Tổng cục cảnh sát Nhật Bản trao bằng khen Tổ chức giao lưu quốc tế Việt Nam – Nhật Bản (FAVIJA)
Qua đó, phía cảnh sát Nhật Bản cũng mong muốn FAVIJA tiếp tục hợp tác, phối hợp điều tra, cung cấp thông tin và truy bắt tội phạm, cung cấp nhân lực biên phiên dịch hỗ trợ các tài liệu liên quan đến pháp luật, đường dây giải đáp pháp luật đa ngôn ngữ, hỗ trợ các vụ án dân sự và hình sự cho sở cảnh sát Tokyo và các sở cảnh sát địa phương.
Phía cảnh sát Nhật Bản cũng cho biết: Quốc hội Nhật Bản đang thông qua chính sách cải tổ hệ thống tiếp nhận thực tập sinh, du học sinh, kỹ sư… người nước ngoài theo hướng thuận lợi cho người lao động hơn. Người lao động khi tới Nhật Bản làm việc, nếu công ty sử dụng người lao động ban đầu không đáp ứng được nguyện vọng của người lao động hoặc không thực hiện đúng như cam kết ban đầu, bị ngược đãi… thì người lao động có thể chuyển việc sang một công ty khác mà không phải về nước.
Tổng cục cảnh sát Nhật Bản trao bằng khen Tổ chức giao lưu quốc tế Việt Nam – Nhật Bản (FAVIJA). |
Việc này cũng hạn chế được những hành vi bắt nạt hoặc chèn ép người lao động của không ít các công ty phái cử và nghiệp đoàn lao động. Có được điều đó thì mới có thể hạn chế được việc người lao động phải bỏ trốn ra ngoài cư trú và lao động bất hợp pháp. Các chính sách khác như: miễn hoặc giảm thuế thu nhập, thuế cư trú.. cho người lao động nước ngoài, du học sinh làm thêm.. cũng đang được quốc hội Nhật Bản xem xét.
Đại diện FAVIJA, ông Đỗ Quang Ba bày tỏ lòng cảm ơn tới tổng cục cảnh sát đã tạo cơ hội cho FAVIJA thực hiện được những công việc có ích nhằm hạn chế những cá thể làm ảnh hưởng tới hình ảnh chung của người Việt tại Nhật, tiến tới việc đạt được những yêu cầu phía Nhật đưa ra để chính phủ và quốc hội Nhật Bản thông qua và chấp thuận những chính sách mới có lợi cho cộng đồng người Việt tại Nhật nói riêng và người nước ngoài tại Nhật nói chung. Qua đó xây dựng và củng cố hình ảnh tốt đẹp của người Việt trong mắt người dân Nhật Bản, góp phần tăng cường mối quan hệ hữu hảo không thể tách rời của chính phủ hai nước.
Ông Ba cũng bày tỏ mong muốn phía Cảnh sát Nhật Bản cần can thiệp để thay đổi cách mà các phương tiện thông tin đại chúng của Nhật Bản đưa tin về những vụ phạm tội của người Việt tại Nhật.
Cần có những thông tin giải thích để người dân Nhật Bản hiểu rằng, đó chỉ là một số ít những "con sâu làm rầu nồi canh" mà hầu như ở bất cứ đất nước nào cũng có. Người Việt đa số là người tốt, người Việt tại Nhật cũng đang có những đóng góp to lớn vào việc duy trì và phát triển kinh tế của Nhật Bản. Có không ít những tấm gương người tốt là người Việt tại Nhật đã dũng cảm, không sợ nguy hiểm, không sợ thiệt thòi cho bản thân cứu giúp người Nhật Bản mà ngay cả người Nhật Bản cũng chưa chắc đã làm được.