Sơn La: Gìn giữ và phát huy nghệ thuật Xòe Thái
Australia hỗ trợ công nghệ bảo quản rau quả cho người dân Mộc Châu (Sơn La) Ngày 14/9, Công nghệ làm mát tiên tiến CoolBot đã được giới thiệu tại Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Buổi trình diễn và các mô hình thí điểm đều nằm trong khuôn khổ dự án Chuỗi cung ứng lạnh tăng cường nguồn rau chất lượng cao từ Sơn La đến các thị trường ở đô thị do chính phủ Australia tài trợ thông qua chương trình Aus4Innovation. |
Gìn giữ và phát huy giá trị di sản then Thực hành then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam đã được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. |
Xòe Thái là một loại hình vũ đạo với những động tác biểu tượng cho hoạt động của con người, được thực hành trong nghi lễ, văn hóa, đời sống và các hoạt động sinh hoạt cộng đồng. Người Thái quan niệm: “Không Xòe, hoa không nở. Không Xòe, người không vui. Không Xòe, trai gái không thành đôi. Không Xòe, lúa, ngô không thành bắp”.
Tại buổi Lễ đã công bố Quyết định của UNESCO ghi danh "Nghệ thuật xòe Thái" là di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại. Theo đó, ngày 15/12/2021, tại Kỳ họp lần thứ 16, Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể diễn ra tại Paris (Pháp), Nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Tiết mục múa chào mừng Lễ vinh danh Nghệ thuật xòe Thái (Ảnh: baosonla.org.vn). |
Phát biểu tại Lễ vinh danh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Tráng Thị Xuân nhấn mạnh, “Nghệ thuật Xòe Thái” được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đây là niềm tự hào không chỉ của riêng cộng đồng người Thái, mà còn là niềm tự hào của nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La.
Thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết sẽ tập trung đưa Xòe Thái trở thành điểm nhấn cho các điểm đến, phục vụ du lịch cộng đồng, tạo ra không khí sinh hoạt văn hóa cộng đồng, đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của du khách trong và ngoài nước. Đồng thời, tỉnh thực hiện tốt chính sách tôn vinh các nghệ nhân tiêu biểu trong văn hóa các dân tộc thiểu số, coi nghệ nhân là “Những báu vật nhân văn sống”; tăng cường tổ chức sưu tầm, nghiên cứu và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể trong văn hóa dân tộc Thái nói chung, nghệ thuật Xòe Thái nói riêng.
Tại Lễ vinh danh, có 12 đoàn, hơn 500 diễn viên, nghệ nhân đến từ các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh tham gia Liên hoan “Nghệ thuật xòe Thái”. Với những ý tưởng hay, các tiết mục tham dự tại Liên hoan nhằm phát huy giá trị đặc trưng các điệu xòe của từng địa phương và kết hợp sử dụng tốt nhạc cụ dân tộc, như: Tính tẩu, khèn bè, trống, chiêng, chũm chọe, pí pặp, bẳng bu, mák hính...
Qua những lời ca, tiếng hát, những điệu Xòe uyển chuyển, duyên dáng, các nghệ nhân dân gian người dân tộc Thái, nam nữ diễn viên chuyên và không chuyên đã làm “sống dậy” các giá trị truyền thống, bản sắc dân tộc một cách hấp dẫn, qua đó tôn vinh giá trị văn hóa tinh hoa của đồng bào dân tộc Thái vùng Tây Bắc.
Vòng xòe đại đoàn kết tại Lễ Vinh danh “Nghệ thuật xòe Thái” được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (Ảnh: baosonla.org.vn). |
Ông Trần Xuân Việt, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La cho biết, nghệ thuật Xoè Thái trở thành một tài nguyên văn hóa để cộng đồng người Thái góp phần phát triển du lịch, tăng trưởng kinh tế và quan hệ giao lưu với các dân tộc anh em trong và ngoài tỉnh.
Việc thực hành các điệu Xòe cổ truyền thống cho đến nay vẫn là sinh hoạt văn hóa chủ yếu tại các bản người Thái, đáp ứng nhu cầu giao lưu, giải trí cho mọi thế hệ. Trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng, múa Xòe giữ vai trò chủ đạo, là một sản phẩm tinh thần không thể thiếu trong đời sống cộng đồng người Thái.
Tại hầu hết các bản, việc trao truyền tri thức, kỹ năng nghệ thuật Xòe Thái chủ yếu được thực hiện bằng truyền miệng và thông qua thực hành trực tiếp giữa các thế hệ, giữa các thành viên trong cộng đồng. Nghệ thuật Xòe Thái đã được các cấp, các ngành tỉnh Sơn La quan tâm, bảo vệ và tiếp tục duy trì.
Khép lại chương trình, hơn 1.000 diễn viên, nghệ nhân trên địa bàn tỉnh đã trình diễn màn xòe đại đoàn kết được thiết kế 5 vòng xòe, thể hiện các điệu xòe đã được phổ cập, truyền dạy theo Đề án phổ cập xòe của tỉnh.