Thạc sĩ Harvard Đào Thu Hiền: Từ nhà báo phương Tây đến khởi nghiệp giáo dục Việt Nam
Bài 1: Hành trình thành danh trên đất Mỹ
“Nước Mỹ có hàng trăm quốc tịch, để cạnh tranh trong công việc bạn không chỉ giỏi chuyên môn mà còn phải hòa nhập được với xã hội mới. Muốn vậy, mỗi người phải thay đổi chính mình từ thái độ đến tư duy để nắm lấy thành công,” Thạc sĩ Đào Thu Hiền chia sẻ.
Người Việt đầu tiên học báo chí ở đại học Columbia
Đào Thu Hiền khi còn làm báo cho AP
Năm 1997, ba năm sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành ngoại ngữ tại Hà Nội, chị Hiền săn học bổng ở các trường đại học nước Mỹ.
Trong khi bạn bè cùng trang lứa tất tả đi làm, chị vượt đại dương đến với đại học Columbia danh tiếng để học thạc sĩ báo chí. Khóa học kéo dài một năm và hầu như toàn bộ chi phí do nhà trường và các tổ chức tài trợ.
Gọi là học, nhưng giờ lên giảng đường rất ít. Khoa báo chí của đại học Columbia “ném” các nhà báo tương lai ra đường, bắt đầu tìm kiếm các thông tin hấp dẫn và biến nó thành các bài báo.
Biết chị Hiền đến từ Việt Nam, những giảng viên báo chí ở Columbia rất ngạc nhiên và thú vị. Tất cả chỉ vì chị là người Việt Nam đầu tiên từ sau năm 1975 học báo chí tại đây.
Vốn tiếng Anh tốt, khả năng nhận định đề tài và chịu được áp lực công việc với cường độ cao của nghề báo ở Mỹ giúp chị Hiền tốt nghiệp xuất sắc trường báo chí. Kết quả này đưa chị đến với hãng tin Bloomberg News, một cơ quan thông tấn mơ ước của bất kì phóng viên Việt Nam nào.
Làm việc cho AP được 3 năm, chị Đào Thu Hiền nhận thấy ngoài nước Mỹ, thế giới ngoài kia còn quá nhiều điều thú vị cho những trải nghiệm mới của mình. Thế là chị rời AP qua Bờ Biển Ngà, quốc gia Tây Phi chưa một lần chị đặt chân đến để làm nhà báo tự do.
Trong khi đó, bạn trai chị vẫn ở lại AP làm phóng viên để theo đuổi từng sự kiện thời sự chính trị ở khắp nơi trên thế giới. “Làm nhà báo tự do ở Bờ Biển Ngà rất thú vị. Công việc của tôi là dịch lại các bản tin kinh tế, nông nghiệp và gửi về các hãng thông tấn khác để kiếm sống.
Tuy thu nhập không cao như lúc còn ở Mỹ nhưng tại vùng đất mới, gặp nhiều người mới luôn làm tôi hứng khởi. Mỗi bài báo khoảng 400 USD cũng đủ trang trải cho đến ngày nhận được tin xấu làm mình thay đổi mọi nhận thức về nghề báo,” chị Hiền nói.
Đào Thu Hiền khi còn làm báo ở nước ngoài. Ảnh nhân vật cung cấp
Làm việc tác động đến xã hội
Tin xấu chị Hiền đề cập chính là trong một lần tác nghiệp tại Sierra Leone năm 1999, bạn trai chị, người phóng viên quả cảm, yêu nghề của AP bị nhóm phiến quân chống chính phủ bắn vào đầu.
Chiếc xe của AP có ba phóng viên. Người ngồi trước bị bắn chết tại chỗ. Bạn trai chị Hiền bị một viên đạn trúng giữa trán và nằm trong não.
Ngày sau đó, anh được đưa về London để phẫu thuật. May mắn, các bác sĩ nước Anh đã cứu sống anh rồi đưa anh về quê nhà ở Canada để tiếp tục điều trị.
Chăm sóc bạn trai từ London rồi về Canada, để tiện làm việc, chị tiếp tục công tác cho các bản tin tài chính của hãng tin Bloomberg. Thêm thời gian làm báo nữa thì chị nhận thêm tin xấu: AP tiếp tục mất thêm một phóng viên vì bị bắn trên chiến trường Tây Phi.
Chị Hiền nhận ra nghề báo có quá nhiều sự đánh đổi, nhưng liệu có đáng không khi chỉ vì tác động đến xã hội mà có thể mọi thứ sẽ chấm dứt chỉ vì một viên đạn?
Bạn trai khỏe mạnh thì chị Hiền quyết định quay về Mỹ để dấn thân vào lĩnh vực khác cũng có tác động không kém báo chí: quản lý công!
Chỉ trong thời gian ngắn sau, chị là học viên thạc sĩ ngành này ở một trong những đại học danh giá nhất thế giới: Harvard.
Và hai năm sau Đào Thu Hiền ghi tên mình trong danh sách thạc sĩ ở Harvard.
Năm 2005, chị Hiền trở thành cố vấn quản lí công tại văn phòng thị trưởng Michael Blooberg tại New York, nước Mỹ.
Thanh Nhã - L.A.Đủ