Ra mắt CLB Kết nối doanh nhân Việt Nam - Quốc tế
Sự kiện thu hút hơn 200 người tham dự là các lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam đang muốn thúc đẩy bán hàng ra thị trường nước ngoài; lãnh đạo cơ quan chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại, giao thương tại thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương.
VIENC là Câu lạc bộ Doanh nhân được hình thành với sứ mệnh kết nối Doanh nhân Việt Nam và Quốc Tế, bao gồm cộng đồng Doanh nhân người Việt Nam tại nước ngoài, cộng đồng Doanh nhân người nước ngoài tại Việt Nam cũng như tại nhiều nước, nhằm chia sẻ cơ hội kinh doanh, hợp tác cùng phát triển trước bối cảnh hoạt động kết nối giao thương Việt Nam – Quốc Tế gặp nhiều khó khăn và thách thức kéo dài từ năm 2020 đến nay.
VIENC được sự ủng hộ và hỗ trợ nhiệt tình của rất nhiều các chuyên gia uy tín như PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Ủy viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, thành viên Hội đồng lý luận Trung ương; ông Steve Bùi, Chủ tịch Delta E&C Nhật Bản, hơn 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn đầu tư nước ngoài FDI vào Việt Nam và M&A trong lĩnh vực tài chính và bất động sản.
Bên cạnh đó, với mục tiêu nỗ lực đẩy mạnh các hoạt động kết nối, giao thương doanh nhân Việt Nam trên toàn cầu đoàn kết “nối vòng tay lớn" lại với nhau, hỗ trợ nhau cùng vượt khó, hướng tới hồi phục kinh tế, CLB VIENC cũng đã thu hút rất nhiều các doanh nhân có uy tín tại thị trường trong và ngoài nước cùng tham gia vào Ban điều hành: Chủ tịch CLB Doanh nhân Đinh Vĩnh Cường, Chủ tịch 365 Group, phụ trách kết nối thị trường Nhật Bản; Phó Chủ tịch CLB Doanh nhân Matsuo Tomoyuki, Chủ tịch Hiệp hội Ẩm thực Việt Nam - Nhật Bản, phụ trách thị trường Nhật Bản; Phó Chủ tịch CLB Doanh nhân Lê Bá Linh, Chủ tịch công ty Pacific Foods, phụ trách thị trường Mỹ, Thái Lan, Canada, Úc; Phó Chủ tịch CLB Doanh nhân Zhou Xiao Ping, Giám đốc Công ty bia Tsingtao Việt Nam, phụ trách thị trường Trung Quốc; Phó Chủ tịch CLB Ông Mai Trinh, Trợ lý Cố vấn cấp cao cho Quốc Vương Campuchia, phụ trách thị trường Campuchia; Phó Chủ tịch Ông Arnold Đặng Trung Hiếu, Chủ tịch Universal Peace Friendship & Brotherhood Vietnam, Đại sứ toàn cầu ARHI Vietnam; Phó Chủ tịch Thường trực Doanh nhân Trần Duy Khiêm, chuyên gia nằm trong top 10 ngành Logistics Việt Nam, Giám đốc Công ty CP 365 Connect, phụ trách các hoạt động vận hành cho CLB; Phó Chủ tịch Ông Steve Nhân, Phó Giám đốc Công ty CP 365 Connect, phụ trách Tổ chức sự kiện.
Với 4 giải pháp kết nối để hỗ trợ cộng đồng Doanh nhân bao gồm: Về Chính sách: lắng nghe các khó khăn, thử thách về thủ tục hành chính, chính sách ưu đãi kinh tế và tổng hợp, gửi kiến nghị đến đúng cơ quan chức năng; Về “đầu vào”: liên kết “mua chung" vật tư sản xuất kinh doanh, dịch vụ; Về “đầu ra”: giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, kết nối cơ hội kinh doanh; Về Nâng cao năng lực quản trị: chia sẻ kiến thức, thông tin thị trường, quản trị, tham quan doanh nghiệp, toạ đàm để nói chuyện chuyên sâu về những vấn đề quản trị cụ thể hội viên tham gia CLB được cam kết hỗ trợ bởi các giải pháp mang tính thực tiễn.
