Cổ phiếu của Petrolimex lần đầu trở lại giá "5x" sau 28 tháng
Lần đầu đóng cửa trên 50.000 đồng/cổ phiếu sau 28 tháng
Nhóm cổ phiếu VN30 đã dẫn dắt thị trường chứng khoán lấy lại đà tăng giá trong tuần giao dịch vừa qua (12-16/8). Bên cạnh MWG của CTCP Đầu tư Thế giới Di động đang có sự hồi phục tốt nhất trong VN30, cổ phiếu PLX của Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (Petrolimex) cũng đang có sự thể hiện ấn tượng không kém.
PLX đã có lần đầu tiên đóng cửa trên 50.000 đồng/cổ phiếu sau 28 tháng. Lần gần nhất PLX đóng cửa ở vùng giá này đã từ tháng 4/2022, thời điểm cả thị trường chứng khoán Việt Nam đã kết thúc một xu hướng tăng dài hạn.
Nếu quay lại từ tháng 5/2024 - thời điểm PLX có những sự chuyển mình, cổ phiếu đã có 3/4 tháng tăng giá trên 10% trong đó riêng tháng 5, PLX đã có mức tăng 19,33%.
Cổ phiếu PLX đã tăng 52,4% từ đầu năm 2024 |
Cổ phiếu của Petrolimex lần đầu trở lại giá "5x" sau 28 thángỞ góc độ kỹ thuật, PLX có thể sẽ sớm gặp phải những áp lực chốt lời trong ngắn hạn. Tuy nhiên, nếu như áp lực bán không đáng kể, cổ phiếu vẫn đứng trước những cơ hội chinh phục vùng giá 60.000 đồng trong thời gian tới. Khi đó, vận động của PLX sẽ do thị trường quyết định dựa trên yếu tố tâm lý hoặc từ câu chuyện nội tại của doanh nghiệp.
Dự báo lợi nhuận PLX tăng trưởng gần 40% trong năm 2024
BCTC quý II/2024 cho thấy, sản lượng xuất bán ước tính của PLX không thay đổi so với cùng kỳ tuy nhiên doanh thu tăng 12,3% so với cùng kỳ nhờ đó giá dầu Brent trung bình tăng 9.4%.
Cùng với đó, biên lợi nhuận gộp của PLX trong quý II/2024 cũng cao hơn 0,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ khi tỷ lệ sản lượng nhập về từ nước ngoài thấp hơn, hỗ trợ ổn định chi phí kinh doanh thực tế. Lợi nhuận ròng trong quý II cũng tăng 47,5% so với cùng kỳ và tăng 11,8% so với quý trước.
Tính chung, trong 6 tháng đầu năm, doanh thu của PLX tăng trưởng 11,8% so với cùng kỳ, biên lợi nhuận gộp cao hơn 0,6 điểm phần trăm so với cùng kỳ và lợi nhuận ròng tăng trưởng tích cực 58,6%. Công ty đã hoàn thành kế hoạch doanh nghiệp đặt ra trong cả năm 2024.
Theo đánh giá của CTCK MBS, giá dầu sẽ không tăng đột biến trong nửa cuối năm 2024, từ đó ít gây áp lực trích lập giảm giá hàng tồn kho. Nếu xuất hiện các biến động liên tục vẫn có có thể khiến PLX chịu ảnh hưởng từ độ trễ của kỳ điều chỉnh.
Mặc dù vậy, MBS cho biết doanh nghiệp có thể được hưởng lợi từ việc Bộ Công Thương từ đầu tháng 7/2024 đã cho phép tăng chi phí định mức trong công thức giá cơ sở xăng dầu, từ đó có thể giúp các doanh nghiệp với khả năng kiểm soát tốt chi phí thực tế được hưởng lợi. Do cước vận tải dầu thành phẩm thực tế trên thế giới trong nửa đầu năm 2024 không tăng quá mạnh so với cùng kỳ, do đó nếu tiếp tục duy trì khả năng kiểm soát chi phí đầu vào, sẽ hưởng lợi từ việc tăng chi phí định mức trong công thức giá bán cơ sở này.
Cổ phiếu của Petrolimex lần đầu trở lại giá "5x" sau 28 tháng |
Điều này sẽ phản ánh đầy đủ hơn vào lợi nhuận của doanh nghiệp kể từ năm 2025, theo đó dự phóng biên lợi nhuận gộp của PLX giai đoạn 2024-2025 có thể lần lượt đạt 6,1% và 6,5%. Lợi nhuận ròng tăng trưởng lần lượt 39,2% và 15,4% so với cùng kỳ.
Ngoài ra, Dự thảo 3 Nghị định về Kinh doanh Xăng dầu cũng được kỳ vọng tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn cho các thương nhân đầu mối/ phân phối xăng dầu có khả năng kiểm soát chi phí tốt như PLX.
Được biết, dự thảo sẽ đưa ra 3 thay đổi đáng chú ý nhất là: (1) thay đổi công thức giá bán xăng dầu tối đa, (2) thay đổi cách điều chỉnh chi phí kinh doanh định mức (theo chỉ số giá tiêu dùng CPI, rà soát lại 3 năm 1 lần hoặc khi có biến động bất thường) và (3) không còn quy định về Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các thương nhân đầu mối.