Quảng Ninh, Bình Thuận, Quảng Trị hành động quyết liệt về chống khai thác IUU
Quảng Ninh yêu cầu gần 1.500 tàu cá đăng ký theo quy định
UBND tỉnh Quảng Ninh vừa giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, hướng dẫn UBND các địa phương và các đơn vị có liên quan tổ chức tiếp nhận hồ sơ thực hiện đăng ký chính thức cho các tàu cá. Thời gian tiếp nhận hồ sơ đăng ký đến hết ngày 31/12/2024.
Sau ngày 5/1/2025, các tàu cá thuộc danh sách chưa được đăng ký chính thức theo quy định, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tổng hợp đưa vào danh sách tàu cá bất hợp pháp gửi các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương xử lý nghiêm theo đúng quy định.
Đến ngày 22/6/2024, toàn tỉnh có 6.193 tàu cá đã đăng ký (đăng ký chính thức và đăng ký tạm thời). Số tàu cá đã được cấp giấy phép khai thác thủy sản đạt 94% (tăng 7,3% so với năm 2023); 100% tàu cá đã đăng ký được cập nhật dữ liệu trên VNfishbase, tăng 9% so với thời điểm 31/12/2023; 100% tàu cá trên 15m khai thác tuyến khơi lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và được kiểm soát, theo dõi chặt chẽ bởi các ngành chức năng.
Cùng với việc quản lý tàu cá, các cấp, các ngành của tỉnh cũng tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm. Tính riêng từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã xử lý 181 tàu cá, phạt hành chính gần 2 tỷ đồng.
Ảnh minh họa. |
Bình Thuận giám sát đặc biệt hơn 170 tàu cá
Ngày 1/7, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận có văn bản gửi các đơn vị liên quan yêu cầu tăng cường quản lý tàu cá nguy cơ cao không để vi phạm vùng biển nước ngoài.
Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị rà soát, lập danh sách, tăng cường giám sát tàu cá có nguy cơ vi phạm vùng biển nước ngoài. Các tàu cá được xác định có nguy cơ vi phạm bao gồm: tàu cá thuộc nhóm nghề nguy cơ cao (câu, lặn, dịch vụ hậu cần…) tại địa bàn có nhiều tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài; tàu cá hoạt động vùng khơi thường xuyên mất kết nối VMS trên vùng giáp ranh hoặc tàu cá mất kết nối VMS dưới 6 giờ lặp đi, lặp lại nhiều lần trên vùng giáp ranh mà không báo cáo, không rõ nguyên nhân; tàu cá đã từng vi phạm vùng biển nước ngoài bị phát hiện hoặc tàu cá có ngư dân đi trên tàu (đặc biệt là thuyền trưởng) đã từng vi phạm vùng biển nước ngoài, bị bắt giữ trả về…
Qua căn cứ các yếu tố, dấu hiệu tàu cá có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài, các cơ quan, đơn vị và địa phương đã xác định được có 173 tàu cá có nguy cơ vi phạm vùng biển nước ngoài; trong đó, huyện Tuy Phong có 13 chiếc; thành phố Phan Thiết có 18 chiếc; huyện Hàm Thuận Nam có 2 chiếc; thị xã La Gi có 48 chiếc; huyện Hàm Tân có 7 chiếc; huyện đảo Phú Quý có 85 chiếc.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, số lượng tàu cá “3 không” đã rà soát, thống kê là 2.515 chiếc. Chi cục Thủy sản đã cấp đăng ký tạm cho 2.348 tàu cá “3 không” và đang tiếp tục rà soát, thống kê và cấp đăng ký theo quy định.
Đến nay, Bình Thuận đã hoàn thành lắp đặt thiết bị VMS cho tất cả tàu cá đang hoạt động; 11 tàu cá chưa lắp đặt (thị xã La Gi 3 tàu; thành phố Phan Thiết 4 tàu; huyện Phú Quý 3 tàu; huyện Tuy Phong 1 tàu), các tàu này ngừng hoạt động do hư hỏng nằm bờ, thi hành án, tranh chấp dân sự... đã được cơ quan chức năng lập danh sách để quản lý, giám sát theo quy định.
Quảng Trị mở đợt cao điểm chống khai thác IUU
Từ ngày 1/7 – 31/8/2024, tỉnh Quảng Trị mở đợt cao điểm tăng cường tuần tra, kiểm tra và kiểm soát trên biển; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong thực hiện chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị Nguyễn Hữu Vinh yêu cầu các đơn vị, tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý các tàu cá cập sai cảng chỉ định; tiếp tục tuyên truyền các quy định liên quan công tác chống khai thác IUU đến ngư dân...
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị cũng yêu cầu các đơn vị, khắc phục một số tồn tại hạn chế trong thực hiện chống khai thác IUU gồm: tình trạng tàu cá tham gia hoạt động khai thác thủy sản chưa đảm bảo đủ điều kiện, không thông báo trước 1 giờ trước khi cập cảng, khai thác sai vùng, chất lượng nhật ký khai thác không đảm bảo. Tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên không cập cảng cá chỉ định để bốc dỡ thủy sản vẫn còn diễn ra. Thiết bị VMS mất kết nối phát hiện qua Hệ thống giám sát tàu cá vẫn còn, nhưng việc xử lý gặp nhiều khó khăn hạn chế. Một số thiết bị VMS thường xuyên gặp sự cố mất kết nối do lỗi vệ tinh, lỗi kỹ thuật dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý, theo dõi hoạt động của tàu cá khi hoạt động trên biển.