Nữ bác sĩ Trung Quốc hồi sinh đời tôi
Qua cửa tử
Gặp ông Hồ Sĩ Tá một chiều đầu thu, khi chúng tôi hỏi kỷ niệm về ngôi trường Thiếu nhi Việt Nam Lư Sơn - Quế Lâm, ông bắt đầu ngay bằng câu chuyện nữ bác sĩ Trung Quốc Đặng Hải Đường đã cứu mạng ông từ tay "tử thần".
Ông Tá kể: Mùa hè năm 1955, ông 9 tuổi, là học sinh khối lớp 1 và vỡ lòng (năm học 1954) trường Thiếu nhi Việt Nam Lư Sơn - Quế Lâm. Một lần mải chơi, ông không may ngã xuống hồ nước cạnh trường.
Ảnh bác sĩ Đặng Hải Đường chụp năm 1956 (Ảnh chụp từ cuốn sách "Lư Sơn - Quế Lâm một thời để nhớ"). |
"Khi hồ cạn, người ta đào đất ở hồ đắp lên bờ nên mặt hồ lỗ chỗ không đều, nhiều chỗ bị đào xuống thành bậc sâu. Đang đứng đến đầu gối, bước một bước đã sâu quá đầu người. Quanh hồ có nhiều "nhà cầu" nên nước hồ rất bẩn", ông Tá kể.
Khi được phát hiện và vớt lên, ông Tá đã hôn mê bất tỉnh. Ông được đưa đến trạm xá, được bác sĩ Đặng Hải Đường, người được phân công chăm sóc sức khỏe cho học sinh Việt Nam lúc bấy giờ cấp cứu.
"Bác sĩ Đặng khi đó là cô gái ngoài hai mươi tuổi đã không ngại ngần luồn ống cao su vào dạ dày rồi dùng miệng trực tiếp hút nước bẩn ra. Mỗi lúc hút là nước và chất thải ra theo. Một người phụ tá cầm lọ thuốc tím pha loãng để bác sĩ súc miệng. Hơi thở của tôi lúc đó đã vô cùng yếu, hy vọng cứu chữa rất mỏng manh. Sau đó tôi rơi vào trạng thái chết lâm sàng một thời gian dài. Nhưng bác sĩ Đặng không từ bỏ. Bà tìm mọi cách để cứu sống tôi", ông Tá kể.
Với sự kiên trì, tận tình của bác sĩ Đặng Hải Đường và tập thể y bác sĩ Trung Quốc khi ấy, điều kỳ diệu đã xảy ra: cậu học sinh Tá dần hồi tỉnh. Tá được bác sĩ cho uống nước đặc biệt, được dắt tập đi, được hướng dẫn để phục hồi trí nhớ...
Theo ông Tá, nhiều học sinh trường Thiếu nhi Việt Nam Lư Sơn - Quế Lâm lúc bấy giờ cũng đã được bác sĩ Đặng Hải Đường chăm sóc, tận tình cứu chữa. Học sinh Ngô Linh (khối lớp 1 và vỡ lòng năm 1954) bị tai nạn, mắt chấn thương có nguy cơ hỏng. Theo yêu cầu kỹ thuật, bác sĩ Đặng đã lấy mỡ trong cơ thể mình để ghép chữa phẫu thuật mắt cho Ngô Linh. Điều này đã góp phần vào thành công của ca phẫu thuật, giúp mắt Ngô Linh hồi phục sau chấn thương.
70 năm trước, trong giai đoạn cuối ác liệt của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Đảng, Nhà nước, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định cử một số con em cán bộ tạm sang Trung Quốc học tập để chuẩn bị cho việc đào tạo cán bộ xây dựng đất nước sau này. Thực hiện quyết định đó, ngày 9/7/1953, Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Văn Huyên ký Nghị định thành lập một trường phổ thông chín năm (có ký túc xá) lấy tên là Trường Thiếu nhi Lư Sơn trực thuộc Bộ Giáo dục. Lúc mới thành lập, trường ở Lư Sơn (tỉnh Giang Tây, Trung Quốc) nhưng do mùa đông ở đó quá lạnh đối với học sinh, trường được chuyển về Quế Lâm (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc). Tuy chỉ tồn tại trong 5 năm nhưng trường Thiếu nhi Việt Nam Lư Sơn - Quế Lâm đã để lại dấu ấn sâu đậm trong các thế hệ học sinh từng học tập nơi đây. |
Hạnh ngộ...