Ông Đinh Vĩnh Cường, Chủ Tịch CLB VIENC chia sẻ : “Đại dịch đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ ngành hàng kinh doanh nói chung, đặc biệt, gây ra vô vàn khó khăn cho hàng trăm ngàn doanh nghiệp SMEs trên cả nước. Do vậy việc ra mắt CLB VIENC là bước đi phù hợp với thực tiễn để chúng ta, tất cả doanh nhân Việt Nam trong và ngoài nước có nơi kết nối và hỗ trợ lẫn nhau một cách thực tiễn nhất trong lúc khó khăn này.”
Ngày 12 tháng 8 năm 2021 vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 12-KL/TW về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới. Kết luận đã đề ra một số yêu cầu, đòi hỏi mới đối với công tác hỗ trợ, thu hút nguồn lực kiều bào và công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại. Sự ra đời của Kết luận trong thời điểm hiện nay mang nhiều ý nghĩa quan trọng, góp phần đưa công tác đi vào chiều sâu và hiệu quả.
Có thể nói, phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong bối cảnh mới là một tất yếu khách quan. Đòi hỏi, phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, phát huy vai trò của các chủ thể, trong đó tự phát triển của mỗi doanh nhân là yếu tố quyết định đến kết quả cuối cùng.
Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động về công tác người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2021-2026, công tác về người Việt Nam ở nước ngoài sẽ được triển khai toàn diện, mạnh mẽ và thu được nhiều kết quả thực chất hơn nữa, nhất là mục tiêu kết nối cộng đồng doanh nhân trong và ngoài nước để cùng phát triển trong thời kỳ hội nhập và cách mạng công nghiệp 4.0.
Tại đây, khách mời cũng tham gia buổi toạ đàm về Triển vọng kinh tế 2022 do VIENC phối hợp với các Cơ quan, Đối tác tổ chức và có sự ủng hộ của các Nhà tài trợ, các Đơn vị đồng hành như 365 Group, K-Group, Pacific Foods, 365 Connect, 365 Coffee, 365FDS, 365Begin, Today TV, MCV Group, IPI Technology Solutions…
Phó Giáo Sư - Tiến sỹ (PGS-TS) Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, một trong những nhà tư vấn chính sách vĩ mô hàng đầu của Việt Nam nhận được nhiều tín nhiệm của các Chính phủ, đã trình bày về bức tranh vĩ mô của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2022, từ đó chỉ ra những cơ hội cũng như những thách thức để Cộng đồng doanh nghiệp có thể vững tâm chuẩn bị. Những tín hiệu sáng như: xu hướng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng mạnh, Việt Nam đã vượt qua giai đoạn “đỉnh dịch” nhờ chiến dịch phủ xanh Vaccines “thần tốc”, các Chính sách hỗ trợ kịp thời của Nhà nước trong cải cách và gia tăng đầu tư công… hứa hẹn nhiều hy vọng trong năm 2022.
Ông Phùng Công Dũng, chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Thực hiện Quyết định số 1797 ngày 12 tháng 12 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Huy động người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài, giai đoạn 2020-2024”, Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài thành phố Hồ Chí Minh, Sở Ngoại vụ, Sở Công Thương, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư - ITPC, Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài - BAOOV và Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh - HUBA đã thống nhất tham mưu ủy ban nhân dân thành phố kế hoạch phối hợp và thành lập "Tổ công tác triển khai thực hiện Quyết định 1797".
