Thị trường có phiên bùng nổ, nhà đầu tư có cần lo "lỡ sóng"?
Thanh khoản thị trường sẽ tiếp tục được cải thiện
Ông Nguyễn Thế Minh Giám đốc Phân tích Khách hàng cá nhân CTCK Yuanta Việt Nam. |
Phiên cuối tuần vừa qua đã hội tụ những sự tích cực của cả thị trường chứng khoán thế giới và Việt Nam. Từ giữa tuần, thị trường Nhật Bản giải tỏa áp lực trong khi các số liệu CPI và Bán lẻ của Mỹ phản ánh nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn khả quan. Nhờ đó, các thị trường chứng khoán thế giới đều tăng mạnh.
Sau nhịp sideways, thị trường Việt Nam cũng hồi phục và xác lập xu hướng tăng mới. Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đã có sự nổi lên trong khi nhà đầu tư nước ngoài mua ròng trong một vài phiên gần đây. Tôi kỳ vọng dòng tiền sẽ còn lan tỏa đồng đều giữa các nhóm cổ phiếu và đặc biệt thanh khoản của thị trường có thể sẽ khôi phục trở lại trong giai đoạn cuối năm.
Top cổ phiếu được mua/bán ròng mạnh nhất trong tuần vừa qua. |
Tất nhiên, sau khi đã trở lại với xu hướng tăng, thị trường sẽ khó tránh khỏi áp lực chốt lời nhẹ đầu tuần tới. Dù vậy, nếu xuất hiện các diễn biến này, chỉ số có thể không giảm đáng kể.
Kháng cự của VN-Index đang ở quanh mốc 1.300 điểm nhưng quan điểm chung là sau mùa kết quả kinh doanh quý II và các số liệu vĩ mô gần đây, khả năng vượt 1.300 điểm vẫn rất có cơ sở. Yếu tố tâm lý có thể tạo ra rung lắc khi hướng đến vùng 1.300 điểm tuy nhiên, tôi vẫn giữ nguyên kỳ vọng VN-Index có thể hướng đến các ngưỡng xa hơn như 1.350-1.400 điểm trong năm 2024.
Những nhóm ngành cần được chú ý tiếp tục là Ngân hàng, Chứng khoán, Vận tải, Công nghệ, Dầu khí, Bán lẻ và Hóa Chất. Với nhóm cổ phiếu Bất động sản, mặc dù dã có sự hồi phục mạnh mẽ trong tuần vừa qua nhưng theo tôi sẽ khó có thể đi nhanh do vẫn còn những khó khăn. Những thay đổi chính sách vẫn cần thêm thời gian để phản ánh vào hoạt động của nhóm Bất động sản. Trước mắt, nhịp tăng của các cổ phiếu Bất động sản chủ yếu dựa trên kỳ vọng của nhà đầu tư.
Nhà đầu tư "lỡ sóng" canh mua giá tốt
Ông Đinh Quang Hinh Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường VNDIRECT. |
Nhiều thông tin hỗ trợ xuất hiện trong tuần qua đã giúp tâm lý nhà đầu tư và dòng tiền trên thị trường chứng khoán cải thiện tích cực.
Đà tăng ấn tượng của thị trường chứng khoán toàn cầu đã gần như xóa sạch mức giảm của phiên “thứ 2 đen tối” vào ngày 5/8 trước đó khi các số liệu kinh tế mới đây tại Mỹ đã đẩy lùi những lo ngại gần đây của thị trường về kịch bản “hạ cánh cứng” của nền kinh tế Mỹ.
Cụ thể, số đơn trợ cấp thất nghiệp lần đầu thấp hơn dự báo và doanh số bán lẻ chứng kiến mức tăng mạnh nhất trong một năm rưỡi đã cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn chưa chệch khỏi quỹ đạo tăng trưởng.
Trong khi đó, lạm phát tiếp tục xu hướng hạ nhiệt, củng cố cho kịch bản Fed hạ lãi suất điều hành trong cuộc họp tháng 9 tới. CPI toàn phần của Mỹ trong tháng 7 tăng 2,9% svck (thấp hơn dự báo là 3,0%) trong khi CPI lõi tăng 3,2% svck (phù hợp dự báo). Sau số liệu lạm phát, chỉ số sức mạnh đồng đô la Mỹ (DXY) đã giảm xuống dưới mức 103 và lợi suất TPCP Mỹ quay đầu giảm nhẹ.
Trong nước, thị trường chứng kiến tỷ giá USD/VND tiếp tục hạ nhiệt và lùi dần về sát mức 25.000. Đồng thời, lợi suất trái phiếu Chính phủ và lãi suất liên ngân hàng đồng loạt điều chỉnh giảm so với tuần trước đó.
Những chuyển biến tích cực này đã cải thiện tâm lý của nhà đầu tư trong nước, thúc đẩy dòng tiền quay trở lại thị trường chứng khoán với thanh khoản trong phiên cuối tuần trên 3 sàn đạt trên 25.000 tỷ, tăng gần 50% so với mức trung bình 20 phiên.
Chỉ số VN-Index cũng đã chính thức vượt qua kháng cự 1.230 điểm (MA20) để thiết lập xu hướng vận động đi lên tích cực hơn.
