Thủ tướng Phạm Minh Chính: Mong cộng đồng kiều bào tại UAE ngày càng lớn mạnh
Đại sứ Việt Nam tại UAE Nguyễn Mạnh Tuấn và các ý kiến tại cuộc gặp mặt cho biết, cộng đồng người Việt Nam tại UAE có khoảng 5.000 người. Là cộng đồng mới hình thành khoảng 20 năm nay, bà con nhìn chung đều nỗ lực vươn lên, thực hiện tốt pháp luật và hòa nhập tốt với cộng đồng sở tại; luôn đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau với tinh thần "lá lành đùm lá rách" và hướng về quê hương, đất nước, nhất là trong đại dịch COVID-19.
Theo Đại sứ, ngày càng có nhiều lao động Việt Nam có trình độ, tay nghề cao, nhiều nhà hàng Việt Nam, nhiều doanh nghiệp do người Việt Nam làm chủ tại UAE. Nhiều tập đoàn lớn của Việt Nam cũng hiện diện tại nước này. Hiện Hội Người Việt Nam tại UAE, câu lạc bộ doanh nghiệp Việt Nam tại UAE đang được xúc tiến thành lập.
Bà con kiều bào chia sẻ về những khó khăn, thuận lợi về công việc và cuộc sống tại UAE.
Tại buổi gặp mặt, bà con người Việt Nam tại UAE bày tỏ vui mừng, tin tưởng vào tương lai phát triển ngày càng mạnh mẽ của đất nước, cũng như quan hệ tốt đẹp và không ngừng được vun đắp giữa Việt Nam – UAE; tự hào về những cam kết, nỗ lực, đóng góp của Việt Nam cùng thế giới ứng phó biến đổi khí hậu; bày tỏ xúc động trước sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có bà con người Việt tại UAE.
Bà con cũng chia sẻ về những khó khăn, thuận lợi về công việc và cuộc sống tại UAE; nêu một số đề xuất, kiến nghị với mong muốn có nhiều cơ hội hơn đóng góp cho quê hương, tự tin hơn trong cuộc sống, học tập, công tác, làm việc.
Chia sẻ với đại diện kiều bào, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ xúc động, gửi lời thăm hỏi ân cần và những tình cảm ấm áp, tốt đẹp nhất tới toàn thể bà con đang sinh sống, lao động, học tập, công tác tại UAE.
Thủ tướng Chính phủ cho biết quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với UAE thời gian qua phát triển tốt đẹp. Hai bên đều mong muốn đưa quan hệ vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả hơn. UAE coi Việt Nam là đối tác quan trọng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt, năm 2023 kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và UAE.
Về chính trị - ngoại giao, kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 8/1993, hai bên thường xuyên trao đổi đoàn các cấp. Hai nước thường xuyên ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn và tổ chức quốc tế.
Về kinh tế, UAE là đối tác thương mại, đầu tư hàng đầu của Việt Nam tại khu vực Trung Đông với kim ngạch những năm gần đây luôn đạt xấp xỉ 5 tỷ USD, riêng trong 10 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - UAE ước đạt gần 4 tỷ USD, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Hai nước đang đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) và đang hướng tới hoàn tất đàm phán, ký kết Hiệp định. UAE là một trong những nhà đầu tư lớn tại Việt Nam, với 38 dự án đầu tư trực tiếp (FDI) tại Việt Nam với tổng lũy kế vốn đầu tư đăng ký đạt 71,4 triệu USD.
Thủ tướng cho biết qua trao đổi gần đây, Tổng thống UAE khẳng định không có giới hạn với hàng hóa Việt Nam vào UAE và mong muốn hợp tác với phía Việt Nam để triển khai thành lập Trung tâm nghiên cứu của Microsoft tại Việt Nam.
Hợp tác lao động cũng là lĩnh vực quan trọng trong quan hệ song phương khi cao điểm có tới 30.000 lao động Việt Nam tại UAE và phía UAE mong muốn nhận nhiều hơn lao động Việt Nam. Thủ tướng cho rằng cần thúc đẩy hơn nữa hợp tác lao động theo hướng chú trọng cả về số lượng và chất lượng, coi trọng công tác đào tạo.
Đây cũng là những nền tảng để cộng đồng người Việt Nam tại UAE tiếp tục phát triển theo chiều hướng tốt, ngày càng lớn mạnh, phát triển, có vị thế và bản sắc như mong muốn của Đảng, Nhà nước.
Thủ tướng Chính phủ cho biết đề nghị phía UAE tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho cộng đồng người Việt Nam tiếp tục sinh sống, làm việc, hội nhập sâu, đóng góp tích cực vào sự phát triển của UAE cũng như quan hệ hữu nghị hai nước và luôn hướng về quê hương, đất nước.
Thủ tướng khẳng định "Người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam"; Đảng, Nhà nước luôn coi trọng việc củng cố, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết quốc tế, quan tâm, chăm lo, hỗ trợ để bà con ổn định, hội nhập vào xã hội sở tại, giữ gìn ngôn ngữ, bản sắc văn hóa Việt Nam, đồng thời khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để đồng bào đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị Đại sứ quán thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước với người Việt Nam ở nước ngoài, luôn làm tốt công tác lãnh sự, giải quyết tốt các vấn đề pháp lý cho bà con, thực hiện các thủ tục đơn giản, thuận lợi nhất; nắm vững thông tin, dữ liệu đầy đủ về bà con, như địa chỉ của từng người, để liên hệ khi cần thiết, chăm lo kịp thời về đời sống vật chất và tinh thần; tiếp tục quy tụ, gắn kết cộng đồng, phát huy tinh thần đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế, nhất là khi gặp khó khăn, hoạn nạn, "tắt lửa tối đèn", xây dựng cộng đồng ngày càng ổn định và phát triển, gắn kết với cộng đồng người Việt tại các nước vùng Vịnh, giữ gìn bản sắc dân tộc và quê hương, giáo dục con cháu về cội nguồn, duy trì ngôn ngữ tiếng Việt.
"Mục tiêu lớn nhất của Đảng, Nhà nước là xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc, không có ai bị bỏ lại phía sau", Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng chia sẻ, ghi nhận và giải đáp một phần các ý kiến, kiến nghị, nguyện vọng, đề xuất của bà con; cho biết sẽ chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan liên quan tập trung rà soát, nghiên cứu, sớm có giải pháp phù hợp trên tinh thần cầu thị, kịp thời, thấu đáo.