Thắp sáng ước mơ cho học sinh nghèo nơi biên giới
Hiện nay, BĐBP Gia Lai đã nhận nuôi 12 cháu có hoàn cảnh khó khăn, các cháu được bố trí ở 1 phòng riêng tại Đội công tác địa bàn của các đồn, có góc học tập riêng, trang bị đồ dùng và phương tiện sinh hoạt cần thiết. Các đồn Biên phòng còn phân công cán bộ trực tiếp chăm sóc, kèm cặp, hướng dẫn các cháu học tập, rèn luyện, mỗi cháu được hỗ trợ 1 chiếc xe đạp để đến trường và hằng tháng được hỗ trợ 200.000 ngàn đồng.
12 cháu được BĐBP Gia Lai nhận nuôi đều có những hoàn cảnh khó khăn khác nhau. Cháu Nguyễn Quốc Tĩnh, lớp 7, trường Trung học cơ sở Nguyễn Trãi (xã Ia Dom, huyện Đức Cơ), có cả “bố” và mẹ mất vì tai nạn giao thông, lại không có họ hàng thân thuộc. Anh trai thì đi học ở xa. Tuy hoàn cảnh khó khăn, nhưng chưa một lần anh em Tĩnh có ý định bỏ học. Thương hoàn cảnh của anh em Tĩnh, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh đã nhận Tĩnh về chăm sóc, nuôi dưỡng, với hi vọng sau này cháu có thể tiến xa hơn trên con đường học hành.
“Khi được các “bố” nhận về nuôi dưỡng, em vui lắm. Việc học sẽ không lo bị gián đoạn. Về sống ở đây, em được các “bố” dạy rất nhiều kĩ năng sống. Đối với em đây là ngôi nhà thứ hai của mình. Em rất biết ơn và hứa với bản thân phải cố gắng chăm ngoan, học giỏi, nuôi giấc mơ được trở thành BĐBP giống các “bố” để được bảo vệ Tổ quốc, đồng thời giúp đỡ các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn giống mình” - Tĩnh chia sẻ.
Cô Võ Lê Minh Huyền, Giáo viên chủ nhiệm của Tĩnh cho biết: “Biết hoàn cảnh của Tĩnh nên thầy cô và bạn bè luôn ưu tiên, tạo điều kiện để Tĩnh yên tâm học tập. Các khoản chi phí cho học tập của Tĩnh thường do các bạn trong lớp tự quyên góp rồi đóng thay. Tính tình Tĩnh ngoan ngoãn, hòa đồng, học lực khá, hạnh kiểm tốt nên luôn được thầy yêu, bạn mến”.
Ngoài việc nhận Tĩnh làm con nuôi, lo cho cháu từng miếng ăn, giấc ngủ và chuyện học hành, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh còn kêu gọi mạnh thường quân, các quỹ hỗ trợ người nghèo, xây một căn nhà với trị giá hơn 50 triệu đồng để giúp anh em Tĩnh có nơi ở ổn định.
Cùng phòng với Tĩnh là cháu Lê Đại Vỹ, học sinh lớp 5, trường Tiểu học Trần Phú (xã Ia Dom, huyện Đức Cơ). Bố của Vỹ bị tai nạn mất sớm. Mẹ thì bỏ đi biệt xứ, bỏ Vỹ ở lại với bà nội. Gia đình bà nội khó khăn nên Vỹ thiếu thốn cả vật chất lẫn tinh thần. Đầu năm 2019, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh nhận Vỹ về nuôi dạy, đón cháu lên ở cùng các chú bộ đội tại Đội công tác địa bàn thuộc xã Ia Dom, huyện Đức Cơ. Được sự quan tâm, chăm sóc của các chú BĐBP, qua 2 năm, Vỹ nay đã cao lớn và khỏe mạnh hơn.
Bà Lê Thị Quyền, bà nội của Vỹ xúc động nói: “Hoàn cảnh gia đình tôi quá khó khăn, tôi đã lớn tuổi nên không chăm lo cho cháu đầy đủ được. Kể từ khi Vỹ được nhận làm con nuôi của đồn Biên phòng, tôi mừng và biết ơn các chú bộ đội lắm. 2 năm qua, Vỹ đã lớn và khỏe mạnh hơn rất nhiều. Được sự quan tâm, lo lắng của các chú bộ đội, việc học của Vỹ cũng có nhiều tiến bộ, từ học sinh khá lên học sinh xuất sắc. Mỗi kỳ nghỉ lễ, Tết, Vỹ lại xin về ở với tôi để tôi bớt trống trải. Hết lễ, cháu lại vào với các “bố biên phòng” để tiếp tục đi học”.
Trung úy Rơ Chăm Tuyn, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh cho biết: “Mô hình "Con nuôi đồn Biên phòng" lan tỏa tại các đồn Biên phòng trên tuyến biên giới, giúp nhiều học sinh có cơ hội tiếp tục đến trường. Chúng tôi đã dành trọn tình thương cho các cháu, để bù đắp lại những thiếu thốn về tinh thần, vật chất của các cháu so với các bạn cùng trang lứa. Ngoài việc đảm bảo nơi ăn, ở, sinh hoạt, dạy các cháu những kỹ năng sống cơ bản, anh em Đội công tác còn chú trọng việc dạy học cho các cháu, vì chỉ có kiến thức mới giúp các cháu vững bước trên con đường đời sau này. Các "bố nuôi" cũng thường xuyên học hỏi, trau dồi, phổ cập kiến thức để có thể dạy cho các cháu học theo chương trình giáo dục mới”.
Từ mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng” mà những cháu có hoàn cảnh khó khăn, kém may mắn đã có một cuộc sống mới. Khi về với mái nhà chung này, các cháu được bù đắp những thiệt thòi, được đón nhận thêm những người cha và nhận thêm nhiều tình yêu thương. Các cháu được trang bị kĩ năng sống, được học hành và rèn luyện nhân cách. Đó là nền tảng vững chắc giúp các cháu tự tin, vững bước trên con đường tương lai phía trước, đồng thời thắp lên ý chí vượt qua số phận, trở thành những người có ích sau này. Từ mô hình hiệu quả, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc này đã góp phần tăng cường tình đoàn kết, gắn bó giữa cán bộ, chiến sĩ BĐBP với nhân dân các dân tộc ở khu vực biên giới.
Mảnh đất cằn cỗi vươn mình nơi biên giới
Người dân xã biên giới Minh Tân (Vị Xuyên, Hà Giang) đã hồi sinh sau “cú hích” từ Nghị quyết 05 của BCH Đảng bộ tỉnh về cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ, tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 – 2025.
|
Hiểm họa từ sòng bạc ở vùng biên
Gần đây, tình hình hoạt động của tội phạm đánh bạc ở Tây Ninh có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp dưới nhiều hình thức như đá gà, lắc tài xỉu, bài cào… Đối tượng cầm đầu không chỉ là nam mà còn xuất hiện nhiều “chị đại” với thủ đoạn đánh bạc tinh vi. Phải lần mò suốt thời gian dài các trinh sát mới tóm được những con nghiện cờ bạc mà đa phần thuộc về "nửa kia của thế giới".
|
Gương sáng bảo vệ an ninh biên giới
Sinh sống tại thôn Bản Máy, xã Bản Máy (Hoàng Su Phì), ông Hoàng Xín Phủ là tấm gương điển hình tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc cũng như giữ gìn an ninh, trật tự trên địa bàn. Những năm qua, người dân nơi đây luôn dành cho ông tình cảm quý mến, trân trọng, coi ông là một tấm gương sáng để mọi người noi theo.
|