Tập đoàn Mỹ và đại học Việt Nam chung tay "gỡ rối" cho doanh nghiệp
Nguyễn Thuận 23/06/2022 20:33 | Doanh nghiệp - Doanh nhân



COVID-19 đã lắng xuống nhưng tác động tiêu cực của nó đối với các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn rất lớn. Điều này đặc biệt đúng với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), nơi hầu hết không có đủ khả năng tài chính để đầu tư vào các sáng kiến hoặc công nghệ tốn kém để phục hồi sau "cơn bạo bệnh".
Thách thức riêng biệt này đang đặt doanh nghiệp của họ vào thế bất lợi trong cạnh tranh.
![]() |
Doanh nghiệp vừa và nhỏ là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương do tác động của đại dịch COVID-19. Ảnh: Vietnam+ |
Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), khu vực SME hiện chiếm khoảng 98% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam, đóng góp tới 45% vào GDP và 31% vào tổng số thu ngân sách của cả nước.
Sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, đã có hơn 90% doanh nghiệp vừa và nhỏ cho biết, họ thật sự “thấm đòn” và rất cần sự hỗ trợ trước khi chuyển từ trạng thái “chết lâm sàng” sang giải thể, thậm chí phá sản.
PGS.TS. Hà Thị Ngọc Oanh, Đại học Hoa Sen dẫn số liệu được công bố trên Cổng thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cho thấy, đến tháng 12/2021, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 54.000 doanh nghiệp, tăng 15.85% so với cùng kỳ năm ngoái; hơn 49.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 30.4%; 16.700 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 16,7%.
Những con số biết nói nêu trên chỉ ra rằng, sức chịu đựng và khả năng chống chịu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tập trung vào một số lĩnh vực như: dịch vụ, bán buôn, bán lẻ, xây dựng, chế biến chế tạo,... là rất hạn chế.
Bức tranh sáng sủa của thương mại điện tử trong và sau đại dịch
Tuy nhiên, nếu chỉ tính riêng lĩnh vực thương mại điện tử thì bức tranh tổng thể vẫn có vẻ sáng sủa hơn kể cả khi các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực này đang phải gồng mình trong thời gian đại dịch hoành hành.
Một khảo sát được Bộ Công Thương thực hiện với hơn 10.000 doanh nghiệp Việt Nam cho thấy, trong 2 năm 2020, 2021, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử Việt Nam vẫn giữ vững 17%/năm. Trong đó, năm 2021 doanh thu bán lẻ đạt 13,7 tỷ USD, ước tính giá trị mua sắm trung bình là 270 USD/người/năm.
Điều này cho thấy, mặc dù dịch bệnh ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế nói chung thì thương mại điện tử vẫn có thể “biến nguy thành cơ” kể cả lúc đang trong đỉnh dịch hay khi chuyển sang chiến lược “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ.
![]() |
Thương mại điện tử mang lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp vừa và nhỏ phục hồi và vươn lên sau đại dịch. Ảnh: Nguyễn Thuận/HSU |
Bà Lê Thị Hà, Trưởng phòng chính sách, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương nhận định rằng, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có rất nhiều cơ hội để mở rộng kinh doanh từ hành vi tiêu dùng (hơn 81% người tiêu dùng thay đổi hành vi mua sắm khi đại dịch bùng phát và hơn 90% cho rằng sẽ tiếp tục mua sắm) cho tới sự tăng trưởng khách hàng.
Từ góc nhìn của Hiệp hội Thương mại Mỹ (AmCham) thì cơ hội cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam không chỉ dừng lại ở phạm vi nội địa mà còn có thể mở rộng ra thị trường quốc tế nếu biết cách và biết nắm bắt kịp thời các cơ hội.
Mới đây, AmCham vừa khởi động sáng kiến mang tên “Con đường phục hồi kinh tế hậu đại dịch” với mục đích tập hợp cộng đồng doanh nghiệp Mỹ là các tập đoàn doanh nghiệp lớn chia sẻ kinh nghiệm của họ trong việc mở các kênh giao dịch mới và tiếp cận thị trường toàn cầu. Đây được xem là giải pháp hiệu quả cho phép các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh, thúc đẩy các giải pháp.
Tập đoàn đa quốc gia Mỹ và trường đại học Việt Nam "gỡ rối" cho doanh nghiệp SME
Tại hội thảo “Thương mại điện tử xuyên biên giới - Giải pháp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ phục hồi sau đại dịch COVID-19” do AmCham và Đại học Hoa Sen đồng tổ chức hôm 23/6/2022 tại TP.HCM, một số tập đoàn hàng đầu của Mỹ có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam như: Meta, Amazon Global Selling, UL, Payoneer... đã mang đến cho hơn 150 doanh nghiệp vừa và nhỏ tại khu vực miền Nam những chia sẻ thực tế cùng các giải pháp để có thể khai mở và tiếp cận thị trường rộng lớn bên ngoài Việt Nam.
“Các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam sẽ được học hỏi từ các công ty đa quốc gia hàng đầu về việc thiết lập sự hiện diện số trên thị trường, giao dịch thanh toán xuyên biên giới, giải pháp tiếp thị trong thời đại kỹ thuật số, chất lượng sản phẩm và tính bền vững”, ông Kenny Bench, đồng Chủ tịch Ủy ban Công nghệ và Kinh tế Kỹ thuật số, AmCham Việt Nam phát biểu.