Tháng 10/1997, bác sĩ Đặng Hải Đường sang Việt Nam. Đón bà ở sân ga Hà Nội là những học sinh trường Thiếu nhi Việt Nam Lư Sơn - Quế Lâm năm nào, nhiều người tóc đã ngả màu.
Trong chuyến thăm này, bác sĩ Đặng đã đến nhà ông Tá. Tại buổi gặp gỡ, bà nhận ông Tá làm con và con trai ông Tá làm cháu nội với mong muốn các đời con cháu sau này sẽ ngày càng gắn bó với nhau trong tình cảm gia đình.
Trở lại Quế Lâm, bác sĩ Đặng Hải Đường gửi một bức thư bày tỏ tình cảm sâu đậm với các học sinh Việt Nam. Trong thư có đoạn viết: "Tuy rằng đã hơn 40 năm qua, thời gian trôi nhanh nhưng không cuốn trôi tình hữu nghị sâu đậm giữa chúng ta.
Những hoài niệm lưu lại trong những khuôn mặt, giọng nói hoạt bát ngịch ngợm bởi những cử chỉ thông minh đáng yêu của tuổi nhi đồng đã trở thành những hoài niệm thân quen, cơ hồ như chỉ cần nhẹ đến những kỷ niệm này là con người sẽ trở về tuổi thanh xuân ngay vậy.
Tôi tin chắc rằng các bạn Việt Nam cũng có những hoài niệm như tôi. Chính vì có những hoài niệm tốt đẹp này mà chúng ta mới có cuộc hội ngộ hạnh phúc. Đây là cơ hội khó gặp và quý báu biết bao, nó sẽ mãi mãi lưu lại trong ký ức tôi những tình cảm tốt đẹp khó quên".
Ông Hồ Sĩ Tá (ngoài cùng bên trái) gặp gỡ, ôn lại kỷ niệm cùng những người bạn học ở trường Thiếu nhi Việt Nam Lư Sơn - Quế Lâm (Ảnh: Thu Hà). |
Sự yêu thương, đùm bọc, chăm sóc tận tụy của thầy cô, bạn bè Trung Quốc, trong đó có bác sĩ Đặng Hải Đường đã khiến trường Thiếu nhi Việt Nam Lư Sơn - Quế Lâm không chỉ là chiếc nôi giáo dục toàn diện mà còn là mái ấm gia đình của nhiều thế hệ học sinh Việt Nam khi tạm xa gia đình sang Trung Quốc du học.
Trong những ngày bác sĩ Đặng Hải Đường thăm Việt Nam vào năm 1997, ông Hồ Sĩ Tá đã viết bài thơ "Ngày mẹ đến" để tặng bà. Bài thơ được in trong cuốn "Lư Sơn - Quế Lâm một thời để nhớ" do Ban Liên lạc trường Thiếu nhi Việt Nam Lư Sơn - Quế Lâm biên soạn và xuất bản vào năm 2003. Tạp chí Thời Đại trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc: Ngày mẹ đến Từ ngày mẹ đến thăm con Núi như thấp xuống đường mòn rộng ra Trải bao gió dập mưa sa Muối trên đầu mẹ đã pha trắng trời Xin cho bão táp dập vùi Phủ trên đầu mẹ hãy dời đến tôi Đã hơn bốn chục năm rồi Tuổi con - Từ mẹ một đời không quên! Sức con: Như được mạnh lên Trí con: như được nhân thêm bởi người Ước mơ gặp mặt một thời Con đâu dám nghĩ ông trời ban cho Biết đây là thực hay mơ Mà nay mẹ đến - Hồn thơ dâng trào Cảm ơn bè bạn đã trao Bao nhiêu tình nghĩa lớn lao mới thành Quế Lâm - Kỷ niệm mãi xanh Là nơi hội tụ nghĩa tình bốn phương Nước non biết mấy nẻo đường Gặp nhau vẫn ấm tình thương một nhà Phải đâu chỉ mẹ con ta Mẹ là mẹ của thiết tha bao người Nhớ ngày mẹ đến khôn nguôi Đã thành dấu ấn cuộc đời của con. Hồ Sĩ Tá, cựu học sinh trường Thiếu nhi Việt Nam Lư Sơn - Quế Lâm
|