh chủng đặc biệt" tại Hội nghị Paris
Việt kiều cùng bạn bè Pháp vẫy cờ trên đường phố chung quanh Trung tâm Hội nghị quốc tế Kléber vào ngày ký kết Hiệp định Paris. (Ảnh: Lê Xuân Tấn) |
Hội nghị Paris có thời gian đàm phán dài gần 5 năm. Trong thời gian đó, Việt kiều tại Pháp đã trở thành lực lượng hùng hậu hỗ trợ hai đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Nhìn lại quá trình tham gia của cộng đồng yêu nước tại Pháp, ông Nguyễn Văn Bổn, nguyên Chủ tịch đặc trách đối ngoại của Hội người Việt Nam tại Pháp, nhận định: Đây là điều chưa từng thấy trong lịch sử của các hội nghị đàm phán quốc tế. Việt kiều tại Pháp vinh dự được tham gia vào công việc của hai đoàn. Có thể ví đây như "cơ hội vàng" đối với phong trào yêu nước tại Pháp, được thể hiện tinh thần "sát cánh, đồng lòng và một lòng vì đất nước". Hàng trăm thành viên của Hội Liên hiệp Việt kiều tại Pháp đã tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp trên bàn đàm phán cũng như sau hậu trường, lo chu toàn cho cuộc sống hằng ngày của đoàn đàm phán.
Có một số thành viên của Hội Liên hiệp Việt kiều, năm 1976 đổi tên thành Hội người Việt Nam tại Pháp, là thành viên của hai đoàn đàm phán và tham gia các hoạt động của đoàn. Đó là những người đã tạm ngừng việc kiếm sống để tham gia các công việc đòi hỏi yêu cầu cao cả về kiến thức và chính trị, sử dụng nhuần nguyễn hai thứ tiếng Việt và Pháp, thông thạo nghiệp vụ thông tin và báo chí, có bản lĩnh ứng xử, phiên dịch tốt... Những công việc này diễn ra liên tục trong suốt mấy năm liền và họ trở thành những gương mặt thân quen trong thời gian đàm phán, nhất là với các phóng viên báo chí quốc tế.
Lãnh đạo và các thành viên của hai đoàn đám phán đến thăm Trụ sở của Hội người Việt Nam tại Pháp sau khi ký Hiệp định Paris và cảm ơn sự đóng góp quý báu của kiều bào. (Ảnh: Lê Xuân Tấn) |
Khó có thể thống kê được hết số lượng Việt kiều đã tham gia các hoạt động trong thời gian đàm phán, vì có cả những người tham gia trực tiếp ở vòng trong và vòng ngoài. Và có cả những người thầm lặng đóng góp cho các hoạt động phục vụ đoàn đàm phán và vận động dư luận ở cả vùng thủ đô Paris và tại các tỉnh, thành phố trên khắp nước Pháp.
Vận động sự ủng hộ của bạn bè Pháp và quốc tế cũng là công việc rất quan trọng. Đó là tổ chức hay tham gia các cuộc biểu tình, mít-tinh với các bạn nước ngoài ở Pháp và tại một số nước lân cận để thu hút sự ủng hộ đối với lập trường đàm phán của hai đoàn Việt Nam. Đó là những ngày Việt kiều xuống đường tuần hành, đặc biệt là các đợt diễu hành, biểu tình đòi Mỹ phải từ bỏ chính sách dùng vũ lực, cũng như kiên quyết đòi chính quyền Sài Gòn phải trả tự do cho tù nhân chính trị.