Ông Kenny Bench cũng lưu ý về tầm quan trọng của việc đòi hỏi các doanh nghiệp phải có khả năng thích ứng, cũng như cần học cách tăng cường các kênh bán hàng trực tuyến, tiếp cận thị trường toàn cầu, gia tăng tính cạnh tranh và không ngừng sáng tạo.
![]() |
Hội thảo “Thương mại điện tử xuyên biên giới – Giải pháp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ phục hồi sau đại dịch COVID-19” do AmCham và Đại học Hoa Sen đồng tổ chức. Ảnh: Nguyễn Thuận/HSU |
Ông Võ Thanh Tòng - Quản lý tài khoản cấp cao, Amazon Global Selling cho biết, với mạng lưới toàn cầu giúp tiếp cận hơn 300 triệu khách hàng ở 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, Amazon nhận thấy nhiều “dư địa” cho các đối tác bán hàng thuộc SME của Việt Nam có thể tiếp cận và khai thác, như thị trường Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Nhật Bản, Úc,...
“Với Amazon Logistics, các doanh nghiệp chỉ cần gửi hàng đến các trung tâm thực hiện của Amazon, và Amazon sẽ chịu trách nhiệm nhận hàng, đóng gói và vận chuyển, đồng thời cung cấp các dịch vụ khách hàng như tư vấn người mua và trả lại hàng hóa này, tiết kiệm cho doanh nghiệp nhiều nhân lực, nguồn lực vật chất và tài chính”, đại diện của Amazon chia sẻ về giải pháp Logistics cho bán hàng xuyên biên giới.
Để cập đến một số khó khăn điển hình mà doanh nghiệp Việt Nam gặp phải trong quá trình thanh toán quốc tế, bà Nguyễn Nữ Nhã Ngọc, Trưởng phòng Kinh doanh công ty Payoneer nêu ra một loạt các hạn chế, vướng mắc phổ biến như: không có tài khoản tại nước ngoài để nhận tiền từ các sàn thương mại điện tử quốc tế, khách hàng yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam cần có tài khoản nội địa tại đất nước của họ, làm thế nào để chuyển doanh thu từ nước ngoài về tài khoản ngân hàng tại Việt Nam, chi phí phát sinh trong quá trình chuyển đổi giữa các loại tiền tệ lên đến 5%/doanh thu,…
Để có thể vượt qua được các rào cản này, đại diện của Payoneer đề xuất giải pháp sử dụng thẻ Payoneer Mastercard khi các doanh nghiệp có nhu cầu thanh toán các hóa đơn quảng cáo trực tuyến, mua sắm trên các trang thương mại điện tử.
![]() |
Một số thương hiệu Việt Nam nổi bật trên sàn thương mại điện tử Amazon, tiếp cận được với khách hàng quốc tế. Ảnh: Amazon |
Quản lý chất lượng và sự tuân thủ cũng là vấn đề cần lưu ý trong bán hàng hàng đa kênh, nhất là ở các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu… “Nhất là khi ngày càng có nhiều loại sản phẩm và danh mục sản phẩm mới được cung cấp trực tuyến thay vì trong cửa hàng. Nhiều vấn đề về chất lượng hơn dẫn đến việc trả lại sản phẩm cao hơn, giảm doanh thu, xếp hạng khách hàng kém và các vấn đề tuân thủ có thể xảy ra”, ông Thanh Lâm - Trưởng bộ phận kinh doanh, Cty UL VS Việt Nam lưu ý.
Dẫn thông tin về việc có hàng triệu sản phẩm nội thất dân dụng và hàng tiêu dùng bị thu hồi tại Mỹ trong 2 năm qua, ông Thanh Lâm nhấn mạnh đến yếu tố xây dựng niềm tin bằng chất lượng sản phẩm, trong đó có việc chứng minh sản phẩm đáp ứng được các bộ tiêu chuẩn khắt khe của các quốc gia mà doanh nghiệp Việt Nam mong muốn tiếp cận thị trường.
Đồng quan điểm, bà Lê Bạch Tường Vân, Giám đốc Quản lý doanh nghiệp đang phát triển thị trường Việt Nam của tập đoàn Meta khuyên các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam nên nghĩ đến đường dài cho việc phát triển kinh doanh tại thị trường nước ngoài bằng cách "nói thật, làm thật" thay vì sử dụng thủ thuật quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook hay Instagram.
"Hệ thống máy học của chúng tôi có thể quét và phát hiện những bài quảng cáo vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng và khoá những tài khoản đó", bà Tường Vân cho biết.
Phát biểu tại hội thảo, PGS. TS. Võ Thị Ngọc Thúy, Hiệu trưởng Đại học Hoa Sen cho rằng, mặc dù Chính phủ Việt Nam đã có những biện pháp hỗ trợ nhất định nhưng các SME vẫn chịu những tác động đáng kể, như: giảm nhu cầu, gián đoạn chuỗi cung ứng, hủy đơn hàng xuất khẩu, thiếu nguyên liệu, gián đoạn vận chuyển…. Vì vậy, việc trao đổi những giải pháp để phục hồi nhanh và bền vững, trong đó có thương mại điện tử xuyên biên giới, nhằm giảm thiểu những tác động mang tính rủi ro do đại dịch Covid-19 gây ra đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ là vô cùng cần thiết.
![]() |
PGS. TS. Võ Thị Ngọc Thúy, Hiệu trưởng Đại học Hoa Sen. Ảnh: Nguyễn Thuận/HSU |
“Việt Nam nằm trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới nhanh nhất thế giới. Tỷ trọng trung bình của khu vực so với toàn cầu tăng liên tục qua các năm, đạt giá trị trung bình 41,3%/năm và tốc độ tăng trưởng đạt trung bình 37,7%/năm, cao hơn mức trung bình toàn cầu 27,4%/năm trong giai đoạn 2014-2020”, PGS.TS. Võ Thị Ngọc Thúy cho biết.
Bà Võ Thị Ngọc Thúy cũng bày tỏ sự tin tưởng rằng, thời kỳ hậu COVID-19 sẽ là “cơ hội vàng” cho việc phát triển thương mại điện tử ở Việt Nam nếu các doanh nghiệp biết nắm bắt cơ hội.



