SSI Research: Thông tư cho phép Pre-funding sẽ sớm có hiệu lực trong quý IV/2024
Với kết quả tích cực của số liệu vĩ mô tháng 7, SSI Research đánh giá tăng trưởng GDP năm 2024 sẽ vượt mục tiêu của Chính phủ, và trọng tâm chính sách có thể tập trung hơn vào ổn định kinh tế vĩ mô, bao gồm kiềm chế lạm phát, tăng dự trữ ngoại hối hoặc giải quyết tốt hơn tình hình nợ xấu hiện tại.
Trong tháng 8, tâm điểm sẽ tập trung vào các chuyển biến mới trên thị trường bất động sản khi 3 luật về bất động sản và các quy định hướng dẫn sẽ bắt đầu có hiệu lực.
Về vận động của dòng tiền ngoại trên thị trường chứng khoán, việc quỹ iShares Frontier giải thể sẽ là bất lợi tạm thời cho Việt Nam khi muốn thu hút dòng vốn giải ngân vào các quỹ ETF đa quốc gia cùng với xu hướng luân chuyển dòng tiền diễn ra. Bên cạnh đó, các lựa chọn về quỹ chỉ số của Việt Nam không quá đa dạng (chủ yếu dựa trên rổ chỉ số VN30 và VN Diamond).
Tuy nhiên, điểm tích cực trong tháng 7 là Bộ Tài Chính đã công bố dự thảo Thông tư với điếm nhấn về việc cho phép nhà đầu tư tổ chức nước ngoài được thực hiện giao dịch ký quỹ trong thời gian T+2 với sự hỗ trợ từ các CTCK. Với kỳ vọng Thông tư này sớm có hiệu lực trong quý IV/2024 sẽ tạo điều kiện để các quỹ đầu tư nước ngoài có thể xem xét giải ngân trở lại thị trường Việt Nam.
Đánh giá về mùa KQKD quý II/2024, SSI Research cho biết tăng trưởng tổng lợi nhuận trên sàn HOSE tiếp tục tăng trưởng 23,1% so với cùng kỳ (tăng trưởng ở quý I/2024 là 4,8%) và tăng 17,5% so với quý trước (cao hơn tốc độ tăng trưởng 6,6% ở quý I). So với cùng kỳ, đóng góp nhiều nhất cho tăng trưởng mạnh nhất đến từ các ngành như Bán lẻ, Viễn thông, Tài nguyên cơ bản, Du lịch và giải trí…
Các ngành đẩy mạnh được tốc độ tăng trưởng trong quý là Bán lẻ, Tài nguyên cơ bản, Ngân hàng, Viễn thông, Ô tô, Hóa chất, Hàng cá nhân gia dụng và Công nghệ thông tin. Các ngành tiêu biểu chậm lại tăng trưởng là Dịch vụ Tài chính, Hàng & Dịch vụ công nghiệp. Riêng nhóm Bất động sản quay lại ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận dương (+19,5%) sau khi giảm 63,6% trong quý trước.
Tăng trưởng lợi nhuận quý II/2024 cao hơn quý trước |
Mặc dù phân hóa trong từng ngành, sự tích cực như nhóm ngành có diễn biến mở rộng tăng trưởng so với quý I/2024 khá đồng đều là Ngân hàng, Hàng không, Hóa chất và Bán lẻ. Sự phục ở ngành Bán lẻ khá rõ nét với tốc độ tăng trưởng cải thiện nhiều so với quý trước ghi nhận ở PNJ, MWG, trong khi FRT duy trì tốt được tăng trưởng. Với ngành Thực phẩm tiêu dùng, SSI Research đã nhìn thấy sự cải thiện đáng kể ở các doanh nghiệp đầu ngành là SAB, MSN và VNM.
Tăng trưởng lợi nhuận của các nhóm ngành. |
Nhìn chung, so với quý I/2024, sự mở rộng tăng trưởng lợi nhuận là yếu tố hỗ tốt cho TTCK ở 2 điểm. Thứ nhất là dòng tiền xoay vòng giữa các nhóm ngành và thứ hai, số lượng mã trụ cột dẫn dắt cho thị trường tăng lên, như diễn biến trong tháng 7.
Tuy nhiên, một số chuyển biến về nền tảng cơ bản theo hướng tích cực có thể đã bị bỏ qua do yếu tố tâm lý chi phối như rủi ro tỷ giá giảm dần khi đồng USD quay lại suy yếu và xu hướng phục hồi lợi nhuận theo quý vẫn tốt và định giá thị trường ở mức 11,27 lần trên P/E ước tính một năm sẽ về mức hấp dẫn hơn khi giá tiếp tục điều chỉnh.
Định giá thị trường đã về vùng hấp dẫn. |
Trong giai đoạn cuối năm 2024, nếu tăng trưởng kinh tế vẫn duy trì tích cực sẽ hỗ trợ cho sự tăng trưởng tiếp theo của doanh nghiệp niêm yết, là yếu tố hỗ trợ cho TTCK về dài hạn. Tuy nhiên, tín hiệu suy thoái ở các nền kinh tế lớn sẽ là yếu tố rủi ro cần được theo dõi sát bởi sẽ đây cũng sẽ là yếu tố rủi cho quá trình phục hồi của Việt Nam.