Phụ nữ người La Chí nhọc nhằn giữ nghề dệt
Phụ nữ người La Chí thực hành giữ gìn nghề truyền thống. |
Từ xa xưa, người phụ nữ luôn gắn bó mật thiết với việc trồng bông, dệt vải, may vá thêu thùa. Nó được coi như một tiêu chuẩn cần phải có ở mỗi người phụ nữ trong cộng đồng.
Bởi vai trò của người phụ nữ trong gia đình người La Chí là phải biết trồng bông, dệt vải, may mặc quần áo cho cả gia đình.
Lối sống tự cung, tự cấp đã tạo ra những quy chuẩn gắn lên vai trò của người phụ nữ, và cũng nhờ đó, mà người La Chí vẫn giữ được nét bản sắc riêng biệt, suốt chiều dài lịch sử cư trú, lao động sản xuất. Họ không bị đồng hóa bởi các nhóm dân tộc đông đúc ở xung quanh.
Trang phục của người La Chí không cầu kỳ, sặc sỡ như các dân tộc khác, chủ yếu với tông màu đen. Nhưng nó cũng được tô điểm bởi những đường nét họa tiết hoa văn khá cầu kỳ. Điều này đòi hỏi người thêu thùa, may vá tốn khá nhiều công sức để hoàn thành một bộ váy áo truyền thống.
Nguy cơ mai một nghề trồng bông dệt vải
Thế nhưng, cho đến nay, nguy cơ mai một nghề trồng bông dệt vải đã hiện hữu trong đời sống của cộng đồng người La Chí. Ngày nay, trồng bông dệt vải không còn giữ vai trò mật thiết trong đời sống của họ. Tất cả váy áo, trang phục đều có thể dễ dàng mua ngoài chợ, rất tiện lợi và chi phí rẻ hơn rất nhiều so với sản phẩm người dân làm ra.
Phụ nữ người La Chí giữ nghề dệt vải truyền thống. |
Thậm chí, trong cuộc sống thường ngày, người dân đa phần mặc trang phục được mua sẵn ngoài chợ. Chỉ vào những dịp tết, lễ hội thì họ mới chú trọng đến việc mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình.
Bà Vàng Thị Nề ở thôn Nậm Khánh chia sẻ: "Người La Chí chúng tôi ngày xưa được mẹ dạy nghề thêu dệt từ nhỏ, nên phụ nữ La Chí ai cũng biết làm thêu dệt, may quần áo. Bây giờ các cháu gái không còn thích làm thêu thùa may áo nữa. Cũng không thích mặc trang phục của dân tộc mình. Các cháu thích những cái mới hơn".
Ông Nguyễn Ngọc Thanh, cán bộ Sở Văn hóa và Thể thao Lào Cai, cho biết: "Nhiều người phụ nữ La Chí lớn lên đã không còn biết trồng bông, xe sợi, dệt vải như xưa nữa. Đa phần những người còn làm các công việc này đều là những người ở độ tuổi trung niên trở lên. Nếu thế hệ ấy qua đi, thì có lẽ nghề này cũng sẽ thất truyền".
"Cái khó ở vùng người La Chí Bắc Hà là họ chưa thể ứng dụng nghề sản xuất thổ cẩm vào phát triển hàng hóa du lịch. Nên có chị em nào làm, thì cũng chỉ là để phục vụ nhu cầu sử dụng ở gia đình như áo, váy, khăn, mũ… Vì thế rất khó để lan tỏa đến các chị em trong cộng đồng. Mặc dù ngành Văn hóa Lào Cai khá quan tâm thúc đẩy việc bảo tồn nghề dệt vải của đồng bào La Chí, nhưng cho đến nay, vẫn chỉ dừng lại ở phạm vi nhỏ. Những người tham gia vào việc bảo tồn cũng đa phần đều lớn tuổi" - ông Thanh cho biết thêm.
Cần tìm hướng đi bền vững cho sản phẩm dệt của người La Chí
Theo ông Phùng Quang Mười, cán bộ ngành Văn hóa Lào Cai, muốn bảo tồn và phát triển nghề dệt của người La Chí, cách tốt nhất là đưa được sản phẩm ra thị trường du lịch. Khi đã ra được thị trường, hàng hóa tiêu thụ được, người dân có lợi ích, tự khắc họ sẽ thúc đẩy sản xuất. Khi người dân chủ động tìm tòi mẫu mã sản phẩm cũng như tìm hiểu nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng, lúc đó mới có thể phát triển nghề bền vững được. Tiêu biểu như các câu lạc bộ, hợp tác xã thổ cẩm của người Dao, người Mông ở Sa Pa là những điển hình rõ nét nhất. Cùng với đó cần có sự hỗ trợ tìm đầu ra cho sản phẩm, đẩy mạnh quảng bá giới thiệu sản phẩm đến với thị trường người tiêu dùng.
Ngoài ra, việc phát triển du lịch cũng cần chú ý đến quy hoạch đưa vùng người La Chí vào các điểm, tuyến du lịch. Nhờ đó mà người dân có điều kiện tiếp cận và tham gia vào các hoạt động dịch vụ du lịch. Như thế mới có thể tiêu thụ được sản phẩm, thúc đẩy nghề dệt phát triển.
Nhọc nhằn giữ nghề. |
Bà Lý Thị Phương, Chủ tịch Hội LHPN xã Nậm Khánh, chia sẻ: Chúng tôi vẫn thường xuyên tuyên truyền chị em giữ nghề truyền thống, nhưng thực sự là hiện nay trong cộng đồng người La Chí còn rất ít người trồng bông dệt vải. Việc may mặc thêu thùa cũng chỉ còn một số phụ nữ lớn tuổi. Họ làm để phục vụ mục đích sử dụng trong gia đình. Chúng tôi cũng rất muốn kết nối với các Công ty phát triển hàng hóa du lịch, để họ đặt hàng cho người dân sản xuất. Có như vậy mới mong có thể duy trì và phát triển nghề dệt truyền thống này.
Đến nay, những người phụ nữ La Chí lớn tuổi ở Nậm Khánh vẫn mong muốn duy trì nghề truyền thống của dân tộc mình bởi với họ nghề dệt thổ cẩm đã gắn liền với cuộc đời của họ và luôn là niềm tự hào về bản sắc của dân tộc họ.
Theo Hoàng Sa/ Báo Phụ nữ Việt Nam
https://phunuvietnam.vn/phu-nu-nguoi-la-chi-nhoc-nhan-giu-nghe-det-20230709223011262.htm