Đáng chú ý
Chuyên gia châu Âu: Kinh tế Việt Nam phát triển ngoạn mục


Cách mạng Tháng Tám 1945 - Biểu tượng sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Vinamilk được đánh giá là thương hiệu sữa tiềm năng nhất toàn cầu

Việt Nam có 10 nhà khoa học trong bảng xếp hạng hàng đầu thế giới
Bài viết mới
Vinamilk được đánh giá là thương hiệu sữa tiềm năng nhất toàn cầu

Giúp doanh nghiệp xuất khẩu giảm thiểu rủi ro trước biến động ngoại tệ

Chuyên đề

Những người lính Mỹ năm xưa nã đạn vào Việt Nam, hôm nay trở lại. Họ quay lại như một sự trở về với tiếng gọi của lương tri. Người Việt Nam đã mở vòng tay chào đón. Hai bên cùng lấp những hố bom bằng màu xanh cây lá, thắp lên ngọn lửa yêu đời và hi vọng cho những nạn nhân chiến tranh. Rồi từ đây, những hạt giống hữu nghị, hoà bình đâm chồi, nảy lộc.

50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Ấn Độ: Hương sen tỏa ngát bao gồm tất cả những bài viết về quan hệ của hai nước một cách toàn diện, sâu sắc và độc đáo nhất.

Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ đã đồng hành hàng trăm năm với lịch sử văn hóa và đời sống dân tộc Việt. Một trong những giá trị quan trọng nhất của hoạt động tín ngưỡng này chính là âm nhạc. Sự hòa trộn của yếu tố bác học với dân gian; sự giao thoa văn hóa các vùng miền, các dân tộc; sự tiếp biến của văn hóa các giai đoạn lịch sử… đạt đến độ hoàn hảo. Đặc biệt nhất là tính thống nhất cực kỳ cao độ giữa cảm xúc, tâm tưởng của những thành phần tham dự là chủ sự, nghệ nhân, khán thính giả; của đời sống hiện thực với đời sống tâm linh thiêng liêng đã được âm nhạc, diễn xướng ở đây tạo nên một giá trị hiếm có. |