Theo đó, xây dựng chương trình thực hiện hàng năm, trong đó có công tác thường xuyên (như báo cáo cập nhật dữ liệu, thông tin, định hướng và phân tích về nhu cầu thị trường) và công tác định kỳ (các hoạt động tổ chức hội nghị, hội thảo, kết nối xúc tiến đầu tư, đưa hàng hóa, sản phẩm ra nước ngoài (đưa vào kế hoạch chương trình công tác năm mỗi đơn vị) và có báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh định kỳ (06 tháng và tổng kết năm).
Cùng với sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh, sự đồng lòng, chung sức của cộng đồng doanh nghiệp thành phố và doanh nghiệp kiều bào, phát huy những thành tích đạt được trong thời gian qua, công tác về người Việt Nam ở nước ngoài ở thành phố Hồ Chí Minh có nhiều điều kiện thuận lợi để đạt được những thành tựu to lớn trong giai đoạn hội nhập sâu, rộng với thế giới.
Để công tác hỗ trợ doanh nghiệp có những đổi mới, đi vào chiều sâu để vừa phù hợp với các cam kết quốc tế, vừa đáp ứng được tình hình thực tế của doanh nghiệp, tổ công tác hướng đến việc đa dạng hóa và nâng cao hiệu quả các hình thức tập hợp, vận động như tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp kiều bào hiến kế triển khai hiệu quả các Hiệp định Tự do Thương mai - FTA hoặc doanh nghiệp kiều bào đồng hành cùng doanh nghiệp trong nước tham gia hiệu quả các FTA gắn với xuất khẩu hàng Việt Nam theo Quyết định 1797; tổ chức các hoạt động kết nối, hát huy nguồn lực kiều bào hỗ trợ đẩy mạnh xuất khẩu lao động cho các địa phương...
Cần chủ động cung cấp thông tin về chính sách của Đảng và Nhà nước, khuyến khích các doanh nhân Việt kiều về đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam cũng như thành phố Hồ Chí Minh. Tăng cường tình đoàn kết giữa cộng đồng doanh nhân người Việt ở nước ngoài. Tiếp thu các ý kiến đóng góp của các chuyên gia trí thức, doanh nhân kiều bào, kiều bào trẻ giúp phát triển xây dựng thành phố, đất nước, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng hơn, góp phần thu hút người Việt Nam ở nước ngoài về đầu tư kinh doanh trong nước. Tăng cường hơn nữa kết nối doanh nhân trong và ngoài nước thông qua các kênh thông tin, trong đó có kênh thông tin điện tử…
Theo báo cáo khảo sát “Tình hình doanh nghiệp và người lao động trong bối cảnh đại dịch Covid - 19” do PSD Committee, Vietnam Economic Forum, VnExpress thực hiện hồi tháng 8/2021, có đến 69% doanh nghiệp Việt Nam buộc phải tạm dừng hoạt động do dịch và 15% giải thể hoặc ngưng hoạt động. Trong đó, doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) Việt Nam là đối tượng bị tổn thương nhiều nhất, tỷ lệ doanh nghiệp SMEs ở nhiều quy mô khác nhau dưới 10 nhân sự, từ 10 - 50 nhân sự, 50 đến 200, 201 đến 1.000 và trên 1.000 giải thể hoặc ngưng hoạt động chờ giải thể chiếm tỉ lệ lần lượt 18,6%; 13,3%; 12,4%; 11% và 12,2%. Con số tạm ngừng do dịch bệnh ở từng nhóm đối tượng doanh nghiệp SMEs nói trên tương đối lớn, lần lượt 72,5%; 71,1%; 62,8%; 54,5% và 45,5%; còn con số duy trì sản xuất hoặc kinh doanh ở nhóm SMEs quy mô dưới 10 nhân sự, từ 11 đến 50 và từ 51 đến 200 chiếm lần lượt 8,9%; 15,5%; 24,8% khiêm tốn hơn so với nhóm quy mô từ 201 đến 1.000 nhân sự và trên 1.000 chiếm 34,5% và 42,3%. |