Không chỉ có vậy, các thành viên trong phong trào yêu nước tại Pháp cũng đã tổ chức nhiều hoạt động để cung cấp thông tin, vận động bà con chưa quan tâm đến tình hình đất nước. Kết quả là có thêm rất nhiều người hưởng ứng phong trào đấu tranh vì hòa bình của đất nước, hay thậm chí thu hút được cả những người ủng hộ chính quyền Sài Gòn nhận ra rằng cuộc đấu tranh ở Việt Nam là cuộc đấu tranh chính nghĩa của một dân tộc quyết giành lại độc lập, tự do…
Có rất nhiều hoạt động ý nghĩa của Việt kiều tại Pháp đã đóng góp vào thành công của đàm phán Hiệp định Paris. Mỗi người một việc, kể cả bí mật hay công khai như việc đi xin chữ ký ủng hộ chấm dứt chiến tranh Việt Nam, vận động và tham gia các cuộc mít-tinh ủng hộ đoàn Việt Nam.
Từ các hoạt động của Việt kiều yêu nước, phong trào đấu tranh vì hòa bình của Việt Nam tại Pháp ngày càng lan rộng. Kết quả vượt xa mong đợi, vừa hỗ trợ và chăm lo chu đáo cho hai đoàn đàm phán, đồng thời khẳng định vai trò của một cộng đồng yêu nước cùng các bạn Pháp và quốc tế lan tỏa tinh thần đấu tranh đòi chấm dứt cuộc chiến tranh phi nghĩa, lập lại hòa bình cho Việt Nam.
Đóng góp của phong trào yêu nước của cộng đồng người Việt Nam tại Pháp đã góp phần rất ý nghĩa vào chiến thắng trong cuộc đàm phán ký kết Hiệp định Paris. Binh chủng đặc biệt này tiếp tục các hoạt động đối ngoại, vận động sự ủng hộ của nhân dân Pháp sau ngày ký kết, cho đến khi giải phóng miền Nam và tiếp đó là trong công cuộc tái thiết và phát triển đất nước.
Cũng như đông đảo bà con Việt kiều hân hoan khi Hiệp định Paris được ký kết, ông Đoàn Hữu Trung, người thường xuyên qua lại gặp gỡ, giúp đỡ đoàn, đã làm những vần thơ và đọc lại mỗi khi có dịp ôn lại kỷ niệm xưa:
Chúng ta hôm nay tiến về phía trước
…
Bao nhiêu lần lồng lộn đảo điên, hôm nay đế quốc cúi đầu ký giấy
Làm sao quên được ngày hôm ấy
...
… Cả triệu tiếng chào
Chào Việt Nam thân mến, chào các đồng chí thành công
Việt Nam độc lập muôn năm!
Cách đây 50 năm, hầu hết Việt kiều sang Pháp là những thanh niên tuổi mới ngoài đôi mươi, tập hợp dưới mái nhà chung với tên gọi Liên hiệp Việt kiều tại Pháp. Cùng với thời gian, số người tham gia trực tiếp giúp đỡ hai phái đoàn Việt Nam hay tham gia các hoạt động khác ủng hộ đàm phán giờ không còn nhiều. Thành công của Hiệp định mãi là một kỷ niệm đẹp và đầy tự hào mãi không quên đối với những Việt kiều từng góp công trong thời gian đàm phán và cả thế hệ tiếp nối phong trào yêu nước tại Pháp.
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình gửi thông điệp tri ân các nhân chứng lịch sử của Hiệp định Paris Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27/1/1973 - 27/1/2023), bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao, nguyên Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã gửi thông điệp đến các nhân chứng lịch sử của quá trình đàm phán, ký kết Hiệp định lịch sử này. |
Hiệp định Paris truyền tải thông điệp hòa bình Cách đây 50 năm, những người bạn quốc tế với nhiều hình thức đã góp tiếng nói ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của Việt Nam. Đến thăm Việt Nam sau nửa thế kỷ, những người bạn, những nhân chứng lịch sử quá trình đàm phán, ký kết Hiệp định Paris năm xưa đã được chứng kiến nhiều đổi thay tích cực trên dải đất hình chữ S. Đất nước Việt Nam xinh đẹp, phát triển năng động, người dân Việt Nam tự do, hạnh phúc là những minh chứng cho giá trị của hòa bình. |