Văn hóa kết nối, thúc đẩy hòa bình
Đa dạng văn hóa - tài sản chung của nhân loại
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Quốc hội Việt Nam Trịnh Xuân An, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, Phó chủ tịch Nhóm đại biểu Quốc hội trẻ nhấn mạnh quan điểm, đa dạng văn hóa là nền tảng quan trọng cho sự thúc đẩy văn hóa trong phát triển bền vững và thịnh vượng của các quốc gia.
"Trong bối cảnh toàn cầu hóa, các quốc gia cần tiếp tục giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa riêng, có sự tôn trọng lẫn nhau về sự đa dạng văn hóa giữa các quốc gia – dân tộc; đồng thời chia sẻ lẫn nhau, chắt lọc, phát huy tinh hoa văn hóa chung của nhân loại để cùng phát triển. Việc bảo đảm nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau sẽ đưa các quốc gia, các nền văn hóa cùng hợp tác, đối thoại, xây dựng niềm tin và chia sẻ để cùng tồn tại và phát triển thay vì tạo ra những xung đột và mâu thuẫn trong bối cảnh rất phức tạp hiện nay", đại biểu Trịnh Xuân An nói.
Đại biểu tham dự phiên thảo luận chuyên đề 3: “Thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa vì sự phát triển bền vững” (Ảnh: Quochoi.vn) |
PGS.TS- Đại biểu Quốc hội Việt Nam Bùi Hoài Sơn- Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết: Tại Tuyên ngôn thế giới về đa dạng văn hóa 2001, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp quốc (UNESCO) khẳng định đa dạng văn hóa là tài sản chung quý giá của nhân loại, cần thiết đối với nhân loại như đa dạng sinh học đối với tự nhiên, là khởi nguồn cho giao lưu, đổi mới và sáng tạo.
Bên cạnh đó, đa dạng văn hóa có vai trò quan trọng đối với việc thực hiện đầy đủ các quyền con người và các quyền tự do cơ bản, nâng cao vai trò và địa vị của phụ nữ trong xã hội, tạo sự gắn kết, hòa hợp xã hội, vì vậy cần lồng ghép đa dạng văn hóa như một yếu tố có tính chiến lược vào các chính sách phát triển quốc gia và quốc tế, thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc…
Thông tin đến nghị sĩ, đại biểu các nước, đại biểu Bùi Hoài Sơn cho biết: Việt Nam là đất nước có bề dày lịch sử và văn hóa truyền thống hàng ngàn năm. Văn hóa Việt Nam có sự thống nhất trong đa dạng, là sự hòa quyện, kết tinh giữa bản sắc văn hóa 54 dân tộc anh em. Cộng đồng 54 dân tộc trên đất nước Việt Nam đều chung một ý thức quốc gia - dân tộc, đều chung sức, đồng lòng, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.
Nhà nước Việt Nam đã, đang thực thi và không ngừng hoàn thiện thể chế, chính sách theo phương châm xuyên suốt “lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng, bảo đảm sự phát triển bền vững”.
Phát biểu tại phiên thảo luận, Nghị sĩ Lào thông tin: Lào cũng đã có những quy định pháp luật để bảo tồn, bảo vệ sự đa dạng văn hóa của đất nước (cụ thể như các ngành du lịch văn hóa, di sản văn hóa…) nhằm duy trì và phát huy bản sắc văn hóa Lào và khơi dậy lòng yêu nước của thế hệ trẻ.
Nghị sĩ Lào tin tưởng, Hội nghị hôm nay sẽ là cơ hội để các nghị sỹ trẻ toàn cầu có thể cùng trao đổi kinh nghiệm của mình trong giao lưu nhân dân, giao lưu văn hóa, góp phần nâng tầm quan hệ hợp tác giữa các nước phát triển bền vững.
Văn hóa kết nối hòa bình
Chia sẻ về văn hóa của Indonesia tại phiên họp, nghị sĩ Indonesia cho biết, quốc gia này có sự đa dạng văn hóa cao, với nhiều dân tộc và hàng trăm ngôn ngữ. Indonesia là một trong những quốc gia đa dạng văn hóa nhất trên thế giới. Sự đa dạng văn hóa, tôn giáo được thống nhất trên nền tảng nguyên tắc thống nhất trong đa dạng. Tuy có nhiều khác biệt văn hóa nhưng người dân Indonesia luôn có sự gắn kết, tận dụng tri thức địa phương để phát triển đất nước.
Mặt khác, cũng theo nghị sĩ Indonesia, các mục tiêu phát triển bền vững luôn là một phần trong nền văn hóa, triết lý phát triển của người Indonesia. Dựa trên triết lý đó, Indonesia đã nỗ lực hướng tới các mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, thúc đẩy giáo dục, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, duy trì đa dạng sinh học. Những mục tiêu này liên kết chặt chẽ với nhau để mang lại hòa bình, hợp tác cho các quốc gia, khu vực.
Tại phiên thảo luận, nghị sĩ Campuchia chia sẻ, Campuchia là một trong những quốc gia có sự đa dạng văn hóa và đa dạng dân tộc thiểu số rất lớn, vì vậy Campuchia đã thúc đẩy đa dạng văn hoá và đa dạng dân tộc thiểu số rất mạnh mẽ vì sự phát triển của đất nước, hoà bình và hoà hợp của xã hội.
Đại biểu cho rằng: khu vực quốc tế có một số sự hiểu nhầm về giá trị văn hoá. Một số nền văn hóa khác có sự phát triển tụt lùi, thiếu văn minh. Do đó, Hội nghị là một cơ hội để các nghị sĩ cùng nhau chia sẻ về giá trị của văn hoá, từ đó thu hẹp khoảng cách trong xã hội, trong văn hóa và thúc đẩy hoà bình, đảm bảo lợi ích xã hội, quốc gia và thế giới.
Các đại biểu đoàn Việt Nam tại phiên thảo luận (Ảnh: Quochoi.vn) |
Nghị sĩ Armenia khẳng định các nghị sĩ trẻ có hệ tư tưởng, ý tưởng mới cần phải đóng vai trò quan trọng trong những tiến trình khu vực và thế giới để có thể ứng phó với khủng hoảng nhân đạo đang phải đối diện tại nhiều khu vực. Người trẻ ở những khu vực đó đang chịu nhiều khó khăn, thách thức trong việc tiếp cận với nền giáo dục cần thiết cũng như đảm bảo nền giáo dục của mình.
Nghị sĩ Armenia cho rằng nghị trẻ cần phải kêu gọi để gây áp lực đối với các bên liên quan nhằm đề cao tôn trọng nhân quyền và đa dạng văn hóa.
Ông Kamal Ait Mik, Thành viên Hạ viện Maroc và Thành viên Ban lãnh đạo Diễn đàn Nghị sĩ trẻ IPU nhấn mạnh: việc đối thoại liên tôn giáo, liên văn hóa, thúc đẩy đa dạng văn hóa là rất cần thiết, đặc biệt, cần hướng tới những người yếu thế như phụ nữ, trẻ em, những người di cư, thanh niên, người tàn tật. Trong Hội nghị này, chúng ta hướng tới đối tượng thanh niên, những chủ thể của tương lai, đóng vai trò quan trọng và cần có những vị trí tốt hơn nữa trong xã hội.