Phát triển kinh tế Việt - Hàn thông qua các làng nghề
Khác với nhiều cơ sở làm đồ gốm khác tại Bát Tràng, sản phẩm gốm của Công ty TNHH gốm sứ Quang Vinh chủ yếu hướng đến thị trường xuất khẩu. Hiện gốm Quang Vinh đang được bán tại 20 thị trường trên Thế giới và vào các thị trường khó tính như: Bắc Âu, Tây Âu, Mỹ, Úc, Nhật Bản và các nước khác.
"Với nền kinh tế thị trường đang hội nhập mạnh mẽ như hiện nay, để đáp ứng những đòi hỏi khắt khe của thị trường thì thay vì bán những gì mình có, chúng tôi chuyển sang bán những gì thị trường cần", bà Hà Thị Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh (xã Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội).
Trải qua hàng chục năm tham gia thị trường xuất khẩu, bà Vinh đã đưa sản phẩm gốm sứ mỹ nghệ Bát Tràng đến với nhiều thị trường trên thế giới, tiếp cận nhiều thị trường khắt khe, khó tính. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh đã cho ra mắt hàng nghìn sản phẩm độc đáo, tinh xảo. Nhiều người vừa nhìn thấy những tác phẩm gốm độc đáo, tài hoa đó, đã không đắn đo suy nghĩ mua ngay về dùng hoặc làm quà biếu.
Xưởng sản xuất của Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh gốm sứ Tân Thịnh, làng gốm Bát Tràng (Hà Nội). Ảnh: Hà Sơn/ Nhân dân |
Cũng hướng đến thị trường ngoài nước, Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh gốm sứ Tân Thịnh luôn có sự sáng tạo và cập nhật cho mình một phong cách gốm riêng, khi khách hàng nhìn thấy sản phẩm thì biết ngay đó là cơ sở của Tân Thịnh. Theo ông Trần Đức Tân, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh gốm sứ Tân Thịnh, để nhận diện sản phẩm gốm trên thị trường, trong khoảng thời gian 6 tháng đến 1 năm, doanh nghiệp của ông đều cho ra những bộ sản phẩm khác nhau. Hiện nay các sản phẩm của Tân Thịnh được bày bán trong nước, cung cấp sản phẩm đồ gốm nội thất cho các nhà chung cư, khách sạn, resort… ngoài ra còn cung cấp cho nhiều thị trường trong đó có thị trường châu Âu như: Đức; Pháp; Anh… hay ở châu Á như: Nhật, Hàn Quốc.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, đơn hàng xuất khẩu ra nước ngoài của hợp tác xã chỉ còn lại từ 10 đến 15%. Do đó, cơ sở sản xuất, kinh doanh đã bắt đầu tính tới phương án khôi phục sản xuất để vực dậy sau nhiều tháng đình trệ. Cụ thể, thay vì chủ yếu sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ hướng tới xuất khẩu, cơ sở chuyển hướng sang sản xuất hàng hóa phục vụ thị trường trong nước. Lấy sản phẩm truyền thống làm xương sống để phát triển gốm đương đại, đi sâu vào sản xuất các mặt hàng trang trí nội thất.
Để giúp các hộ sản xuất gốm có cách nhìn rõ hơn về việc tham gia chương trình OCOP, Hiệp hội Làng nghề Hà Nội đã thường xuyên tổ chức giao lưu định hướng chất lượng sản phẩm, tổ chức tập huấn tại phòng kinh tế huyện Gia Lâm, định hướng cho các cơ sở vùng nguyên liệu sản xuất...
Phòng trưng bày “Dòng chảy gốm sứ văn hóa Việt Nam” tại Hàn Quốc. (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia). |
Hội hữu nghị Việt Nam - Hàn Quốc TP Hà Nội đã có nhiều hoạt động quảng bá hình ảnh gốm Bát Tràng với bạn bè Hàn Quốc. Trong các dịp trao đổi, tiếp xúc, hình ảnh của gốm Bát Tràng được Hội Hữu nghị Việt Nam - Hàn Quốc TP Hà Nội thông tin, giới thiệu đến các tổ chức, doanh nghiệp Hàn Quốc. Hội cũng đã tổ chức nhiều tọa đàm giao lưu giữa các nghệ nhân gốm sứ Hàn Quốc với nghệ nhân gốm sứ Bát Tràng để chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau trong sản xuất đồ gốm. Gốm Bát Tràng cũng thường xuyên hiện diện trong các gian trưng bày tại các Hội chợ của Hàn.
Cùng với chính quyền địa phương và các hội nghề nghiệp có liên quan, Hội Hữu nghị Việt Nam – Hàn Quốc TP Hà Nội cũng đã đưa ra nhiều góp ý để gốm Bát Tràng không “tắt lửa”, tận dụng khoảng thời gian khó khăn để không ngừng học hỏi, hoàn thiện hơn về chất lượng, mẫu mã các sản phẩm để định vị thương hiệu của mình trên sàn đấu quốc tế.
Nhờ đó, 2 năm qua chịu tác động của dịch COVID-19, nhưng các hộ gia đình, các cơ sở sản xuất gốm ở xã Bát Tràng vẫn có định hướng phát triển riêng. Các nghệ nhân, doanh nghiệp làng gốm Bát Tràng đã hoàn thiện, bổ sung thêm các mẫu sản phẩm, đặc biệt là tiện ích sản phẩm đưa vào cuộc sống. Các cơ sở sản xuất cũng có những thay đổi mạnh mẽ trong phương thức quảng bá sản phẩm, tranh thủ mọi cơ hội để khôi phục sản xuất, từng bước ổn định công việc cho người lao động để chuẩn bị cho sự phát triển sôi động và nhộn nhịp hơn trong thời Hậu COVID-19.
Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, chuyên gia nước ngoài đã rất ngạc nhiên khi phát hiện kỹ thuật xử lý gốm Bát Tràng hiện đại và tinh xảo hơn người ta tưởng, giống như đồ gốm được tìm thấy ở Nhật Bản và Trung Quốc. “Giá trị văn hóa của sản phẩm là mặt mạnh của kinh tế. Nó giúp người nước ngoài hiểu Việt Nam và chất lượng gốm giúp họ tin vào các sản phẩm made in Vietnam khác”, ông Dương Trung Quốc cho biết. |
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