Tình nghĩa hai bờ Sê San
Vượt dòng Sê San kết nghĩa đôi bờ
Dù cách nhau bởi dòng Sê San, làng Biă (xã Ia Chía, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai, Việt Nam) và làng Phí (xã Sê San, huyện Oyadav, tỉnh Ratanakiri, Campuchia) vẫn luôn gắn bó keo sơn qua nhiều thế hệ. Già làng Siu Tới ở làng Biă từng chia sẻ: “Dòng Sê San không chia cách mà là sợi dây kết nối hai làng. Từ việc cùng uống chung dòng nước mát lành đến việc giúp nhau trong ngày mùa, tình nghĩa giữa Biă và Phí ngày càng thêm bền chặt”.
Lễ kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới giữa làng Biă (xã Ia Chía, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) với làng Phí (xã Sê San, huyện Oyadav, tỉnh Ratanakiri, Vương quốc Campuchia), ngày 5/10/2019. |
Ngày 5/10/2019, làng Biă và làng Phí chính thức kết nghĩa theo mô hình “Kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới”. Hai làng đã thống nhất 12 nội dung thiết thực, bao gồm: bảo vệ đường biên, cột mốc và dấu hiệu vành đai, khu vực biên giới; không làm hư hỏng, xê dịch cột mốc, cọc dấu, dấu hiệu đường biên giới, biển báo khu vực biên giới, vành đai biên giới, vùng cấm. Bảo vệ nguyên trạng, không làm thay đổi dòng chảy sông, suối biên giới; không đắp kè, khơi dòng chảy, khai thác cát, khoáng sản trái phép trên khu vực biên giới ảnh hưởng đến đường biên giới đã phân định, đường biên giới hiện quản. Chấp hành nghiêm các quy định qua lại biên giới, không xâm canh, xâm cư quan biên giới. Không chăn thả gia súc qua biên giới. Không chứa chấp, che giấu, đưa đón, câu móc, dẫn đường cho người vượt biên giới quốc gia trái phép...
Nhờ những nỗ lực này, tình làng nghĩa xóm vốn có từ lâu đời giữa hai làng càng thêm gắn bó. Người dân hai bên không chỉ chia sẻ kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi mà còn tích cực thực hiện các quy định khu vực biên giới. Các dịp lễ, Tết, hai làng cùng tổ chức giao lưu văn hóa, văn nghệ, làm phong phú đời sống tinh thần và củng cố tình hữu nghị.
Chủ tịch UBND xã Ia Chía, ông Rơ Lan Gâu, khẳng định: Thông qua kết nghĩa, việc mua bán, thăm thân, giao lưu giữa hai làng thuận lợi hơn, giúp củng cố niềm tin và xây dựng một vùng biên giới hòa bình, hợp tác cùng phát triển.
Hòa bình, hữu nghị trên đường biên
Cách làng Biă không xa, làng Bi (xã Ia O, huyện Ia Grai) cũng có "mối duyên" đặc biệt với làng Tăng Lôm (xã Nhang, huyện Đun Mia, tỉnh Ratanakiri). Từ năm 2014, hai làng chính thức kết nghĩa và càng thắt chặt quan hệ nhờ sự hỗ trợ của Đồn Biên phòng Pô Cô.
Những câu chuyện về tình nghĩa giữa hai làng luôn cảm động. Năm 2009, trong một trận mưa lũ lớn, khi phương tiện cứu trợ của các chiến sĩ Đồn Biên phòng Pô Cô bị nước cuốn trôi, người dân làng Tăng Lôm đã nhanh chóng huy động lực lượng ứng cứu, bất chấp nguy hiểm. Trước đó, các chiến sĩ Việt Nam từng cứu sống hai đứa trẻ làng Tăng Lôm bị nước lũ cuốn trôi, góp phần củng cố niềm tin và tình nghĩa keo sơn giữa hai bên. Theo già làng Ksor Bơng của làng Bi, những lần hỗ trợ nhau trong hoạn nạn khiến bà con hai làng như anh em một nhà, gắn bó không rời.
Gia Lai có đường biên giới trên đất liền dài khoảng 80,485 km tiếp giáp với tỉnh Ratanakiri - Vương quốc Campuchia. Đây là khu vực có ý nghĩa chiến lược về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Nhờ chính sách đối ngoại hiệu quả, Gia Lai đã vun đắp quan hệ hữu nghị với các tỉnh Đông Bắc Campuchia thông qua nhiều chương trình ý nghĩa: từ tổ chức giao lưu văn hóa, hỗ trợ vật tư y tế trong đại dịch Covid-19, đến việc giúp đỡ cộng đồng người Việt tại Campuchia xây dựng trường học, dạy tiếng Việt và ổn định cuộc sống.
Theo thông tin từ Sở Ngoại vụ Gia Lai, tỉnh hiện có năm làng thuộc hai huyện biên giới Ia Grai, Đức Cơ kết nghĩa với năm làng thuộc hai huyện Oyadav, Đôn Mia, tỉnh Ratanakiri. Lực lượng chức năng và chính quyền địa phương trên địa bàn vùng biên giới luôn tạo điều kiện thuận lợi để người dân hai bên biên giới Việt Nam - Campuchia qua lại thăm thân. Thông qua việc tổ chức sơ kết hoạt động kết nghĩa, giao lưu văn hóa giữa các thôn, làng, bản ở khu vực biên giới, chính quyền và người dân hai bên biên giới đã trao đổi thông tin cho nhau và được tuyên truyền, hiểu rõ các hiệp định, quy chế biên giới; phối hợp tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc, đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý biên giới; tổ chức các hoạt động giao lưu giữa các đồn biên phòng phía Việt Nam với lực lượng bảo vệ biên giới Campuchia. Nhân dân khu vực hai bên biên giới được các lực lượng chức năng hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi để xuất cảnh, nhập cảnh với mục đích thăm thân, trao đổi hàng hóa… đúng theo quy định pháp luật.
Những cái bắt tay giữa làng bản hai bên biên giới không chỉ thể hiện tình làng nghĩa xóm mà còn là cam kết cùng xây dựng một biên giới hòa bình, hữu nghị và phát triển bền vững.