Nông dân ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu nhờ đa dạng sinh kế
Anh Nguyễn Văn Vương ở huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp từ lâu đã quen với việc trồng lúa ba vụ một năm, dựa vào hệ thống đê bao cao để bảo vệ đồng ruộng vào mùa lũ. Hình thức canh tác này không tối ưu về kinh tế cũng như phù hợp về sinh thái. Trên thực tế, thâm canh ba vụ dẫn đến suy thoái đất và phá vỡ cân bằng nước, giảm năng suất nông nghiệp, thu hẹp các vùng đất ngập nước, đồng thời tăng nguy cơ lũ lụt và ô nhiễm.
Năm 2016, anh được Dự án Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững ĐBSCL hỗ trợ chuyển đổi sang mô hình trồng 2 lúa kết hợp với nuôi vịt và cá đồng tự nhiên trên diện tích 10 héc-ta không hề dễ dàng vì chi phí đầu tư lớn. Tuy nhiên, anh Vương được dự án hỗ trợ 70% số vốn cần thiết đồng thời được các cán bộ kỹ thuật thường xuyên hướng dẫn ngay tại ao nhà.
Người nông dân huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp được hỗ trợ chuyển đổi sang mô hình trồng 2 lúa kết hợp với nuôi vịt và cá đồng tự nhiên (Ảnh: WB)
“Buổi ban đầu tôi rất lo vì chuyển đổi thế này “tiền quá tiền” và cũng bỡ ngỡ lắm”, anh Vương nói. “Nhưng kế hoạch có vẻ đầy hứa hẹn và tôi được giúp đỡ rất nhiều. Tôi làm và thấy hiệu quả, con cá mình chẳng cần cho ăn mà vẫn có tiền, còn lúa mình nhẹ phân nhẹ thuốc.”
Ước tính trồng lúa 2 vụ đông-xuân, hè thu lợi nhuận bình quân từ 25 đến 30 triệu đồng/ha. Mô hình nuôi kết hợp trồng lúa 2 vụ – thuỷ sản – chăn nuôi vịt tận dụng tối đa tiềm năng đất nước và sức lao động có thể mang lại lợi nhuận lên tới 81 triệu đồng/ha. Bên cạnh việc gia tăng thu nhập, cách làm này còn giúp những người nông dân như anh Vương giữ được nước lũ, giúp hạn chế xâm nhập mặn ở hạ lưu trong mùa khô.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ĐBSCL có thể mất khoảng 500 ha đất mỗi năm do xói lở. Ngoài ra, hoạt động quản lý đất và nước không bền vững đang làm ô nhiễm mạng lưới sông ngòi và kênh rạch chằng chịt ở đây. Vào mùa khô, có những thời điểm mức độ xâm nhập mặn ở nhiều nơi đã tăng cao gấp 4 lần so với ngưỡng chịu mặn của các loại cây trồng chính, gây ra cuộc khủng hoảng thiếu nước ngọt trên toàn vùng. Suy thoái môi trường đang đe dọa mạng sống và sinh kế của hàng triệu người dân trên khắp 13 tỉnh thành.
Một trong những phương án để ĐBSCL có thể thích ứng với biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn đó là cần tính đến đa dạng sinh kế. Đối với nông dân và cộng đồng có sinh kế phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên nơi đây, đa dạng sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu chính là chìa khóa để tồn tại.
Cây chết vì khô hạn tại Đồng bằng Sông Cửu Long. (Ảnh: TonyNg/Shutterstock)
Chính vì vậy, từ năm 2016 – 2022, Ngân hàng Thế giới (WB) thông qua Dự án Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững ĐBSCL đã hỗ trợ Chính phủ Việt Nam đưa ra nhiều quyết sách vĩ mô quan trọng đồng thời có những chương trình cụ thể, giúp hơn 1 triệu nông dân địa phương chuyển đổi sang những hình thức sản xuất thích ứng với khí hậu và sử dụng nguồn tài nguyên hiệu quả.
Dự án của WB đưa ra khuyến cáo, cần tận dụng mạng lưới các nhà khoa học rộng khắp cùng với nông dân phát triển các mô hình sản xuất giúp giải quyết những thách thức về sinh thái nông nghiệp và kinh tế xã hội đặc thù từng vùng, đồng thời nhân rộng các mô hình này.
ĐBSCL có 4 tiểu vùng sinh thái với các đặc điểm thủy văn khác nhau và dự án đã hỗ trợ thực hiện những chiến lược phù hợp với từng tiểu vùng. Ở vùng thượng lưu châu thổ, mục tiêu là chủ động điều tiết nguồn nước ngọt và hấp thụ lũ, góp phần giảm thiểu hạn hán và xâm nhập mặn ở hạ nguồn. Ở vùng cửa sông, mục tiêu là thích ứng với độ mặn ngày càng tăng. Dọc theo Bán đảo Cà Mau, việc bảo vệ vùng ven biển đang ngày càng trở nên dễ bị tổn thương với các hình thái thời tiết cực đoan cũng như giải quyết tình trạng khan hiếm nước ngọt là những ưu tiên hàng đầu.
Bên cạnh đó, dự án cũng giúp nông dân chuyển sang các loại cây trồng hoặc giống vật nuôi khác trong mùa lũ, vừa giảm sự phụ thuộc vào trồng lúa, vừa tạo thu nhập cao hơn.
Theo thống kế, tính đến tháng 6/2022, đã hỗ trợ hơn một triệu nông dân chuyển đổi sinh kế thích ứng với khí hậu và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên.
Để nông dân duy trì những thực hành tốt này ngay cả khi dự án kết thúc, WB cũng đầu tư thiết lập cơ sở hạ tầng tạo nền tảng cho quá trình nhân rộng một cách bền vững, đồng thời tăng cường hợp tác, điều phối vùng để quản lý nguồn tài nguyên nước và đất.
Phần lớn số vốn trong tổng mức đầu tư 387 triệu USD của dự án được sử dụng để xây mới và nâng cấp các công trình thủy lợi và hạ tầng kỹ thuật đã xuống cấp. Dự án cũng xây dựng một trạm trung tâm thu nhận số liệu từ các trạm quan trắc và lắp đặt các thiết bị quan trắc lưu lượng, chất lượng nước, mực nước và độ mặn cho 20 trạm quan trắc nhằm cung cấp số liệu liên tục và cập nhật về các đặc trưng, diễn biến tài nguyên nước cho vùng ĐBSCL.