Học tiếng Việt để gìn giữ truyền thống dân tộc
Theo số liệu thống kê của Hội Khmer-Việt Nam và các cơ quan đại diện của Việt Nam tại Campuchia, hiện có khoảng 30 điểm trường, lớp dạy học bằng hai ngôn ngữ là tiếng Khmer và tiếng Việt tại thủ đô Phnom Penh và 14 tỉnh trên đất nước Chùa tháp, với gần 1.400 học sinh theo học.
Các em học sinh gốc Việt tại tỉnh Siem Reap vui Tết Trung thu 2022. |
Bà Phạm Thanh Thủy, Phó Chủ tịch Hội Khmer-Việt Nam tại Campuchia cho biết, con em cộng đồng người gốc Việt đến các điểm trường, lớp này được học miễn phí theo chương trình của Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Campuchia, đồng thời học tiếng Việt theo sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam. Theo bà Thủy, từ nhiều năm qua, việc xây trường, tổ chức lớp học cho con em người gốc Việt được các đoàn thể, địa phương trong nước quan tâm giúp đỡ mạnh mẽ. “Trường tiểu học Hữu nghị Khmer-Việt Nam ở các tỉnh Prey Veng và Svay Rieng là do tỉnh Đồng Tháp và Long An tài trợ. Trường ở tỉnh Kandal do Ngân hàng Agribank giúp xây dựng”, Phó Chủ tịch hội chia sẻ.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc cho con em học hành, có kiến thức để sau này có thể thay đổi được hoàn cảnh sống vốn khó khăn từ bao năm, nhiều gia đình gốc Việt quyết tâm thu xếp công việc để đưa con đến trường, lớp học bằng hai ngôn ngữ Khmer và Việt Nam.
Cô giáo Lê Thị Thùy Linh, phụ trách lớp tiếng Việt gồm 48 học sinh tại tỉnh Siem Reap tâm sự, có những phụ huynh trạc tuổi 40 như cô không biết chữ Việt. Họ đến trường khẩn khoản nhờ cô dạy chữ cho con để sau này các cháu có kiến thức, có cuộc sống no đủ hơn và không quên cội nguồn Việt Nam. “Các con học rất nhanh, biết đọc, biết viết chữ Việt chỉ sau vài tháng học. Thú thực, trong tôi trào dâng cảm xúc rất khó tả. Đem con chữ đến với những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn nơi đây, khi nghe các con đọc rõ tiếng Việt tôi cảm thấy rất hạnh phúc”, cô giáo Lê Thị Thùy Linh xúc động chia sẻ. Được đi Hà Nội dự khóa bồi dưỡng nghiệp vụ, trở về lớp học trong khuôn viên Nhà đa năng cộng đồng gốc Việt tỉnh Siem Reap, cô Linh ao ước một ngày các con sẽ được về thăm đất nước, thăm Thủ đô, được nói và nghe tiếng Việt ngay trên quê hương Việt Nam.
Trong khi đó, ở vùng biển xa xôi phía tây nam Campuchia, ông Nguyễn Nhí Anh, Chủ tịch Hội Khmer-Việt Nam Chi nhánh tỉnh Koh Kong cho biết: Cả hai lớp học tiếng Việt tại đây vẫn được duy trì. Ban Chấp hành Hội thường xuyên đến các gia đình động viên đưa con em đến lớp. “Ban ngày, các cháu đến trường học chương trình tiếng Khmer. Buổi tối, cha mẹ đưa con em đến lớp học tiếng Việt miễn phí. Các gia đình cũng hiểu tầm quan trọng của việc cho con học để có kiến thức, biết viết chữ Việt, giữ gìn truyền thống của dân tộc”, ông Nguyễn Nhí Anh cho biết.
Ông Châu Văn Chi, Chủ tịch Hội Khmer-Việt Nam tại Campuchia cho biết, Hội luôn động viên con em cộng đồng người Việt đến các trường, lớp học tiếng Khmer và tiếng Việt, hướng dẫn các cháu nhỏ hướng về nguồn gốc dân tộc Việt Nam. Theo ông, học tiếng Việt giỏi, các cháu có thêm cơ hội được học tiếp đại học ở Việt Nam, được nhận học bổng. “Hội đã xin được hơn 200 suất học bổng trong nước cho các cháu kể từ năm 2006 đến nay. Hiện tại, hơn 150 em đã tốt nghiệp đại học ở Việt Nam và quay trở về Campuchia sinh sống và làm việc. Đây là nguồn nhân lực để cùng nhân dân Campuchia xây dựng đất nước, góp phần nâng vị thế của người Việt Nam tại Campuchia”, ông Châu Văn Chi chia sẻ.