Huế: Phát huy vai trò của phụ nữ trong thích ứng biến đối khí hậu
Chị Hoàng Thị Thê (thôn Vĩnh Trị, xã Hải Dương, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế) bắt tay trồng rừng ngập mặn từ năm 2021. Thời điểm ấy, chị và nhiều người dân trong xã Hải Dương không biết trồng cây bần chua sao cho sống được, sống đều. Tham gia dự án “Nâng cao vai trò của phụ nữ trong việc tăng cường khả năng chống chịu của cộng đồng và hệ sinh thái ven biển miền Trung Việt Nam”, được cán bộ Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Xã hội (CSRD) nhiều lần tập huấn, hỗ trợ giống, chị đã trồng thành thạo.
“Rừng đã phủ xanh vùng ngập mặn ven phá. Mọi người ai cũng vui vì cây sống, phát triển nhanh, giúp thủy sản dưới tán rừng có môi trường sinh sôi, phát triển” – chị Thê hào hứng chia sẻ.
Người dân tại xã Hải Dương tiến hành đảo bầu lần 2 cho vườn ươm các loài cây rừng ngập mặn. (Ảnh: CSRD)
Không chỉ hỗ trợ phụ nữ 32 xã nằm ven phá Tam Giang trồng rừng ngập mặn, dự án còn chú trọng thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào các hoạt động như ươm cây, trồng cây, truyền thông, chia sẻ kinh nghiệm mưu sinh. Vườn ươm các loài cây rừng ngập mặn giúp chị em có thu nhập, đồng thời bảo đảm cung ứng cây con cho việc mở rộng diện tích rừng ngập mặn hiện có.
Theo thống kê, tính đến tháng 3/2023, đã có khoảng 28.000 cây giống và trái giống cây ngập mặn đã được ươm, trong đó, 7.000 là cây đước đôi, khoảng 21.000 cây bần chua. Các cây giống được ươm trong vườn ươm cho đến khi được bán và trồng bởi cộng đồng quanh đầm phá. Nhờ đó, cộng đồng có thêm nguồn thu nhập trực tiếp và tăng cường sức chống chịu của hệ sinh thái ven biển.
Dự án “Nâng cao vai trò của phụ nữ trong việc tăng cường khả năng chống chịu của cộng đồng và hệ sinh thái ven biển miền Trung Việt Nam” được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt thực hiện trong giai đoạn 2021 – 2023 nhằm nâng cao vai trò của phụ nữ trong quản lý rủi ro thiên tai, tăng cường khả năng chống chịu của cộng đồng và hệ sinh thái ven biển tại địa bàn nguy cơ ngập lụt cao tại tỉnh Thừa Thiên Huế.
Trong khuôn khổ dự án, Cuộc thi sáng kiến truyền thông và sáng kiến sinh kế được tổ chức từ cơ sở đến cấp tỉnh đã tạo không khí sôi nổi và là động lực cho người dân tìm hiểu về biến đổi khí hậu, hệ sinh thái, rừng ngập mặn cũng như mô hình sinh kế bền vững dựa vào tự nhiên.
Nhờ đó dự án đã giúp phụ nữ địa phương thay đổi nhận thức về bảo vệ môi trường. Những cánh rừng như những tấm khiên chắn sóng, chắn gió trong mỗi mùa mưa bão. Ngoài ươm, trồng, phụ nữ còn tận tình chăm sóc, tích cực bảo vệ rừng, ngăn kẻ xấu chặt phá.
Người dân xã Hải Dương và xã Lộc Vĩnh (TP Huế) được tập huấn kỹ thuật trồng rừng ngập mặn. (Ảnh: CSRD)
Theo bà Nguyễn Thị Nhật Anh – Giám đốc CSRD, Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương chịu tác động lớn từ những hiện tượng thời tiết cực đoan, với tần suất dày và cường độ cao. Đặc biệt khu vực đầm phá Tam Giang – vùng nước lợ lớn nhất Đông Nam Á – là nơi thường xuyên hứng chịu các cơn bão từ biển Đông.
Số liệu thống kê, có khoảng 500.000 người hiện đang sinh sống ở 32 xã vùng trũng dọc theo đầm phá và bờ biển tỉnh Thừa Thiên Huế. Ước tính 100.000 phụ nữ có sinh kế trực tiếp dựa vào tài nguyên đầm phá như đánh bắt thủy sản và sử dụng nguồn nước ở đây. Trong khi đó, khoảng 200.000 người khác sử dụng các dịch vụ do hệ sinh thái mang lại một cách gián tiếp như: phòng chống lũ và sản xuất nông nghiệp.
“Chúng tôi nhận thấy, việc tuyên truyền, nâng cao năng lực cho phụ nữ về vai trò và khả năng đóng góp của họ trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu là hết sức cần thiết. Đặc biệt, cuộc thi sáng kiến truyền thông và sáng kiến sinh kế tổ chức từ cơ sở đến cấp tỉnh đã tạo không khí sôi nổi và là động lực cho người dân tìm hiểu về biến đổi khí hậu, hệ sinh thái rừng ngập mặn cũng như sinh kế bền vững dựa vào tự nhiên” – Bà Ngô Thị Ánh Tuyết – Phó chủ tịch thường trực Hội LHPN tỉnh Thừa Thiên – Huế chia sẻ.