VN-Index tăng 2,3% trong tuần vừa qua. |
Bước sang tuần tới, rung lắc có thể sớm xuất hiện khi chỉ số VN-Index tiến tới cản mạnh tại vùng 1.260 điểm (là vùng hội tụ của các đường MA50, MA100).
Do đó, những nhà đầu tư “lỡ sóng” không nên vội vàng mua vào khi chỉ số đang tiến tới kháng cự mạnh mà cần kiên nhẫn chờ đợi những nhịp rung lắc xuất hiện để canh mua vào với giá vốn tốt hơn.
Về cơ hội đầu tư cụ thể, nhà đầu tư có thể cân nhắc nhóm cổ phiếu Ngân hàng khi tín dụng bắt đầu tăng trưởng trở lại trong nửa cuối tháng 7 cũng như định giá của nhóm ngành này vẫn đang tương đối rẻ (chiết khấu so với bình quân lịch sử).
Bên cạnh đó, nhà đầu tư có thể xem xét nhóm ngành xuất khẩu dệt may, thủy sản, đồ gỗ nhờ triển vọng xuất khẩu cải thiện mạnh mẽ trong nửa cuối năm 2024.
Đối với nhóm cổ phiếu bất động sản, nhà đầu tư có thể chọn lọc những cổ phiếu bị chiết khấu sâu trong nhịp điều chỉnh vừa qua để giải ngân, tuy vậy nên lưu ý duy trì tỷ trọng vừa phải ở nhóm cổ phiếu này do đây là nhóm có biến động giá mạnh và khó lường.
Các cổ phiếu beta cao có điều kiện tốt để phục hồi
Ông Đoàn Minh Tuấn Trưởng phòng Nghiên cứu và phân tích FIDT. |
Thị trường chung chứng kiến một phiên bùng nổ vào cuối tuần. Đây là phiên giao dịch được đánh giá quan trọng trong việc định hình xu hướng hồi phục của VN-Index, là tín hiệu tạo đáy rõ ràng nhất của thị trường, vùng đáy 1.180 - 1.220.
Trong giai đoạn sắp tới, thị trường chung có thể không thay đổi quá nhiều về mặt điểm số (vùng mục tiêu 1.280 – 1.300), tuy nhiên điều kiện đầu tư trên thị trường dự kiến sẽ rất tốt cho các cổ phiếu beta cao phục hồi đà giảm sâu trước đó.
Các rủi ro trung dài hạn trên thị trường đang ngày càng ít dần, đa số đã được phản ánh thời gian qua. FIDT cho rằng, thị trường giai đoạn tới sẽ dễ dàng thu hút dòng tiền đầu tư. Thanh khoản thị trường dự kiến sẽ sớm trở về mức 18.000 – 20.000 tỷ đồng, với giao dịch các khối cân bằng hơn (với sự trở lại của khối ngoại)
Các dòng Cổ phiếu thu hút dòng tiền đầu tư sắp tới tiếp tục liên quan đến các chính sách, như:
Xu hướng phục hồi của thị trường Bất động sản sau suy thoái 2022 – 2023 liên quan Bộ 3 Luật Bất Động Sản sửa đổi.
Xu hướng thị trường chứng khoán nâng hạng cuối quý III/2024 khi Chính phủ ráo riết thông qua cơ chế quan trọng non-prefunding.
Xu hướng đẩy mạnh Đầu tư công, theo chính sách Đầu tư công trọng tâm của Chính phủ kéo dài 2024 – 2025.
Ngoài ra, trong danh mục theo dõi quý III/2024, FIDT chọn ra 1 số ngành – cổ phiếu tiềm năng, dựa trên 1 số xu hướng ngành khá chắc chắn: Dệt may, hưởng lợi trực tiếp từ nhu cầu xuất khẩu rất cao; 1 số doanh nghiệp tiềm năng khác, như: Điện, Nhựa, bán lẻ và Chăn nuôi.
Nhìn chung, xác suất cao VN-Index sẽ hồi phục về vùng 1.280 – 1.300, và tạo vùng tích lũy cân bằng một thời gian.
Tâm lý thị trường chứng khoán đã có thể ổn định lại? Thị trường chứng khoán đã trải qua nhiều trạng thái tâm lý trong tuần vừa qua với hy vọng chỉ được nhóm lên rõ ràng hơn trong phiên giao dịch cuối tuần. Các chuyên gia đã đưa ra những đánh giá mới nhất về sức khỏe thị trường và xu hướng tiếp theo để nhà đầu tư có thêm những sự tham khảo. |
Nhóm cổ phiếu Chứng khoán tiếp tục gieo hy vọng cho thị trường Phiên giao dịch đầu tuần đã không đi theo kịch bản bất ổn như tuần trước. VN-Index vẫn tiếp tục có những nỗ lực gỡ điểm số và chỉ còn khoảng 3 điểm nữa sẽ gỡ hết thiệt hại của tuần giao dịch trước. |
Nhóm cổ phiếu Chứng khoán, những tia sáng hé mở Nhóm cổ phiếu có tính thị trường như Chứng khoán đang là một trong những điểm quan sát của không ít nhà đầu tư trong bối cảnh VN-Index vừa trải qua một đợt biến động tâm lý bất ổn. Một vài mã đã tạo điểm sáng trở lại giúp xoa dịu tâm lý bi quan. |