Tăng cường vai trò các tổ chức hữu nghị trong hợp tác thương mại - đầu tư giữa Việt Nam và Myanmar
Theo TS Phan Hữu Thắng, Chủ tịch Hội đồng thành viên ISC, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Myanmar là đất nước hiện có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam vào giai đoạn đầu mở cửa nền kinh tế trong điều kiện bị bao vây, cấm vận. Myanmar có rất nhiều tiềm năng và đang mở ra cơ hội lâu dài cho các doanh nghiệp Việt Nam đến đầu tư, dù trước mắt còn nhiều khó khăn, trở ngại nhất định.
Số liệu thống kê từ Ủy ban Đầu tư Myanmar cho thấy, Việt Nam là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 7 tại Myanmar với tổng vốn đăng ký của các dự án còn hiệu lực đến hết năm 2022 đạt 2,22 tỷ USD, chiếm 2,5% tổng số vốn đầu tư vào Myanmar.
Các ngành, lĩnh vực đầu tư của Việt Nam sang Myanmar chủ yếu thuộc thông tin - truyền thông, kinh doanh bất động sản, khai khoáng, hoạt động tài chính - ngân hàng - bảo hiểm, công nghệ chế biến - chế tạo... Riêng ngành thông tin - truyền thông, dự án đầu tư mạng viễn thông 4G của tập đoàn Viettel đã chiếm gần 60% tổng vốn đăng ký của các dự án.
Mytel đã trở thành thương hiệu viễn thông hàng đầu tại thị trường Myanmar (Ảnh: KT). |
Để nâng cao hiệu quả đầu tư của Việt Nam sang Myanmar, các chuyên gia ISC đã khuyến nghị một số giải pháp. Trong đó tăng cường vai trò của các cơ quan chức năng, các tổ chức hữu nghị và hiệp hội doanh nghiệp, nâng cao tính chủ động của các doanh nghiệp trong việc hợp tác thương mại - đầu tư giữa Việt Nam và Myanmar.
Cụ thể, các cơ quan chức năng Việt Nam cần tích cực xúc tiến các hoạt động nghiên cứu để đánh giá những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức trong hợp tác đầu tư với Myanmar, chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình hợp tác hai bên khi điều kiện cho phép. Hãng hàng không Myanmar đã chính thức khai trương đường bay quốc tế thương mại thường lệ Yangon - Hà Nội từ tháng 9/2022 đánh dấu việc phát triển mạng đường bay quốc tế giữa hai nước.
Hội hữu nghị Việt Nam - Myanmar và các tổ chức phi chính phủ của Việt Nam cần tổ chức các cuộc gặp gỡ, trao đổi với đối tác Myanmar nhằm tạo dựng quan hệ tốt đẹp, chuẩn bị cho việc thúc đẩy hợp tác thương mại đầu tư giữa hai nước sau khi lệnh cấm vận đối với Myanmar được gỡ bỏ.
Các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động tìm hiểu thị trường Myanmar. Khi đầu tư sang Myanmar phải có chiến lược trung và dài hạn, chủ động tìm hiểu lĩnh vực quan tâm dựa trên thế mạnh của mình, thu thập đầy đủ dữ liệu để xây dựng dự án đầu tư.
"Không phải hàng hóa nào của Việt Nam cũng phù hợp để xuất khẩu sang Myanmar và các doanh nghiệp Myanmar cũng không thiếu kinh nghiệm làm ăn với nước ngoài. Do Myanmar thực hiện theo thể chế liên bang nên chủ đầu tư cần xúc tiến dự án với chính quyền địa phương để thỏa thuận chính sách ưu đãi riêng.
Đồng thời, doanh nghiệp cần thường xuyên liên hệ với Cục Đầu tư nước ngoài và các cơ quan, tổ chức của Việt Nam tại Myanmar như Đại sứ quán, Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Myanmar, Hội hữu nghị Việt Nam - Myanmar, Câu lạc bộ Doanh nghiệp Việt Nam tại Myanmar... cũng như các đối tác Myanmar để kịp thời nắm bắt thông tin và cập nhật các ưu đãi mà Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Myanmar mới ban hành", các chuyên gia lưu ý.
ISC cũng khuyến nghị cần tăng cường hợp tác kinh tế song phương từ cấp Trung ương đến địa phương của hai nước; đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, thương mại.
Bên cạnh đó, chủ động hợp tác, thúc đẩy phát triển Hành lang kinh tế Đông - Tây, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam sang Myanmar.